Loạt doanh nghiệp dầu khí họp cổ đông trong tuần 21-27/4

Tuần tới là cao điểm họp đại hội đồng cổ đông ngành dầu khí với sự xuất hiện của một số đơn vị tên tuổi trong nhóm dầu khí như Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Dầu Việt Nam,...

Ảnh minh họa: Mekong ASEAN.

Ảnh minh họa: Mekong ASEAN.

Mở đầu tuần là phiên họp cổ đông của Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power, HoSE: POW), tổ chức ngày 22/4 tại Hà Nội. Dự kiến tại đại hội, POW sẽ thông qua các tờ trình như: báo cáo tài chính năm 2024; kế hoạch kinh doanh năm 2025; bổ sung ngành, nghề kinh doanh và sửa đổi điều lệ của PV Power; mua bán khí LNG tái hóa cho Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4.

Theo BCTC năm 2024 sau kiểm toán, doanh thu thuần năm 2024 của PV Power tăng nhẹ 0,4% từ 30.180 tỷ đồng lên 30.306 tỷ đồng so với báo cáo tự lập công bố ngày 24/1/2025. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty lại giảm từ 1.346 tỷ đồng xuống 1.211 tỷ đồng, tương ứng giảm gần 135 tỷ đồng (giảm 10%).

Năm 2025, PV Power đặt kế hoạch đạt sản lượng điện 18,86 tỷ kWh với tổng doanh thu 38.185 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2024 và lợi nhuận sau thuế là 439 tỷ đồng, giảm 67%. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong lịch sử hoạt động của PV Power.

Trong một báo cáo gần đây, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, PV Power đặt kế hoạch thận trọng cho năm 2025 có thể dựa trên hai quan điểm rủi ro là nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4 có thể lỗ vận hành những năm đầu và tiềm ẩn về lỗ tỷ giá lớn. Trên thực tế, lợi nhuận của tổng công ty đều vượt kế hoạch trung bình 81% trong 5 năm qua.

 Tình hình thực hiện dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4. Nguồn: PV Power.

Tình hình thực hiện dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4. Nguồn: PV Power.

Theo đánh giá của MBS, với kế hoạch giao sản lượng tích cực từ Cục Điều tiết Điện lực (NSMO) cho hầu hết các nhà máy của PV Power từ nền thấp 2024, cùng với việc tỷ giá dự kiến sẽ ổn định hơn trong 2025, MBS kỳ vọng mức lợi nhuận đạt được dự kiến sẽ cao hơn kế hoạch của doanh nghiệp. Trên thực tế, PV Power cũng thường xuyên có kết quả kinh doanh thực tế vượt xa so với kế hoạch đầu năm trong giai đoạn 2019-2024.

Cùng ngày 22/4, Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí - CTCP (PVChem, HNX: PVC) sẽ tổ chức họp cổ đông tại Hà Nội.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ 2025, năm nay, PVChem đặt mục tiêu sản lượng sản xuất đạt 13.200 tấn, tăng 8% so với thực hiện năm 2024. Tuy nhiên, tổng doanh thu mục tiêu giảm 6,5% so với năm 2024, ở mức 2.800 tỷ đồng; trong khi lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt gấp đôi năm trước lên mức 31,2 tỷ đồng.

PVChem cho biết, hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty có đặc thù là cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho các hoạt động khoan, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí. Năm 2025, dự kiến sẽ tiếp tục là năm có nhiều thử thách và khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của PVChem.

Cơ cấu doanh thu/lợi nhuận của PVChem phần lớn là từ hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ, hoạt động sản xuất chiếm tỷ trọng nhỏ do vậy hoạt động sản xuất kinh doanh chịu nhiều yếu tố biến động của địa - chính trị kinh tế, sự biến động phức tạp của tỷ giá USD/VND và lãi suất là các nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của PVChem.

Ở lĩnh vực dịch vụ, cạnh tranh gay gắt từ đối thủ nước ngoài/tư nhân trong lĩnh vực dịch vụ cốt lõi của PVChem, dẫn đến biên lợi nhuận giảm, đồng thời áp lực giảm giá dịch vụ khi đấu thầu là những nguyên nhân sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu và lợi nhuận năm 2025.

Ở lĩnh vực kinh doanh, kinh doanh hạt nhựa nhập khẩu mang lại doanh thu lớn cho PVChem, tuy nhiên việc các nhà sản xuất lớn trong nước đưa vào vận hành khai thác thương mại từ năm 2024 đã làm dư thừa nguồn cung trong thị trường nội địa, tăng cạnh tranh ảnh hưởng đến doanh thu và biên lợi nhuận thực hiện. Ngoài ra, kinh doanh lưu huỳnh phụ thuộc nhiều vào yếu tố biến động thị trường, rủi ro lớn.

Để đạt được các chỉ tiêu, công ty sẽ nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ dung dịch khoan, dịch vụ kỹ thuật và dịch vụ công nghiệp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường; tập trung nguồn lực cung cấp dịch vụ, hóa chất/hóa phẩm cho dự án Lô B; triển khai tốt các hoạt động kinh doanh truyền thống, đi kèm nghiên cứu phát triển sản xuất các sản phẩm mới,…

Về kế hoạch chi trả cổ tức, công ty dự kiến sẽ dành hơn 44,6 tỷ đồng trả cổ tức cho năm 2024, tỷ lệ 5,5%. Trong khi năm 2025, mức tỷ lệ dự kiến sẽ là 2%.

