Loạt Megastory: Xóa mọi điểm nghẽn, 'vẽ lại' bản đồ giao thông cho vùng đầu tàu Đông Nam Bộ: Kỳ 3: Xây thêm, làm mới những tuyến đường sắt trăm tuổi của toàn vùng
Do đó, việc quy hoạch và xây dựng thêm các tuyến đường sắt và đường sắt đô thị (metro) được kỳ vọng sẽ làm mới “xương sống” của hệ thống vận tải vùng đầu tàu kinh tế cả nước.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng Đông Nam Bộ sẽ quy hoạch thêm 7 tuyến đường sắt mới. Trong khi đó, tại dự thảo quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đối với hệ thống hạ tầng đường sắt, vùng Đông Nam Bộ sẽ nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu, duy trì tuyến đường sắt hiện có Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng tại dự thảo quy hoạch này, mục tiêu đặt ra với vùng Đông Nam Bộ là hoàn thành xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; các tuyến đường sắt kết nối cảng biển Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến kết nối liên vùng Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành kết nối với Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Lộc Ninh kết nối với Campuchia.
Theo Bộ Giao thông vận tải, trong năm 2024, Bộ sẽ phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia kết nối vùng Đông Nam Bộ gồm Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho hay, theo kế hoạch, Sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2026. Do đó, Đồng Nai đề nghị các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ phối hợp, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông kết nối Sân bay Long Thành, trong đó có 2 tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Long Thành - Thủ Thiêm.
Ông Đặng Minh Thông, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đối với dự án Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, hiện nay địa phương đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về quy hoạch thỏa thuận kết nối cũng như các vị trí đặt nhà ga trên tuyến. “Địa phương cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét” - ông Đặng Minh Thông cho biết.
Tương tự, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đồng Nai Lê Quang Bình chia sẻ, đối với các dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Biên Hòa - Vũng Tàu và Long Thành - Thủ Thiêm, hiện Sở đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh khẳng định, địa phương hiện được giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án Đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép. Đây là đoạn tuyến thuộc các tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh, Trảng Bom - Hòa Hưng (nhánh tuyến mới đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh). “Tỉnh Bình Dương cũng rất mong các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ phối hợp giải quyết các vấn đề, nhất là vấn đề về nguồn vốn đầu tư để cùng với Bộ Giao thông vận tải thúc đẩy dự án” - ông Võ Văn Minh chia sẻ.
Phát triển mạng lưới metro để tạo sự liên kết vùng, đặc biệt là liên kết giữa các đô thị trong vùng hiện cũng là mục tiêu được các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ phối hợp triển khai thực hiện.
Đầu tháng 7-2023, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Nam Bộ, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã trình bày phương án kéo dài tuyến metro số 1 Thành phố Hồ Chí Minh (Bến Thành - Suối Tiên) về Đồng Nai và Bình Dương.
Theo đó, về phương án tuyến đoạn 1 (đoạn chung) sẽ từ ga Bến xe Suối Tiên (đã xây dựng, thuộc tuyến metro số 1 Thành phố Hồ Chí Minh), tuyến tiếp tục đi trên cao bên phải quốc lộ 1 rồi vượt sang trái để về ga Bình Thắng (ký hiệu S0) trước nút giao Tân Vạn trên địa bàn phường Bình Thắng (thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương), đoạn này khoảng 1,8km.
Từ đây, hai tuyến nhánh độc lập sẽ chạy về địa bàn các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Đoạn 2 sẽ gồm 2 nhánh, trong đó nhánh 1 hướng về Đồng Nai với chiều dài khoảng 18,3km, đi trên cao. Nhánh 2, hướng về Bình Dương chiều dài gần 30km, đi trên cao. Đoạn còn lại về cuối tuyến, chiều dài khoảng 13,3km sẽ bám theo quy hoạch của tỉnh Bình Dương.
Đối với Đồng Nai, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Quang Bình cho biết, ngoài dự án kéo dài tuyến metro số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương đã quy hoạch thêm các tuyến metro từ nhà ga Khu công nghiệp Biên Hòa 1 kéo dài đến Sân bay Long Thành. Từ đây, tuyến metro này sẽ kết nối với tuyến đường sắt nhẹ Long Thành - Thủ Thiêm đảm bảo kết nối giao thông về đường sắt giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai.
Cũng xuất phát từ nhà ga Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai sẽ có thêm tuyến metro đi qua khu vực Cù lao Hiệp Hòa, đi vào trung tâm thành phố Biên Hòa. Tuyến metro này sẽ đi xuyên trục trung tâm thành phố Biên Hòa đến đường Nguyễn Ái Quốc, đi theo đường Nguyễn Du để kết nối với Sân bay Biên Hòa hiện đã được quy hoạch để khai thác lưỡng dụng.
Cùng với đó, địa phương sẽ có thêm tuyến metro kết nối các đô thị lớn trên địa bàn tỉnh gồm đô thị mới Nhơn Trạch, huyện Long Thành, huyện Thống Nhất, huyện Trảng Bom và kết thúc tại thành phố Biên Hòa.
Đối với tỉnh Bình Dương, theo quy hoạch, đến năm 2030, địa phương này sẽ có tuyến metro kết nối đô thị với điểm đầu từ ga Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng), Bến Cát, thành phố Tân Uyên, thành phố Thuận An và thành phố Dĩ An.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, trước đây, theo quy hoạch hệ thống metro của thành phố chỉ dài khoảng 220km. Tuy nhiên, hiện nay đơn vị tư vấn lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố đang đề xuất kéo dài lên hơn 500km. “Hệ thống metro của thành phố ngoài những tuyến dọc để kéo dài thì còn có những tuyến ngang để kết nối từ huyện Củ Chi sang thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và sang tỉnh Tây Ninh” - ông Bùi Xuân Cường chia sẻ.