Loạt dự án trọng điểm tại Hà Nội dự kiến khởi công trong năm 2025

Ngày 19/5 tới đây, UBND thành phố Hà Nội sẽ khởi công dự án cầu Tứ Liên. Tiếp đó là cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi cùng 2 tuyến đường sắt đô thị cũng đặt kế hoạch khởi công trong năm 2025

Phối cảnh phương án kiến trúc cầu Tứ Liên. Nguồn: Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội.

Phối cảnh phương án kiến trúc cầu Tứ Liên. Nguồn: Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội.

Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh, Sóc Sơn trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào giữa tháng 4 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết thành phố quyết tâm khởi công cầu Tứ Liên vào dịp 19/5. Ngay sau đó, thành phố sẽ khởi công cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi lần lượt vào dịp 19/8, và 2/9.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu có điểm đầu từ đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, TP Hà Nội, điểm cuối qua nút giao với đường Trường Sa, dài 4,8 km với 5 nút giao gồm: Nghi Tàm, Hữu Hồng, bãi giữa, Tả Hồng và nút giao quốc lộ 5 kéo dài. Cầu có kiến trúc dây văng kết hợp văng xoắn tạo ra các nhịp lớn với hệ khung thép nhẹ, hai trụ cầu chính được tạo hình.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là trên 20.170 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội. Địa điểm thực hiện dự án: quận Tây Hồ, quận Long Biên, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Thời gian thực hiện dự án: 2025-2027.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) nhằm cải thiện điều kiện giao thông kết nối qua sông Hồng, thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực làm tiền đề cho việc thực hiện chủ trương giãn dân số, giảm áp lực giao thông trong khu vực trung tâm Hà Nội và giảm tải cho các cầu Chương Dương, Long Biên, Nhật Tân, Thăng Long và Vĩnh Tuy.

Cầu Trần Hưng Đạo kết nối với đường Trần Hưng Đạo tại điểm giáp ranh hai quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Ở phía bắc, cầu đi qua bãi sông Hồng, men theo rìa phía tây khu vực sân bay Gia Lâm, tới nút giao quy hoạch với đường Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 5A).

Phương án đạt giải nhất cuộc thi kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo đươc trưng bày lấy ý kiến vào đầu năm 2022. Nguồn: Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội.

Phương án đạt giải nhất cuộc thi kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo đươc trưng bày lấy ý kiến vào đầu năm 2022. Nguồn: Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội.

Cầu chính dài 900 m, gồm 6 nhịp, tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 5,5 km, đi qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên. Mỗi chiều cầu có hai làn xe cơ giới và một làn xe hỗn hợp. Các khoảng không được bố trí làn xe đạp tại vị trí sát vành vòm.

Tổng mức đầu tư dự án hơn 15.967 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án giai trong đoạn 2025-2027.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo nhằm kết nối khu vực trung tâm Hà Nội với khu vực phía Đông, hoàn thiện kết nối Đông - Tây của Hà Nội; tạo điều kiện, tiền đề để phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế đô thị, tạo điểm nhấn kiến trúc của thành phố.

Bên cạnh đó, giảm áp lực giao thông cho các cầu vượt sông Hồng hiện trạng như cầu Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, tạo thuận lợi cho việc đi lại giữa khu trung tâm với khu vực phát triển phía Đông TP Hà Nội.

Cầu Ngọc Hồi có điểm đầu kết nối với điểm cuối dự án vành đai 3,5 (đoạn từ Phúc La, Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ), điểm cuối nối với vành đai 3,5 trên địa phận huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tổng chiều dài khoảng 7,5 km, quy mô mặt cắt ngang 80 m (riêng đoạn từ đê tả Hồng đến cuối tuyến 60 m), tốc độ thiết kế 80 km/h.

Vị trí xây dựng cầu Ngọc Hồi. Nguồn: Sở Giao thông vận tải Hà Nội.

Vị trí xây dựng cầu Ngọc Hồi. Nguồn: Sở Giao thông vận tải Hà Nội.

