Loạt mặt bằng bỏ trống sau Tết, chủ cửa hàng vẫn lo sức mua kém

Một loạt nhãn hiệu có tên tuổi thông báo đóng cửa hoặc chuyển dịch điểm bán tập trung do sức mua yếu. Nhiều mặt bằng đắc địa ở trung tâm tiếp tục bị bỏ trống dù giá thuê đã giảm.

Theo các chủ cửa hàng, tình hình kinh doanh sau Tết có phần ảm đạm phản ánh sức mua yếu. Trước chuyển đổi thói quen tiêu dùng, chủ doanh nghiệp rục rịch tìm cơ hội mới.

Mặt bằng tiếp tục ế ẩm sau Tết

Trong tháng 1-2025 có khoảng 58,3 ngàn doanh nghiệp phá sản hoặc rút lui khỏi thị trường, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2024. Sau khoảng thời gian gồng lỗ vào cuối năm 2024, thời điểm đầu năm 2025, loạt nhãn hiệu có tên tuổi cũng thông báo đóng cửa, rút lui thị trường hoặc chuyển dịch điểm bán tập trung ở mảng F&B và một số thương hiệu bán lẻ.

Đại diện cửa hàng Bảy Ơi Bảy, chuyên món ăn Bình Định chia sẻ tình hình kinh doanh sau Tết cũng không ngoại lệ khi lượng khách giảm, mặt bằng chung đều giảm số lượng khách và lượng đơn cả trên online và offline.

Nhiều cửa hàng bán đều cho thấy doanh số trên ứng dụng giao đồ ăn giảm 20-30% thậm chí giảm tới 50%. Trước quyết định mở thêm điểm bán mới, chủ tiệm tỏ ra thận trọng hơn, điều chỉnh kế hoạch phù hợp với tình hình tài chính.

Cửa hàng tập trung tăng các dịch vụ trải nghiệm tại điểm bán như biểu diễn âm nhạc. Ảnh: DNCC

Cửa hàng tập trung tăng các dịch vụ trải nghiệm tại điểm bán như biểu diễn âm nhạc. Ảnh: DNCC

Theo dữ liệu mới nhất từ Batdongsan.com, giá thuê nhà phố/tháng biến động theo từng khu vực. So sánh với cùng kỳ năm ngoái, tháng 2-2025, giá thuê trung bình nhà phố ở Thủ Đức từ 30 triệu đồng tăng lên 55 triệu đồng, quận 4 từ 58 triệu đồng tăng lên 68 triệu đồng, Phú Nhuận từ 60 triệu đồng tăng lên 80 triệu đồng, Bình Thạnh từ 65 triệu đồng tăng lên 80 triệu đồng.

Trong khi đó, khu vực trung tâm như quận 1 ghi nhận mức giá thuê giảm, trung bình từ 150 triệu đồng còn 130 triệu đồng, quận 3 từ 140 triệu đồng còn 130 triệu đồng, quận Gò Gấp từ 60 triệu đồng còn 50 triệu đồng.

Trên nền tảng, số liệu chỉ ra mức độ quan tâm thể hiện qua lượt tìm kiếm mặt bằng nhà mặt phố cho thuê tháng 1-2025 giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận giảm mạnh ở quận 1. Từ tháng 3-2024 đến nay, ở các quận, huyện TPHCM tiếp tục giảm lượng quan tâm nhà mặt phố cho thuê.

Ông Nguyễn Thái Bình, chuyên gia trong ngành F&B, cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến mặt bằng sau Tết kém hấp dẫn với chủ kinh doanh như sức mua yếu. Thực tế, một số doanh nghiệp duy trì mặt bằng đến hết dịp Tết để tận dụng lượng khách cao điểm, nhưng sức mua yếu đặc biệt nhóm khách hàng trung lưu và bình dân thay đổi hành vi tiêu dùng thắt chặt chi tiêu khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và thương hiệu mới gặp khó khăn trong việc duy trì doanh thu.

