Loạt Megastory Đông Nam Bộ trên đường phát triển: Nhức nhối chuyện 'an cư': Kỳ 1: Quần quật 20 năm không mua nổi nhà giá rẻ
Một trong 3 vấn đề lớn nhất, bức bối nhất và gây nhiều lực cản nhất trên con đường đưa vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) thực sự trở thành đầu tàu dẫn dắt kinh tế cho cả nước, trở thành hình mẫu cho tương lai - là nhà ở cho người thu nhập thấp. Điển hình là nhà ở xã hội (NƠXH) và nhà ở công nhân.
Đây là nội dung Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng vùng ĐNB đã chỉ ra nhiều lần tại nhiều diễn đàn, hội nghị. Và mới đây nhất, ngày 16-3, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa yêu cầu các địa phương phải nỗ lực xử lý trong hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển NƠXH được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối từ trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Sở hữu một căn nhà là niềm mơ ước và cũng là gánh nặng tâm lý với nhiều người. Tại Đồng Nai, nhiều công nhân đã làm việc đến 20 năm vẫn không có được căn nhà, dù chỉ là nhà ở giá rẻ.
Giá đất đắt đỏ, nguồn cung nhà ở giá rẻ ít, điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi ngặt nghèo là những lý do làm ước mơ “an cư” với người lao động ngày càng xa vời.
Đây là tình cảnh nhiều năm qua của gia đình 4 người nhà chị Lá Thị Nhàn đang ở trọ tại phường Hóa An, thành phố Biên Hòa. Chị Nhàn từ Thanh Hóa vào Đồng Nai làm công nhân từ khi còn chưa kết hôn. Ban đầu, trong căn phòng vỏn vẹn 10m2, chị sống cùng 3 người phụ nữ khác, sau này trở thành phòng tân hôn khi cưới, rồi lại thành nơi sinh sống của gia đình 4 người đến tận bây giờ.
Gia đình chị Nhàn sinh sống trong căn phòng chật chội
“Tôi đã ở đây suốt 18 năm. Mọi thứ đều thay đổi, riêng khu trọ thì không, nếu có thì là cũ hơn, ọp ẹp hơn. Tôi không đủ điều kiện chuyển chỗ ở, cũng không dám mua đất, mua nhà vì tài sản tích cóp hàng tháng gần như đều dồn hết vào 2 đứa con” - chị Nhàn chia sẻ.
Tại dãy nhà trọ này, cũng có những anh chị, cô chú đã gắn bó hơn 10 năm như chị Nhàn. Với họ, việc đi làm, trả tiền nhà trọ, nuôi con ăn học đã là quá sức. Bởi lẽ, mua đất thì không đủ tiền, còn NƠXH hay nhà ở công nhân thì có đâu mà mua, mà cho là có thì cũng khó mua được.
Chị Thảo Nguyên, ở trọ tại phường Hóa An, thành phố Biên Hòa chia sẻ, hầu như ngày nào vợ chồng chị cũng làm tăng ca nên chấp nhận ở phòng trọ nhỏ để tiết kiệmtiền thuê nhà. Mỗi năm, chi tiêu tằn tiện lắm gia đình cũng để dành được cỡ 50-60 triệu đồng. Với số tiền này, có làm thêm 10 năm nữa cũng không đủ mua nhà. “Tôi cũng mong chờ các dự án nhà ở giá rẻ. Khoảng 300 triệu đồng/căn mà trả góp trong năm 10-15 năm may ra có hy vọng” - chị Thảo Nguyên nói.
Không chỉ với các gia đình trẻ đang mang gánh nặng con cái ăn học, những người độc thân thu nhập thấp cũng khó sở hữu nhà, đất khi đã quá nửa đời người. Bà Hồ Thị Hoa, công nhân tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (đóng tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cho biết, từ ngày vào Đồng Nai bà đã gắn bó với căn phòng trọ chừng 10m2. Nay đã lớn tuổi, không chồng con, bà chỉ mong có căn nhà chừng 20-25m2 để ở nhưng rất khó. “Trước đây tôi có ý định mua một mảnh đất nhỏ để ở. Thế nhưng, số tiền tích cóp không thể tăng nhanh như giá đất. Giờ thì đến đâu hay đến đó thôi” - bà Hoa bày tỏ.
Trên thực tế, tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp ở Đồng Nai như: Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom… có nhiều khu nhà trọ xây dựng lâu đời, không đảm bảo diện tích tối thiểu, điều kiện vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, người lao động vẫn chấp nhận vì giá tiền thuê phù hợp với thu nhập của họ, gần nơi làm việc.
Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Đồng Nai Bùi Thị Nhàn chia sẻ, phần lớn công nhân lao động chọn nơi ở gần nơi làm việc để tiện di chuyển. Mặc dù điều kiện sống nói chung đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khu trọ xây dựng đối diện nhau với khoảng cách chỉ khoảng 1m, phòng ở chỉ hơn chục m2 nhưng có khi đến 6 người ở.
Chỉ tính riêng lao động làm việc tại các khu công nghiệp, Đồng Nai đã có hơn 700 ngàn người. Và trong đó, hơn 50% là lao động ngoại tỉnh có nhu cầu về nhà ở. Tính đến hết năm 2022, các dự án NƠXH trên địa bàn (với tổng số gần 3,5 ngàn căn) mới đáp ứng được khoảng 6,5% nhu cầu (số liệu từ LĐLĐ tỉnh).