Tiếp đó,ngày 23/4 sẽ diễn ra phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (HoSE: BSR).

Theo tài liệu ĐHĐCĐ năm 2025, năm nay, BSR đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 114.654 tỷ đồng, giảm hơn 8% so với thực hiện của năm 2024; lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 752 tỷ đồng, tăng hơn 27% so với thực hiện năm trước. Kế hoạch này dựa trên phương án giá dầu Brent là 70 USD/thùng.

Theo báo cáo đánh giá của Chứng khoán VP Bank (VPS), trong năm 2025, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ hoạt động đầy đủ công suất trong cả năm, do đó dự báo sản lượng sản xuất sẽ tăng trở lại mức bình thường, kỳ vọng mang lại kết quả tốt hơn cho công ty.

Về phương án phân phối lợi nhuận, HĐQT BSR dự kiến không chia cổ tức năm 2024 do toàn bộ lợi nhuận sau thuế năm vừa qua được sử dụng để trích quỹ khen thưởng phúc lợi và quỹ đầu tư phát triển của công ty.

Ngày 24/4, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, HoSE: PVD) sẽ tổ chức phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025.

Theo tài liệu đại hội, năm 2024 là năm đầy thách thức nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội. Tổng công ty ghi nhận doanh thu đạt 9.566 tỷ đồng, vượt 54% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 698 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ và vượt 84% mục tiêu ra.

Ban lãnh đạo PVD cho biết, từ năm 2024, công ty đã nhanh chóng nắm bắt được nhu cầu thị trường sôi động để đầu tư mạnh. Đại hội năm 2024 phê duyệt ngân sách 2.405 tỷ đồng và thực tế đã giải ngân được 1.098 tỷ đồng (chủ yếu là giải ngân dự án đầu tư giàn tự nâng 3 chân rời có dầm trượt).

Các dự án năm 2024 tiếp tục được chuyển tiếp và cùng với các dự án mới năm 2025 đã nâng tổng giá trị kế hoạch đầu tư của năm 2025 của công ty mẹ lên khoảng 1.923 tỷ đồng.

"Mặc dù rất cần dòng tiền hỗ trợ cho kế hoạch đầu tư để nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ nhưng với mục tiêu hài hòa lợi ích của cổ đông, PV Drilling đề xuất phương án chi trả cổ tức năm 2024 bằng tiền với tỷ lệ 5%," tài liệu viết.

Theo đó, công ty sẽ chi ra số tiền gần 278 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2024 cho cổ đông, phần còn lại 60 tỷ đồng được giữ lại ở khoản mục lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Bước sang năm 2025, PV Drilling sẽ tiếp tục đảm bảo công việc liên tục cho các giàn khoan, củng cố công việc tại thị trường trong nước, dù các chương trình khoan trong nước hiện tại đang là các chương trình ngắn hạn và chưa có tính liên tục.

Kế hoạch tổng doanh thu năm 2025 của công ty là 7.200 tỷ đồng, giảm gần 25% so với kết quả năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế tương tự giảm 24% còn 530 tỷ đồng.

Tổng chi phí đầu tư trong năm 2025 dự kiến khoảng 2.292 tỷ đồng (toàn tổng công ty). Chủ yếu là đầu tư thêm một giàn khoan đa năng tự nâng và các dự án chuyển tiếp từ năm 2024 của công ty mẹ.

Ngày 25/4, tại điểm cầu Hà Nội, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) sẽ tổ chức họp cổ đông theo hình thức trực tuyến.

Theo tài liệu họp được công bố mới đây, ban lãnh đạo Petrolimex dự báo, năm 2025, tình hình thế giới và khu vực dự báo vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường, khó dự báo. Đối với Petrolimex, 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch 2020 - 2025, do đó năm nay, công ty đặt mục tiêu sản lượng xăng dầu xuất bán hợp nhất là hơn 17 triệu m3, tăng 8% so với thực hiện năm 2024.

Về tài chính, PLX đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất giảm 13%, về mức 248.000 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất trước thuế giảm 19%, về mức 3.200 tỷ đồng.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, PLX dự kiến chi trả cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 12%.

Cùng ngày 25/4, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL, UPCoM: OIL) cũng sẽ tổ chức họp cổ đông theo hình thức trực tuyến.

Theo tài liệu đại hội năm 2025, năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất là 97.500 tỷ đồng, giảm 22% so với kết quả năm 2024. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 624 tỷ, tăng 32%.

Công ty cần đầu tư 1.099 tỷ đồng (hơn 65% là từ nguồn vốn chủ sở hữu) cho hoạt động xây dựng mới và cải tạo kho, cảng, cửa hàng xăng dầu và đầu tư mua sắm khác trong năm 2025. Trong đó, dự kiến xây mới và cải tạo 69 - 72 cửa hàng mới.

Về phương án phân phối lợi nhuận, công ty dự kia chia cổ tức cho năm 2024 là 2,5% bằng tiền (250 đồng/cp), tương đương số tiền cần chi hơn 258 tỷ. Kế hoạch cổ tức cho năm 2025 chưa được công bố.

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/loat-doanh-nghiep-dau-khi-hop-co-dong-trong-tuan-21-274-40616.html