Loạt ngân hàng đồng thuận giảm tiếp lãi suất cho vay, phí và các dịch vụ khác

Các tổ chức tín dụng đồng thuận việc giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%, đồng thời xem xét giảm phí, lệ phí và các dịch vụ khác...

Ngày 13/7, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Xuân, Trưởng ban Pháp luật & Nghiệp vụ (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và dư nợ cho vay mới để hỗ trợ nền kinh tế, sau khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng và có các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, nhiều ngân hàng đã thông báo cam kết giảm lãi suất cho vay với mức lãi suất giảm từ 0,5% - 1,5%/năm.

Đến nay, mặt bằng lãi suất huy động đã dần duy trì ổn định và giảm từ 1-2% so với cuối năm 2022, tạo cơ sở cho các TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp theo sự chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, do tác động chung của nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, cầu tín dụng giảm và sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế khó khăn, khiến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thấp so với cùng kỳ năm 2022.

 Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 của VNBA

Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 của VNBA

Ông Trần Văn Tần, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng, Thành viên HĐQT Vietinbank cho biết, do những tác động tiêu cực từ nền kinh tế, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp suy giảm, khiến cho hoạt động ngân hàng rất khó khăn. Tuy nhiên, VietinBank vẫn thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, với dư nợ đạt được là trên 10.000 tỷ đồng; tích cực triển khai cơ cấu nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN và tín dụng đối với nhà ở xã hội…

Ông Tần cho biết, VietinBank cũng giảm lãi suất 1,5 - 2% vừa qua, đồng thời đề nghị Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tiếp tục tổng hợp các ý kiến của hội viên để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc, từ đó các tổ chức tín dụng có thêm điều kiện hỗ trợ khách hàng.

Liên quan đến vấn đề tín dụng ngân hàng, ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho rằng hiện có 2 nhiệm vụ chính là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế. Trong đó, đối với nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, Vietcombank đã chủ động giảm lãi suất cho khách hàng. Cụ thể, đợt 1, từ đầu năm đến 31/4/2023, giảm 0,5% lãi suất cho khoảng 130.000 khách hàng và đợt 2, từ đầu tháng 5/2023, cũng giảm 0,5% lãi suất cho khoảng 110.000 khách hàng. Đây là việc giảm tự động trên hệ thống của Vietcombank và doanh nghiệp hay người dân không cần phải làm bất cứ đề nghị hay đề xuất nào, chỉ cần thỏa mãn điều kiện.

Đối với tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn hiện nay là một thách thức lớn đối với các tổ chức tín dụng. Bởi cần phải đảm bảo tăng trưởng tín dụng và đảm bảo chất lượng tín dụng trong khi sức cầu của nền kinh tế đang rất thấp. Cho nên ông Vinh kiến nghị Chính phủ cần có chính sách tài khóa hỗ trợ nhiều hơn do chính sách tài khóa làm tăng tổng cầu nền kinh tế, từ đó, tăng cầu tín dụng của doanh nghiệp.

Đối với kiến nghị với Ngân hàng nhà nước, ông Vinh cho biết, hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP cho phép các đơn vị, trái chủ có thể gia hạn thêm 2 năm nhưng hiện Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn nên các tổ chức tín dụng không thể áp dụng. Vì vậy, ông Vinh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn về Nghị định số 08/2023/NĐ-CP để các tổ chức tín dụng có thể áp dụng.

Về Thông tư 06/2023/TT-NHNN có điểm cấm ngân hàng cho vay để gửi tiền (theo định nghĩa thì tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn đều là gửi tiền). Trong khi thực tế các doanh nghiệp bao giờ cũng phải duy trì một lượng thanh khoản bởi vì mỗi lần ngân hàng giải ngân cũng cần độ trễ thời gian để làm thủ tục hồ sơ. Đặc biệt, là doanh nghiệp FDI đều duy trì một lượng tiền gửi rất lớn để duy trì thanh khoản vì khi để mất thanh khoản tương ứng không trả được nợ mà Thông tư 06/2023/TT-NHNN lại cấm cho vay sẽ ảnh hưởng tới áp dụng của tổ chức tín dụng. Vì vậy, cần Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn rõ để các tổ chức tín dụng áp dụng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Đô - Phó Chủ tịch HĐQT HDBank chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm hoạt động kinh doanh của HDBank đạt được những kết quả tích cực trong bối cảnh nền kinh tế cũng như ngân hàng còn nhiều khó khăn. HDBank cũng tích cực tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất, chủ động giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng, dự kiến đến cuối năm số tiền giảm lãi suất đạt khoảng 350 tỷ đồng. Đại diện HDBank cũng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành hành lang pháp lý cho ngân hàng số cũng như đưa ra một số mô hình tiên phong để các ngân hàng nhìn vào và phát triển.

Theo ông Lê Xuân Trung, Thành viên Hội đồng thành viên Agribank, ngân hàng đã tích cực triển khai chính sách cơ cấu lại nợ theo Thông tư 02, đến hết tháng 6 đã cơ cấu lại nợ cho hơn 2.000 khách hàng; Agribank đã hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, với doanh số cho vay là 10.813 tỷ đồng, dư nợ 4.973 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất 57,4 tỷ đồng... trong 6 tháng đầu năm, Agribank là ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhiều nhất trong hệ thống ngân hàng khi đã có tới 14 lần giảm lãi suất huy động và 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Về hỗ trợ lãi suất trong cho vay bất động sản, Agribank đã giảm lãi suất cho khách hàng tới 3% từ 31/1/2023 đến 31/12/2024. Đối với lãi suất đang cho vay trung và dài hạn, hiện Agribank cũng giảm lãi suất 0,5%. Đối với cho vay xóa bỏ tín dụng đen tại các vùng nông thôn, Agribank đã cho vay 76.000 tỷ đồng với hơn 800.000 lượt khách hàng được vay vốn...

Đối với Thông tư 02/2023/TT-NHNN, ông Nguyễn Đình Tùng – Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc OCB đề nghị có cơ chế giãn nợ như thời kỳ COVID-19. Với quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN, ông Tùng đề nghị xem xét điều chỉnh lại tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn cho phù hợp với thực tế hoạt động của các ngân hàng hiện nay. Đồng thời, NHNN nên xem xét hoãn thời hạn áp dụng tỷ lệ 30% thay vì đến hạn ngày 30/9/2023, để các TCTD có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng.

Tại hội nghị, các tổ chức tín dụng đều đồng thuận về việc giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%; đồng thời xem xét giảm phí, lệ phí và các dịch vụ khác... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện TPBank đề nghị NHNN xem xét lại các quy định áp dụng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN cho phù hợp thực tiễn; cùng với đó là xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng theo quy định tại Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN. Đối với Thông tư 02/2023/TT-NHNN, đề nghị xem xét kéo dài thời gian áp dụng, thay vì chỉ 12 tháng như hiện nay.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm, sẽ tập hợp các đề xuất/kiến nghị tháo gỡ khó khăn được nêu ra tại hội nghị, để báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ và Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tai-chinh-ngan-hang/loat-ngan-hang-dong-thuan-giam-tiep-lai-suat-cho-vay-phi-va-cac-dich-vu-khac-179388.html