Loạt Megastory: Để kinh tế tư nhân vươn mình trong kỷ nguyên mới Kỳ cuối: Tạo đà, tạo lực thúc đẩy kinh tế tư nhân 'cất cánh' vươn xa


Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên thịnh vượng, trong đó kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Vì thế, các chuyên gia kinh tế đưa ra nhiều ý kiến về giải pháp nhằm tạo đột phá trong thể chế, chính sách, mở rộng không gian phát triển, nâng cao sức cạnh tranh cho KTTN, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao, bền vững.
Đồng Nai là một trong các địa phương được Chính phủ “đặt hàng” tăng trưởng 2 con số trong năm nay và những năm tiếp theo. Do đó, tỉnh cũng rất chú trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ khu vực KTTN phát triển. Bởi vì, đây là khu vực có nguồn vốn đầu tư thực hiện vào phát triển toàn xã hội nhiều nhất và có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chỉ có KTTN mới giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và tăng hai con số trong những năm tới. Thời gian qua, KTTN phát triển nhưng có dấu hiệu chậm lại do vướng mắc về thể chế. Do đó, để KTTN phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng thì Nhà nước cần có nhiều chính sách ưu đãi cho các DN, hộ kinh doanh và tạo môi trường kinh doanh tự do, bình đẳng, giúp họ tiếp cận được đất đai, vốn, công nghệ.

Hoạt động sản xuất tại tại Công ty CP Thực phẩm G.C (huyện Trảng Bom). Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp Quốc gia phía Nam Huỳnh Thanh Vạn cho rằng, Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) đã quy định một loạt chính sách về miễn, giảm thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân; chính sách về hỗ trợ đất đai; thành lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; đào tạo nhân lực với mục tiêu triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10 ngàn giám đốc điều hành…
Bên cạnh đó, Nghị quyết 68 sẽ tạo nhiều điều kiện, khuyến khích DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đơn cử, việc cho phép DN được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế của DN đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển bằng 200% chi phí thực tế của hoạt động này. DN được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập DN để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nghiên cứu phát triển (R&D), đồng thời được sử dụng quỹ để tự triển khai hoặc đặt hàng R&D bên ngoài theo cơ chế khoán sản phẩm.
“Theo tôi, đối với các nội dung cụ thể, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có những đặc thù, rủi ro cao. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần thiết kế chính sách hỗ trợ cũng như dành nguồn ngân sách riêng cho khối doanh nghiệp này, để bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm” - ông Huỳnh Thanh Vạn bày tỏ.

Giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Trần Ngọc Liêm nhận định, về nguồn lực phát triển kinh tế tư nhân, Đồng Nai có số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể rất đông, do đó cần có sự quan tâm cụ thể. Đồng Nai hiện là địa phương có số lượng khu công nghiệp nhiều nhất cả nước. Thế nhưng câu chuyện tổ chức lại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở kinh doanh cá thể vào các khu, cụm công nghiệp để làm sao đảm bảo sản xuất xanh, sạch hơn về môitrường vẫn còn khó khăn. Vì vậy, tỉnh cần tiếp tục quan tâm đến vấn đề này.

Khu công nghiệp Biên Hòa 2 có nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhà máy sản xuất. Ảnh tư liệu

Việt Nam tham gia vào hội nhập sâu nhanh và rộng, điều này tạo ra nhiều cơ hội cho DN tư nhân, DN nhà nước và DN nước ngoài mở rộng sản xuất, thị trường tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời, giúp Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và vào top 20 quốc thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất trên thế giới.