Cầu Ngọc Hồi được đầu tư xây dựng sẽ giúp tăng sự liên kết giữa Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tạo điều kiện thuận lợi, liên kết các khu đô thị mới, như: Khu đô thị Ecopark, Khu đô thị Đại An, Khu đô thị Dream City…Từ đó, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Nam của Hà Nội cũng như các tỉnh phía Nam và Đông - Nam của Vùng Thủ đô như: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh.

Ngoài 9 cầu hiện có bắc qua sông Hồng (Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Việt Trì - Ba Vì), theo quy hoạch đến 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có thêm 9 cầu qua sông. Đó là các cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Vân Phúc, Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), Phú Xuyên.

Ngoài 3 dự án trên, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong năm 2025, thành phố sẽ phấn đấu khởi công bằng được hai tuyến đường sắt đô thị số 2 và số 5.

Cụ thể, tuyến metro số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5 km, với 8,9 km đi ngầm và 2,6 km đi trên cao. Tuyến metro này có 7 ga ngầm và 3 ga trên cao.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án gần 35.600 tỷ đồng, tăng thêm hơn 16.000 tỷ đồng so với chủ trương đầu tư được phê duyệt lần đầu năm 2008.

Điểm đầu của dự án là Nam Thăng Long theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài; điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo.

Tuyến metro số 5 Văn Cao - Hòa Lạc có tổng mức đầu tư khoảng hơn 61.900 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu tại ngã 4 Văn Cao - Hoàng Hoa Thám (phường Liễu Giai, quận Ba Đình), điểm cuối tuyến tại khu vực cách ngã 4 Hòa Lạc về phía Hòa Bình 5km, thuộc địa phận xã Thanh Bình, huyện Thạch Thất.

Tổng chiều dài dự án hơn 38km theo hướng Văn Cao - Ngọc Khánh - Đại lộ Thăng Long - Vành đai 4 - Hòa Lạc với 6,5 km ngầm, 2 km trên cao và gần 30 km mặt đất chạy dọc Đại lộ Thăng Long, tốc độ thiết kế đạt 120 km/h trên cao, 90 km/h ngầm trên khổ đường ray 1,435 m. Tuyến này có 21 nhà ga gồm 6 ga ngầm, 15 ga nổi.

Bên cạnh các dự án dự kiến khởi công trong thời gian tới, một số công trình, dự án trọng điểm khác trên địa bàn thành phố đang được đẩy mạnh triển khai.

Theo Chi cục Thống kê TP Hà Nội, UBND TP đã yêu cầu các cơ quan đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, dự án chuyển tiếp được bố trí kế hoạch vốn lớn, đảm bảo nguồn lực cho kế hoạch đầu tư công và kiểm soát chặt chẽ việc thanh, quyết toán.

Cụ thể, về tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm trên địa bàn, đối với dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, sau hơn 1 năm khởi công, dự án đang dần hình thành, đến nay đã giải ngân 15,6% kế hoạch vốn.

Đây là dự án thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, tuyến đường đi qua 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có tổng chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 75.000 tỷ đồng, tổng khối lượng giải phóng mặt bằng 1.386 ha, trên tuyến xây dựng 3 cầu lớn vượt Sông Hồng, Sông Đuống và 8 nút giao khác.

Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1) đến nay đã giải ngân 51,1% kế hoạch vốn. Dự án này có chiều dài 2,3 km, mặt cắt ngang 50m và hợp phần 2 cầu vượt tại nút giao Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình).

Mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 7.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5.800 tỷ đồng.

Đối với dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai đã giải ngân 18,0% kế hoạch vốn. Dự án có tổng vốn đầu tư dự án là 8.100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó trên 5.100 tỷ đồng giải phóng mặt bằng; 2.900 tỷ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị.

Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình, đến nay dự án đã giải ngân 26,9% kế hoạch vốn. Toàn dự án có chiều dài 6,7 km, điểm đầu kết nối giữa cao tốc Đại lộ Thăng Long với Quốc lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình; mặt cắt ngang từ 120m - 180m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5.200 tỷ đồng.

Thảo Ngân

Theo Cổng TTĐT Chính phủ, báo Lao Động, Kinh tế Đô thị

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/loat-du-an-trong-die-m-tai-ha-noi-du-kien-kho-i-cong-trong-nam-2025-41105.html