Cụ thể ở một số khu vực trung tâm vẫn giữ giá thuê cao, nhưng doanh số cửa hàng không đủ để trả chi phí vận hành. Đây là thời kỳ tinh gọn mô hình, tối ưu hóa chi phí và dòng tiền chứ không phải trả chi phí mặt bằng để quảng cáo mà không hiệu quả. Điều này dẫn đến xu hướng đàm phán lại hợp đồng sau Tết có xu hướng tăng, đặc biệt đối với các mặt bằng ký mới.

Một số chuỗi cửa hàng đang mở rộng về vùng ven để tận dụng mức giá thuê rẻ hơn, xu hướng này đặc biệt rõ ràng trong các chuỗi F&B, cửa hàng tiện ích và cửa hàng bán lẻ.

Đổi hướng kinh doanh theo nhiều cách

Theo chuyên gia, ở Hà Nội, giá thuê mặt bằng tại khu vực trung tâm có thể duy trì ở mức cao do lượng khách du lịch phục hồi. Tuy nhiên, một số khu vực ít lượng tương tác có thể chứng kiến mức giảm giá từ 5-10% hoặc ưu đãi hợp đồng dài hạn.

Tại TPHCM, các trung tâm thương mại lớn với lượng khách tới ổn định vẫn duy trì giá thuê cao, nhưng có nhiều ưu đãi hơn để thu hút khách thuê mới.

Với khu trung tâm, không ít vị trí vàng dù công bố giá thuê không giảm, mức thực tế trên hợp đồng lại thấp hơn từ 5-10% so với trước đó. Phần lớn mặt bằng thuộc phân khúc bình dân, ở khu vực ngoại thành đã có động thái giảm giá từ 10-15%, thậm chí 20% cho các hợp đồng ký mới do nguồn cung dồi dào và để thu hút thương hiệu.

Nhìn chung, với các nhà bán lẻ mới, việc chọn lựa mô hình kinh doanh phù hợp đảm bảo tối ưu, tinh gọn trong thời điểm này rất quan trọng. Ông Nguyễn Thái Bình nhìn nhận, các doanh nghiệp nên ưu tiên mô hình có thể tối ưu hóa chi phí thuê mặt bằng, chẳng hạn như mô hình kiosk, trung tâm thương mại (in-mall), hoặc mô hình bán lẻ đa kênh. Ưu tiên thương lượng hợp đồng thuê đàm phán điều khoản hợp đồng linh hoạt, như giữ giá thuê cố định trong 2-3 năm đầu, tránh điều chỉnh tăng giá bất lợi.

Một lưu ý khác doanh nghiệp mới nhập cuộc cũng cần dự trù vốn ít nhất 6 tháng để duy trì mặt bằng đồng thời tập trung vào ngành hàng thiết yếu có tiềm năng tăng trưởng như F&B bán mang đi, cửa hàng tiện lợi, ngành hàng mỹ phẩm, sức khỏẻ. Các cửa hàng đầu tư nhỏ khoảng 100 triệu - 300 triệu cho mô hình kiosk trà và cà phê và 300 triệu - 500 triệu cho mô hình quán ăn cũng có thể tham khảo.

Bà Lê Cẩm Phụng, chủ tiệm bánh cuốn Nhất Quê chia sẻ với kế hoạch mở thêm tối thiểu 3 điểm bán trong 2025, ưu tiên vị trí gần trục đường khu có cư dân văn phòng, nơi đông dân cư, bệnh viện với mức giá dao động 20-30 triệu đồng/tháng. “Tôi sẽ nhờ đơn vị tư vấn tìm mặt bằng để chọn được điểm bán phù hợp với mô hình, thận trọng đầu tư quán mới”, bà nhấn mạnh.