Sản xuất tại Công ty TNHH Bình Tiên (Biti’s) Biên Hòa ở Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa. Ảnh tư liệu
Các DN nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam cũng muốn liên kết với DN Việt để tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, như vậy sẽ hưởng các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa. Đây được coi là cơ hội cho cả DN trong nước, nước ngoài, đặc biệt là DN tư nhân.
Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam cho biết, Nestlé đã đầu tư vào Việt Nam gần 20,2 ngàn tỷ đồng, trong đó đa số đầu tư vào các nhà máy tại Đồng Nai. Nestlé liên kết, hỗ trợ cho nhiều nông dân, trang trại, DN tư nhân tại Việt Nam để hình thành chuỗi sản xuất, chế biến cà phê bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu vào hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Thời gian qua, tại Đồng Nai cũng như cả nước việc liên kết hình thành chuỗi trong sản xuất, chế biến giữa KTTN với kinh tế Nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã được hình thành nhưng vẫn còn ít, chưa được như kỳ vọng. Hàng năm, Đồng Nai tổ chức các đợt xúc tiến thương mại tại chỗ, trong nước, nước ngoài nhằm mở rộng giao thương giữa khu vực KTTN với DN nước ngoài.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp trong nước cần tăng cường liên kết để cùng nhau phát triển, nâng cao sức cạnh tranh. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Hố Nai (huyện Trảng Bom). Ảnh tư liệu
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (thành phố Biên Hòa) cho biết, công ty chuyên sản xuất các loại quần áo để xuất khẩu đi các nước. Trong đó, thị trường chính là châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ, gần đây DN mở rộng thêm thị trường nội địa. Công ty rất muốn liên kết với các DN trong nước trên cùng lĩnh vực để mua sản phẩm đầu vào, giảm nhập khẩu nguyên liệu.
Cũng theo ông Hoàng, để KTTN phát triển nhanh, mạnh, Nhà nước cần đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, khi DN gặp khó khăn cần tháo gỡ chính quyền nên giải quyết nhanh. Đồng thời, Chính phủ, các bộ ngành nên hỗ trợ DN xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhiều hơn nữa để tìm khách hàng mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đồng Nai triển khai nhiều giải pháp, chương trình kết nối giao thương để giúp các doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã, chủ thể OCOP của tỉnh quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong ảnh: Kệ hàng các sản phẩm OCOP của địa phương tại siêu thị Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: Hoàng Hải
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C Nguyễn Văn Thứ cho biết, năm 2024, lần đầu tiên công ty được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam với sản phẩm nha đam G.C Food. Đây là động lực mạnh mẽ để G.C Food tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Để đạt chứng nhận sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, công ty đã đáp ứng nhiều yêu cầu tiêu chí khắt khe về quy mô sản xuất lớn, đảm bảo các chứng nhận, tiêu chuẩn cao về chất lượng.
Đặc biệt, công ty đã chú trọng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, cải tiến quy trình sản xuất, cam kết thực hiện Chiến lược ESG (môi trường, xã hội, quản trị) nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.


Hiện nay, Việt Nam có gần 1 triệu DN nhưng đa số nhỏ và vừa, siêu nhỏ, các DN có quy mô lớn có thể vươn ra quốc tế còn ít. Vì thế, trên mỗi lĩnh vực sản xuất kinh doanh cần có những “đại bàng” để dẫn đầu trong liên kết tạo thành chuỗi cho phát triển. Do đó, trong Nghị quyết 68 đã đặt ra mục tiêu có ít nhất 20 DN lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Cụ thể, các ngành sản xuất, xuất khẩu lớn cần có những tập đoàn lớn mạnh đủ sức cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như: bán dẫn, điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, thủy sản, rau quả, gạo, hạt tiêu, cà phê...
Giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh, Đồng Nai nói riêng hay cả nước nước nói chung cần tập hợp được những DN trong nước dẫn đầu của từng ngành hàng để trở thành đầu kéo cho các DN tư nhân khác. Đặc biệt, địa phương và doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến giá trị thương hiệu của DN trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như cần đáp ứng theo những tiêu chuẩn chung của quốc tế.

Ngày 6-3-2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 526/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển KTTN. Trong đó, Thủ tướng là Trưởng Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng làm Phó Trưởng Ban Thường trực, trực tiếp chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển KTTN và Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng là Phó Trưởng Ban phụ trách, điều phối, phối hợp xây dựng Đề án Phát triển KTTN. Mục tiêu nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ KTTN phát triển lớn mạnh, khẳng định được vai trò, vị thế đưa đất nước vào kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình.

Ngày 8-5-2025, khi họp với Hội đồng Tư vấn chính sách để lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển KTTN theo Nghị quyết số 68, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo và phát triển KTTN là không có giới hạn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh của đất nước trong kỷ nguyên mới và với tinh thần “Nhà nước kiến tạo; con người là nền tảng; doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; thể chế, cơ chế chính sách là động lực” để phát triển KTTN.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát kỹ, bổ sung, sửa đổi chính sách để thúc đẩy tự do kinh doanh, các DN cạnh tranh lành mạnh, tiếp cận bình đẳng về vốn, đất đai, tài sản công; đào tạo nguồn nhân lực xuất phát từ nhu cầu thị trường, yêu cầu phát triển của DN, thông qua các cơ chế đặt hàng giữa DN và cơ sở đào tạo.

