Loạt nhà thầu xây dựng tăng lãi mạnh trong quý II
Trải qua nửa đầu năm khó khăn chung trên thị trường, báo cáo tài chính của 1 số 'ông lớn' thầu xây dựng đã cho thấy sự khởi sắc rõ rệt trong quý II/2023 so với quý đầu năm.
Mới đây, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HOSE: VCG) đã báo doanh thu thuần quý II đạt 4.566,8 tỷ đồng, gấp đôi svck năm ngoái. Giá vốn bán hàng đạt 4.137 tỷ đồng, tăng 122%.
Trong kỳ, các khoản chi phí đều tăng lần lượt là chi phí tài chính tăng 24% đạt 245 tỷ đồng; trong đó chi phí lãi vay là 213 tỷ đồng, tăng 10%; chi phí bán hàng đạt gần 24 tỷ đồng, tăng 26% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 104 tỷ đồng, tăng 24% svck năm trước.
Kết quả, lãi ròng quý II/2023 Vinaconex đạt 130,3 tỷ đồng, giảm 24% cùng kỳ năm ngoái. Theo báo cáo giải trình, nguyên nhân chính dẫn đến việc lợi nhuận hợp nhất quý II/2023 của công ty giảm là do giá vốn của hoạt động kinh doanh cùng với chi phí hoạt động tài chính đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, từ đầu năm 2023 đến nay, các công ty con, công ty liên doanh, liên kết trong hệ thống đều bị ảnh hưởng chung bởi những khó khăn của kinh tế trong nước dẫn đến kết quả kinh doanh đều bị giảm. Phần lỗ trong công ty liên doanh liên kết là 12,2 tỷ đồng tại quý II/2023.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinaconex đạt 6.532 tỷ ,đồng doanh thu, tăng mạnh 85% svck nhưng lãi ròng giảm mạnh xấp xỉ 81%, đạt gần 139,2 tỷ đồng.
Trong đó, cơ cấu doanh thu 6 tháng của Vinaconex chủ yếu đến từ hoạt động xây lắp với 3.922 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh bất động sản đóng góp 1.659 tỷ đồng, sản xuất công nghiệp là 337 tỷ đồng, kinh doanh giáo dục là 126 tỷ đồng, các khoản còn lại là 487 tỷ đồng.
Năm 2023, Vinaconex đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 16.340 tỷ đồng, tăng 70% so với thực hiện năm 2022 và lợi nhuận sau thuế 860 tỷ đồng, giảm 8%. Như vậy sau 6 tháng, công ty hoàn thành 42% kế hoạch về tổng doanh thu và 15,3% kế hoạch về lợi nhuận sau thuế cả năm.
Một số dự án trọng điểm mà Vinaconex đang đảm nhiệm thi công là cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 và giai đoạn 2, dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, dự án cải tạo nâng cấp sân đỗ máy bay hiện hữu quốc tế, quốc nội sân bay Cam Ranh, dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 sân bay Phú Bài,...
Tiếp đến, CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) thu về gần 3.619 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý II, tăng 10% svck năm trước. Doanh thu chính đến từ hợp đồng xây dựng chiếm phần lớn với gần 3.613 tỷ đồng, còn lại là cho thuê thiết bị xây dựng gần 4 tỷ đồng và cho thuê văn phòng hơn 3 tỷ đồng.
Mặt khác, doanh thu hoạt động tài chính hơn 94 tỷ đồng, giảm 38%. Phần lớn giảm là do lãi từ cho vay và đầu tư trái phiếu giảm. Đồng thời, doanh nghiệp không phát sinh khoản lãi thanh lý công ty con kỳ này, trong khi cùng kỳ ghi nhận hơn 70 tỷ đồng.
Giá vốn hàng bán tăng 15%, lên gần 3.518 tỷ đồng, cao hơn so với mức tăng của doanh thu. Sau khấu trừ, lãi gộp công ty còn gần 101 tỷ đồng, giảm 53% cùng kỳ. Biên lãi gộp cũng giảm từ 7% cùng kỳ xuống còn 3%.
