Loạt doanh nghiệp chăn nuôi báo lãi đậm trong quý III, dự báo giá heo tăng trước thềm 'đại di dời'

Giá heo hơi tăng cùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi rẻ là 2 nguyên nhân chính giúp nhóm doanh nghiệp chăn nuôi bão lãi tăng mạnh trong quý III.

Giá heo hơi tăng mạnh giúp loạt doanh nghiệp báo lãi tăng

Theo thống kê, giá heo trung bình trong quý III năm nay giao động quanh ngưỡng 60.000-65.000 đồng/kg, thậm chí chạm mốc 70.000 đồng/kg, tăng 20-30% so với mức 50.000 đồng/kg tại thời điểm quý III/2023. Giá heo hơi tăng cũng là nguyên nhân chính thúc đẩy kết quả kinh doanh tích cực của nhóm doanh nghiệp chăn nuôi heo trong quý III.

Lợi nhuận một số doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi heo. Ảnh: Mai Trang tổng hợp.

Lợi nhuận một số doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi heo. Ảnh: Mai Trang tổng hợp.

Dẫn đầu về mức tăng trưởng là Dabaco (mã: DBC). Doanh nghiệp công bố BCTC quý III với doanh thu thuần đạt 3.525 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp tăng mạnh lên 17,7% so với mức 10,4% của quý III/2023. Các chi phí gia tăng không đáng kể giúp cho lợi nhuận sau thuế của Dabaco gấp 25 lần cùng kỳ năm trước lên 312 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 5 quý gần đây.

Doanh nghiệp cho biết trong quý vừa qua, tình hình giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu tương đối ổn định; công ty cũng nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ về kỹ thuật, quản lý và phát triển thị trường..., do vậy, lợi nhuận các đơn vị chăn nuôi tăng cùng kỳ năm trước. Quý III, ngành chăn nuôi cả nước vẫn tiếp tục chịu áp lực dịch bệnh, tuy nhiên do áp dụng các giải pháp về phòng ngừa dịch bệnh, an toàn sinh học, tiêm phòng vắc xin... nên các công ty chăn nuôi thuộc tập đoàn đã kiểm soát được dịch bệnh.

Lũy kế 9 tháng, Dabaco đạt 9.962 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với 9 tháng đầu năm ngoái. Lãi sau thuế 530 tỷ đồng, gấp gần 29 lần cùng kỳ. Năm 2024, tập đoàn lên mục tiêu tổng doanh thu 25.380 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 730 tỷ đồng. Như vậy, Dabaco đã đạt được 73% kế hoạch lợi nhuận năm sau 9 tháng.

Doanh nghiệp “heo ăn chay” BAF (mã: BAF) có quý tăng trưởng tốt với 60 tỷ đồng lãi ròng, tăng 50% so với cùng kỳ. Một phần nguyên nhân nhờ doanh thu bán heo quý III gấp 2,3 lần, đạt 856 tỷ đồng, chiếm 65% cơ cấu doanh thu, nhờ sản lượng bán heo tăng mạnh (163.000 con).

Mặt khác, nhờ tự chủ sản xuất thức ăn chăn nuôi trong khi giá nguyên liệu rẻ hơn, giá vốn của BAF chỉ tăng nhẹ. Ngoài ra, tương tự Dabaco, BAF kiểm soát tốt ảnh hưởng của dịch bệnh, và cũng hưởng lợi từ việc giá heo hơi duy trì ở mức cao.

Mảng nông nghiệp của Hòa Phát (mã: HPG) cũng có kết quả thuận lợi trong quý III với doanh thu tăng hơn 20%, lợi nhuận sau thuế tăng tới 80% so với cùng kỳ.

Tại Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG), lợi nhuận quý III ghi nhận 332 tỷ đồng, tăng nhẹ 90% so với cùng kỳ. Tuy nhiên phần lớn lợi nhuận đơn vị này đến từ doanh thu bán trái cây với 2 loại chủ lực là chuối và sầu riêng. Doanh thu mảng bán heo trong quý III chỉ chiếm 11% doanh thu của đơn vị này và giảm 52% so với cùng kỳ.

Vissan (mã: VSN) ghi nhận lợi nhuận 33 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ nhờ kiểm soát tốt chi phí.

Đáng chú ý nhất là Masan Meatlife (mã: MML) ghi đã có lãi 19 tỷ đồng sau 2 năm liên tục thua lỗ. Công ty cho biết, doanh thu từ mảng thịt ủ mát và thịt chế biến có sự tăng trưởng. Đồng thời, chi phí sản xuất được kiểm soát tối ưu, đặc biệt là mảng trang trại gà và chi phí thức ăn chăn nuôi giảm đã góp phần làm tăng lãi gộp.

Một doanh nghiệp khác trong ngành là CTCP Chăn nuôi Phú Sơn (Mã: PSL) cũng ước tính trong 9 tháng đầu năm với tổng doanh thu hơn 115 tỷ đồng, thực hiện được 86% kế hoạch. Công ty báo lãi sau thuế hơn 2,6 tỷ đồng, thực hiện được 59% mục tiêu năm đặt ra. Như vậy, trong quý III, công ty ước đạt 28 tỷ đồng doanh thu và lỗ sau thuế khoảng 1,7 tỷ đồng.

Giá heo dự bán tăng khi nguồn cung giảm

Luật Chăn nuôi 2018 yêu cầu cơ sở chăn nuôi phải tuân thủ quy định về khoảng cách với khu dân cư, mật độ chăn nuôi, kiểm soát tốt thức ăn chăn nuôi… Các chuyên gia nhận định, luật sẽ tạo nên một cuộc “đại di dời”, khi hàng chục ngàn cơ sở chăn nuôi hoặc phải rời khỏi khu vực dân cư, hoặc phải ngừng hoạt động.

Chủ tịch BAF Trương Sỹ Bá từng nhận định, các hộ nhỏ lẻ là nhóm chiếm nhiều thị phần nhất của ngành chăn nuôi heo, lên tới 70% ở thời điểm năm 2018, trước khi dịch tả heo châu Phi (ASF) đổ bộ. Sau này, tỷ lệ giảm xuống vì nhiều nguyên nhân, nhưng nhóm này vẫn chiếm số đông và được cho là nhóm có khả năng quyết định giá.

Dựa trên nhận định này, việc các nông hộ phải di dời khi Luật chăn nuôi có hiệu lực nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng phần nào tới nguồn cung heo. Đại diện BAF cho biết, các cuộc di dời từ đầu năm 2024 tại Đồng Nai đã có ảnh hưởng về cơ cấu, quy mô đàn của nhiều đơn vị.

Trung tâm Phân tích thuộc Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong nhận định giá heo có xu hướng tăng nhờ nhu cầu lớn hơn trong bối cảnh nguồn cung chưa tái đàn kịp thời sau dịch ASF. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang trong quá trình tái đàn sau khi bị dịch ASF và cần khoảng thời gian ít nhất đến tháng 12/2024 mới có nguồn cung mới ra thị trường.

Còn theo nhận định của các chuyên gia từ Maybank IBG Research, giá heo hơi có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới nhưng biên độ tăng sẽ không mạnh như trong 5 tháng đầu năm. Trong ngắn hạn, giá heo hơi có thể được hỗ trợ do nguồn cung giảm bởi tổn thất của các nhà sản xuất quy mô nhỏ và bùng phát dịch bệnh.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/loat-doanh-nghiep-chan-nuoi-bao-lai-dam-trong-quy-iii-du-bao-gia-heo-tang-truoc-them-dai-di-doi.html