Mặt bằng được tận dụng diện tích để bày bán thêm nhiều sản phẩm. Ảnh: DNCC

Mặt bằng được tận dụng diện tích để bày bán thêm nhiều sản phẩm. Ảnh: DNCC

Quán sẽ mở thêm bán buổi tối để đánh giá khả năng vận hàng rồi mở thêm điểm mới. Để tối ưu chi phí cũng như sớm hoàn vốn, chị tận dụng làm truyền thông miễn phí trên các kênh để thu hút khách mới.

Ngoài ra, tại điểm bán, chủ tiệm cũng tận dụng không gian bày bán thêm những sản phẩm đóng gói liên quan đến món ăn chính để tăng thêm doanh thu, làm nhiều combo thúc đẩy tiêu dùng của khách khi ghé tiệm, tối ưu chi phí điện.

Báo cáo về thị trường bất động sản TPHCM quí 4-2024 của Savills phân khúc bán lẻ, chỉ ra giá thuê có xu hướng tăng trung bình tầng trệt 6% theo quí và 10% theo năm lên 1,5 triệu đồng/m²/tháng.

Công suất tăng 2 điểm phần trăm theo năm đạt 93% khi khách thuê lớn tiếp tục mở rộng ở các khu vực trung tâm thương mại như Poseidon, Galaxy Cinema, Muji, Uniqlo và Nitori cùng với sự hấp thụ từ các dự án mới. Bên cạnh đó, giá thuê trung bình tầng trệt đạt 1,4 triệu đồng/m²/tháng, tăng theo năm ở cả ba khu vực.

Mặt bằng trống có diện tích lớn tại nhiều khu vực trung tâm TPHCM. Ảnh: Lê Vũ

Mặt bằng trống có diện tích lớn tại nhiều khu vực trung tâm TPHCM. Ảnh: Lê Vũ

Tận dụng lượng khách lớn thường xuyên lui tới trung tâm thương mại, chị Ngọc Huyền, chủ của kiosk bán trang sức, phụ kiện đã thuê một không gian khoảng 15m² với giá thuê khoảng 18 đô la Mỹ/m²/tháng. Chị cho biết giữa năm 2024, chị thuê mặt bằng gần trường học để mở cửa hàng, nhập sản phẩm từ nội địa một số nước về để bán lẻ nhưng thường xuyên gặp tình trạng mùa hè vắng khách, chỉ bán được trong một vài khung giờ nhất định trong ngày.

Đến cuối năm 2024, chị quyết định chuyển vào trung tâm thương mại ở TP Thủ Đức với mức giá cho chi phí cố định không chênh lệch nhưng lượng khách ổn định hơn, không tốn chi phí sửa chữa hay quảng cáo cho điểm bán.

Các đơn vị có thể ứng dụng thêm các phần mềm, công nghệ quản lý kho hàng hóa, cho xuất hóa đơn điện tử để tối ưu một số chi phí vận hành và tăng lợi thế cạnh tranh cùng chuyển đổi số. Bà Vũ Thị Hiền, Giám đốc Khối Tài chính số, công ty cổ phần Công nghệ Sapo, chia sẻ sử dụng hóa đơn điện tử không chỉ giúp nhà bán hàng tuân thủ pháp luật mà còn đáp ứng tốt hơn nhu cầu lấy hóa đơn của người mua và vận hành chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, tăng trải nghiệm mua sắm.

Trong khảo sát của gần 600 giao dịch của đơn vị Savills năm 2024, báo cáo cho thấy sự mở rộng của các thương hiệu chiếm 88% tổng diện tích thuê, với một số lĩnh vực như F&B dẫn đầu nhu cầu, thời trang chiếm 24% thị phần và giải trí với 17% thị phần. Trong đó, các thương hiệu mở mới chỉ chiếm 12% thị phần.

Hoàng An

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/loat-mat-bang-bo-trong-sau-tet-chu-cua-hang-van-lo-suc-mua-kem/