Nhiều năm qua, tỉnh đã quan tâm phát triển NƠXH, nhà trọ cho công nhân nhưng kết quả còn hạn chế do nhiều vướng mắc: công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư chưa kịp thời; chưa đầu tư được các khu ở tập trung, đồng bộ, hiện đại; một số dự án xây dựng nhà ở công nhân, NƠXH tiến độ thực hiện chậm. Trong 3 năm trở lại đây, tỉnh chỉ thực hiện được hơn 900 căn NƠXH - như “muối bỏ biển” so với nhu cầu thực.
Không chỉ khó phát triển NƠXH, việc kêu gọi các doanh nghiệp có đông công nhân quan tâm đầu tư nhà ở, ký túc xá cho người lao động cũng không dễ dàng. Thống kê đến nay cho thấy, mới chỉ có 6 doanh nghiệp đầu tư nhà ở dành cho người lao động, trong đó có một số dự án quy mô tương đối lớn của các tập đoàn, công ty như: Phong Thái, VPIC, Vedan, Formosa, Hyosung...
Thậm chí có doanh nghiệp đã được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, trong đó có hạng mục nhà ở cho công nhân, nhưng nhiều năm rồi vẫn án binh bất động.
Điển hình cho việc doanh nghiệp chậm thực hiện trách nhiệm làm nhà ở cho công nhân là Công ty TNHH Pouchen Việt Nam tại phường Hóa An, thành phố Biên Hòa. Đầu năm 2012, UBND tỉnh ký quyết định số 366/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng, trong đó có yêu cầu hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật hạng mục nhà ở công nhân diện tích khoảng 4ha trong giai đoạn quý II- 2012 đến 2014 nhưng đến thời điểm này công ty vẫn chưa đầu tư xây dựng công trình nhà ở cho công nhân.
Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bùi Thị Nhàn cho rằng, mức thu nhập của người lao động tại Đồng Nai được xếp vào nhóm cao của cả nước, nhưng trừ chi phí sinh hoạt và nuôi con thì gần như không có dư hoặc dư rất ít. Khả năng người lao động chỉ có thể mua được nhà với mức giá khoảng 300-500 triệu đồng, hình thức trả góp trong nhiều năm nhưng tại Đồng Nai gần như không có nhà với mức giá này. Đa phần các dự án NƠXH ở tỉnh có giá trên dưới 1 tỷ đồng nên người lao động rất khó mua. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ người lao động về nguồn vay mua nhà.
Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, khảo sát của LĐLĐ thành phố năm 2023 cho thấy, trong khoảng 3 triệu lao động thì 60% là có nhu cầu thuê nhà với mong muốn chi phí thuê chiếm khoảng 20% tổng thu nhập. Trong 3 năm qua, thành phố đã nỗ lực rất nhiều với mong muốn thu hút công nhân, người lao động trở lại làm việc sau dịch Covid-19 nhưng chỉ mới hoàn thành được hơn 600 căn NƠXH. Mặt khác, với dân số lên đến trên 10 triệu người, bên cạnh nhà ở công nhân, thành phố còn cần một lượng rất lớn nhà ở cho người lao động, người dân, sinh viên.
Thời gian qua, ĐNB là nơi “nóng nhất” nhất cả nước về bất động sản, nhưng phần lớn dự án nhắm đến phân khúc nhà giàu. Nhà ở giá rẻ có, nhưng lèo tèo và quá trình triển khai rất chậm.
Điển hình tại Đồng Nai, thời gian qua tỉnh đón nhiều “đại bàng” như: Nova Land, Hưng Thịnh, Kim Oanh, Đất Xanh… để làm nên những: Aqua City, Gem SkyWorld, Century City, STC, Khu đô thị sinh thái Đại Phước, Đông Sài Gòn, Biên Hòa Universe Complex…
Điểm chung là các dự án này đều có quy mô diện tích lớn, tốc độ triển khai nhanh. Dễ nhìn thấy là ở đây có nhà đẹp, đường đẹp, tiện ích đầy đủ nhưng không nhiều người sinh sống vì sản phẩm đắt đỏ, giá bán hàng chục tỷ đồng thì chỉ những người có tiền, giới đầu tư mới mua được. Những người mua được thì không có nhu cầu ở thực, ở thường xuyên.
Nguồn: Novaland
Thành phố Hồ Chí Minh cũng tương tự, trong 3 năm qua thành phố chỉ làm được hơn 600 căn NƠXH nhưng số lượng biệt thự, penhouse, nhà ở cao cấp từ các dự án ven sông, ven biển, ven đô thị ở quận 7, Nhà Bè, Cần Giờ… gấp nhiều lần.Nếu các dự án NƠXH, nhà ở công nhân, đất nền giá rẻ cũng có quy mô lớn, được các nhà đầu tư săn đón và triển khai nhanh như biệt thự, penhouse, nhà ở thương mại này thì những người như chị Nhàn, chị Thảo Nguyên hay bà Hoa đã có nhà sau hàng chục năm làm việc. Khi đó, tỷ lệ % công nhân, người dân cần nhà ở sẽ giảm dần; cán cân cung - cầu về nhà ở dần trở nên cân bằng. Người dân yên tâm lạc nghiệp, an sinh xã hội sẽ dành ưu tiên cho phát triển thể chất, tri thức.