Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Với 426/430 phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã được Quốc hội thông qua. Ảnh: T.Hà

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã được Quốc hội thông qua. Ảnh: T.Hà

Đầu giờ chiều nay, 21-11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường. Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, với 426/430 phiếu, tương đương với 89,77% đại biểu tán thành,

Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Theo báo cáo, một số khái niệm đã được làm rõ trong luật, như dược liệu (bao gồm cả vị thuốc cổ truyền) là nguyên liệu làm thuốc có nguồn gốc từ thực vật, động vật, khoáng vật, nấm, đạt tiêu chuẩn làm thuốc.

Thuốc cổ truyền là thuốc có thành phần từ một hoặc nhiều dược liệu được phối ngũ theo lý luận của y học cổ truyền hoặc theo kinh nghiệm dân gian và được chế biến, bào chế theo phương pháp y học cổ truyền, có dạng bào chế truyền thống hoặc hiện đại.

Sinh phẩm (còn gọi là thuốc sinh học) là thuốc được sản xuất bằng công nghệ hoặc quá trình sinh học từ chất hoặc hỗn hợp các chất cao phân tử có nguồn gốc sinh học, bao gồm cả vi sinh vật, dẫn xuất của máu và huyết tương người.

Đối với chính sách của Nhà nước về dược, luật quy định, bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, giá hợp lý cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân... Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp dược thành ngành công nghiệp mũi nhọn.

Chủ tịch nước Lương Cường dự phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch nước Lương Cường dự phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Ảnh: quochoi.vn

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Ảnh: quochoi.vn

Dự án đầu tư thành lập mới (gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) trong phát triển công nghiệp dược, có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, thì được áp dụng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt như đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 của Luật Đầu tư…

Đối với các biện pháp quản lý giá thuốc, Luật quy định rõ: Đấu thầu thuốc dự trữ quốc gia, đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật về dự trữ quốc gia. Đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cung cấp thuốc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia, quốc phòng, an ninh, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa, phòng, chống dịch bệnh theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại phiên họp chiều nay, 21-11. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại phiên họp chiều nay, 21-11. Ảnh: quochoi.vn

Luật cũng quy định, kiến nghị về mức giá bán buôn thuốc dự kiến đã công bố, công bố lại trong quá trình thuốc lưu hành trên thị trường khi Bộ Y tế phát hiện một trong các trường hợp sau: Giá bán buôn thuốc dự kiến cao hơn mức giá cao nhất của mặt hàng thuốc tương tự đã công bố, công bố lại mà chưa có kiến nghị của Bộ Y tế, trừ trường hợp cơ sở có báo cáo giải trình và có tài liệu chứng minh phù hợp về sự biến động giá…

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025. Các trường hợp quy định về gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại khoản 30 Điều 1; quy định về bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại điểm a khoản 19, điểm b khoản 20 và điểm a khoản 21 Điều 1 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/quoc-hoi-thong-qua-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-duoc-685165.html