Đại diện doanh nghiệp chỉ ra nhiều bất cập giữa đào tạo đại học và thực tế

Đại diện doanh nghiệp cho rằng chính những rào cản về cơ chế chính sách và đào tạo đại học chưa sát nhu cầu thực tế khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.

Chiều 22-2, ĐH Quốc gia TP.HCM đã tổ chức Ngày hội kết nối đại học – doanh nghiệp – địa phương.

Tại đây, nhiều đại diện từ doanh nghiệp, chính quyền địa phương và từ các cơ sở đào tạo đại học đã thẳng thắn chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến gắn kết giữa đào tạo và doanh nghiệp, địa phương.

Đào tạo và nhu cầu thực tế đang mất cân đối

Phát biểu tại đây, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết hiện ĐH Quốc gia TP.HCM đang hợp tác với 31 địa phương và hơn 200 doanh nghiệp, tập đoàn trên nhiều lĩnh vực, từ đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đến hỗ trợ học bổng và tư vấn chính sách.

Chỉ trong giai đoạn 2021-2024, số văn bản ký kết tăng 387% và hoạt động phối hợp tăng 248% so với giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, ông Tâm cho rằng việc hợp tác hiện nay vẫn còn mang tính ngắn hạn, chưa có kế hoạch hành động cụ thể và bền vững. Các hoạt động chưa khai thác hết tiềm năng khoa học - công nghệ và đội ngũ chuyên gia của ĐH Quốc gia TP.HCM. Do đó, cần có sự đổi mới trong cách tiếp cận để tăng cường tính hiệu quả và lâu dài của liên kết giữa đại học, địa phương và doanh nghiệp.

Đáng chú ý, đại diện doanh nghiệp, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập toàn cầu, đã thẳng thắn chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại, những thách thức cần giải quyết trong sự kết nối giữa cơ sở đại học và doanh nghiệp.

Ông Trai dẫn giải hiện nay, hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam với hơn 90% vẫn thuộc quản lý nhà nước, đang chịu rào cản về chính sách và cơ chế, khiến việc hợp tác với doanh nghiệp trở nên ít linh hoạt. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng chưa có cơ chế rõ ràng để đặt hàng nghiên cứu hoặc phối hợp đào tạo, dẫn đến nhiều nghiên cứu khoa học còn mang tính hàn lâm, thiếu tính ứng dụng thực tế.

Về đào tạo, theo ông Trai, Việt Nam có hơn 2 triệu sinh viên theo học mỗi năm, nhưng chỉ khoảng 60% sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành (Tổng cục Thống kê, 2023). Con số này phản ánh sự chưa cân đối giữa chương trình đào tạo đại học và nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

Chưa kể, chất lượng đầu vào của sinh viên Việt Nam được đánh giá khá tốt, nhưng đầu ra vẫn còn nhiều hạn chế, như kỹ năng mềm, khả năng thích nghi, năng lực ứng dụng thực tiễn.

Hệ quả, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự có kỹ năng phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số và hội nhập quốc tế đang phát triển mạnh mẽ. Doanh nghiệp phải dành nguồn lực đáng kể để đào tạo lại nhân sự mới, làm tăng chi phí và kéo dài thời gian hòa nhập.

Thực tế tại ĐH Quốc gia TP.HCM là một ví dụ, đây là một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu Việt Nam, với hệ thống gồm 8 trường đại học, 1 viện nghiên cứu, 25 đơn vị trực thuộc và một phân hiệu tại Bến Tre.

Thế nhưng, những nguồn lực này vẫn chưa được khai thác tối ưu do thiếu cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, cùng với những rào cản cơ chế chưa phát huy tối đa tính tự chủ của đại học để giải phóng nguồn lực sẵn có.

 Các đại biểu đại diện trường đại học, doanh nghiệp và địa phương trao đổi tại chương trình

Các đại biểu đại diện trường đại học, doanh nghiệp và địa phương trao đổi tại chương trình

3 thách thức, 3 nhóm giải pháp cần làm

Ông Trai cũng nêu ra 3 vấn đề thách thức hiện nay trong hợp tác đại học và doanh nghiệp.

Thứ nhất là chính sách chưa đủ đột phá, quyền tự chủ của các trường đại học tại Việt Nam còn hạn chế, dẫn đến việc hợp tác linh hoạt với doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Mặc dù doanh nghiệp có nhu cầu đặt hàng nghiên cứu hoặc phối hợp đào tạo, nhưng cơ chế chưa rõ ràng khiến khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thực tế ngày càng lớn.

Thứ hai là sự thiếu kết nối giữa đại học và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chưa chủ động trong việc hợp tác với trường đại học, phần lớn do thiếu thông tin về tiềm năng nghiên cứu và năng lực đào tạo của các trường. Ngược lại, hệ thống đại học cũng chưa phát triển các phương thức hiệu quả để tiếp nhận và phản hồi nhu cầu từ phía doanh nghiệp.

Thứ ba, chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, đó là các chính sách khuyến khích hợp tác, như ưu đãi thuế hoặc hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp tham gia R&D, chưa đủ mạnh để tạo động lực thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp.

 Ông Phạm Phú Ngọc Trai chia sẻ thẳng thắn tại tọa đàm. Ảnh: MQ

Ông Phạm Phú Ngọc Trai chia sẻ thẳng thắn tại tọa đàm. Ảnh: MQ

Từ đây, ông Trai đề xuất giải pháp cần xây dựng một hệ sinh thái hợp tác thực chất. Trong đó, vai trò của Nhà nước cần hoàn thiện chính sách và thể chế, thúc đẩy R&D thành động lực tăng trưởng; cải cách chính sách thuế và tài chính; thiết lập cơ chế đặt hàng nghiên cứu từ doanh nghiệp; thúc đẩy mô hình hợp tác công – tư (PPP) trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Còn về phía đại học, theo ông Trai, các trường cần được trao quyền tự chủ cao hơn, từ đó chuyển đổi từ giảng dạy lý thuyết sang đào tạo ứng dụng và đổi mới sáng tạo, bám sát nhu cầu doanh nghiệp; gắn chương trình đào tạo với thực tế doanh nghiệp; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong trường đại học

Các trường cũng cần tăng cường chuyển giao công nghệ và hợp tác với doanh nghiệp. Trong đó, có thể phát triển mô hình “trường đại học doanh nghiệp” - nơi doanh nghiệp có thể đặt hàng nghiên cứu, tài trợ các dự án có tính ứng dụng cao. Đồng thời tạo điều kiện cho giảng viên làm việc tại doanh nghiệp trong một thời gian nhất định để nâng cao hiểu biết về công nghệ và thị trường.

Về phía doanh nghiệp, ông Trai đề xuất phải hợp tác chặt chẽ với đại học trong đào tạo nhân lực, như cùng trường xây dựng giáo trình, tổ chức hội thảo chuyên đề, hướng dẫn thực tập, tham gia vào các chương trình đào tạo kép để sinh viên vừa học lý thuyết vừa làm việc tại doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nên tăng cường đầu tư vào R&D, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trong đó có thể học hỏi mô hình “Quản trị viên tập sự” từ các tập đoàn đa quốc gia, giúp phát triển đội ngũ lãnh đạo trẻ ngay từ khi còn trên ghế nhà trường; liên kết với các trung tâm nghiên cứu của đại học, chia sẻ dữ liệu và tài nguyên để đẩy nhanh quá trình phát triển sản phẩm và công nghệ.

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/dai-dien-doanh-nghiep-chi-ra-nhieu-bat-cap-giua-dao-tao-dai-hoc-va-thuc-te-post835633.html