Loạt doanh nghiệp xả thải 'vô phép' tại Bắc Ninh bị phạt hơn 8 tỷ

Công ty cổ phần Tập đoàn Hanaka - chủ đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá bị phạt hơn 800 triệu về các lỗi: tổ chức xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng; không có giấy phép về môi trường; không thu gom, xử lý nước thải của Cụm công nghiệp...

Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá, Bắc Ninh

Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá, Bắc Ninh

Ngày 20/11, ông Đào Quang Khải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh ký ban hành 16 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về môi trường, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, quy hoạch, xây dựng đối với chủ đầu tư và các cơ sở sản xuất trong Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá với tổng số tiền gần 8,7 tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn Hanaka - chủ đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá bị phạt về các lỗi: tổ chức xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng; không có giấy phép về môi trường; không hoàn thành việc xây lắp, lắp đặt hệ thống thu gom, xử lý nước thải của Cụm công nghiệp; không lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; đưa công trình vào hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy với tổng số tiền 888 triệu đồng.

Ngoài phạt tiền, cơ quan chức năng cũng đồng thời, đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường tại Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá 4 tháng 15 ngày.

Đối với Công ty TNHH nhôm Đại Hưng, Công ty TNHH Sản xuất thương mại và xuất nhập khẩu HS và cơ sở sản xuất của các hộ: Hà Thị Cảnh, Mẫn Thị Thu, Nguyễn Thị Trà, Mẫn Văn Tuyên, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Văn Đa, Nguyễn Văn Bách, Nguyễn Văn Bình, Mẫn Thị Thân, Nguyễn Văn Khởi, Nguyễn Văn Hoàng vi phạm các lỗi chủ yếu về: không tổ chức lập thẩm định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng theo quy định; xây dựng nhà xưởng không đúng quy định được duyệt; không có giấy phép xây dựng; không có giấy phép môi trường; không có kho lưu trữ chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định; đưa công trình vào hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận hoặc có văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy… với tổng số tiền gần 7,8 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp và cơ sở bị đình chỉ sản xuất 4 tháng 15 ngày và buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; thực hiện phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm; lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định. Thời hạn khắc phục hậu quả 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.

Cũng tại cuộc kiểm tra ngày 20/11 tại các làng nghề, ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt và lộ trình thực hiện theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh là không có sự lay chuyển về mặt ý chí; kiên quyết xử lý, không để tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài; không thỏa hiệp với hành vi cố tình gây ô nhiễm môi trường; không thể vì một bộ phận nhỏ mà để ảnh hưởng tới sự phát triển chung của tỉnh.

Tỉnh Bắc Ninh sẵn sàng, đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp và mô hình sản xuất.

Hệ thống chính trị và người dân Bắc Ninh kỳ vọng với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh, đặc biệt là các lực lượng chức năng, ngành chuyên môn, lực lượng vũ trang, cán bộ được phân công trách nhiệm trong giải quyết những điểm nóng về ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, cụm công nghiệp Phú Lâm và xã Văn Môn.

Bước đầu, phường Phong Khê và Cụm công nghiệp Phú Lâm đã có những chuyển biến tích cực với các giải pháp triển khai đảm bảo tính căn cơ lâu dài theo lộ trình của tỉnh. Những kết quả đó sẽ tạo sự khích lệ và lan tỏa trong xử lý ô nhiễm môi trường tại xã Văn Môn và các điểm ô nhiễm môi trường trong tỉnh; các địa phương phải rà soát để chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý các điểm ô nhiễm.

Châu Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/loat-doanh-nghiep-xa-thai-vo-phep-tai-bac-ninh-bi-phat-hon-8-ty.htm