Các khoản chi phí trong kỳ đã được tiết giảm với chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 120 tỷ đồng và chi phí tài chính hơn 35 tỷ đồng, giảm lần lượt 67% và 25% so cùng kỳ. Trong khi chi phí lãi vay hơn 25 tỷ đồng, tăng 33%.
Kết quả, Coteccons lãi ròng hơn 30 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ ròng gần 24 tỷ đồng), đồng thời đánh dấu quý có lãi cao nhất kể từ quý III/2021.
Trong quá trình thực hiện tái cấu trúc, công ty đã tối ưu hóa chi phí quản lý doanh nghiệp, giảm 240 tỷ đồng cùng kỳ. Ngoài ra, Coteccons có khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi giảm 195 tỷ đồng svck năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Coteccons đạt khoảng 6.749 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 30% svck. Lãi ròng hơn 52 tỷ đồng, gấp xấp xỉ 10 lần cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2023, công ty thay đổi niên độ tài chính thành niên độ từ 1/7 tới 30/6 năm sau. Theo đó, niên độ mới đầu tiên sau khi thay đổi là từ 1/1 - 30/6/2023.
Theo đó, Coteccons đã đề ra kế hoạch niên độ 2023 với doanh thu đạt 7.644 tỷ đồng, tăng 144% svck (6 tháng đầu năm 2022), lãi ròng đạt 44 tỷ đồng, tăng mạnh 880% svck.
Trong bối cảnh khó khăn, ông Võ Hoàng Lâm, Tổng Giám đốc Coteccons từng khẳng định, để hoàn thành mục tiêu năm 2023, bên cạnh mảng xây dựng truyền thống, doanh nghiệp này sẽ tập trung vào các dự án có quy mô lớn, giá trị cao từ doanh nghiệp FDI với vai trò tổng thầu. Đồng thời, tập trung cho các dự án hạ tầng như cao tốc, metro, các dự án đường bộ, đặc biệt là dự án sân bay Long Thành.
Liên quan đến Coteccons, ngày 29/7 vừa qua, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons (Mã: Ricons) có thông báo về việc yêu cầu Tòa mở thủ tục phá sản đối với Coteccons về khoản công nợ giữa hai nhà thầu. Báo cáo tài chính của Ricons đã tiết lộ về con số công nợ giữa hai bên.
Tính đến 30/6, các khoản phải thu ngắn hạn của công ty đạt hơn 3.922 tỷ đồng, giảm gần 16% so với số đầu năm. Đặc biệt, theo báo cáo các khoản phải thu thì hiện Coteccons đang nợ doanh nghiệp này hơn 322 tỷ đồng, CTCP Gamuda Land (HCMC) nợ hơn 647 tỷ đồng, còn lại các khách hàng khác nợ khoảng 2.401 tỷ đồng.
Trong quý II, doanh thu thuần của Ricons đạt hơn 2.102 tỷ đồng, giảm gần 24% svck. Trong đó, phần lớn doanh thu đến từ hợp đồng xây dựng với gần 2.083 tỷ đồng, chiếm 99%; doanh thu từ hoạt động bất động sản là 14 tỷ đồng; còn lại đến từ doanh thu khác.
Giá vốn hàng bán giảm 23% xuống 2.079 tỷ đồng. Lãi gộp đạt 23 tỷ đồng, giảm 54% svck. Qua đó, biên lãi gộp giảm từ 2% cùng kỳ còn 1%.
Doanh thu hoạt động tài chính trong quý II đạt gần 27 tỷ đồng, tăng mạnh 157% svck; chủ yếu đến từ lãi tiền gửi ngân hàng, lãi trái phiếu hơn 21 tỷ đồng và cổ tức được chia 5,6 tỷ đồng. Ngoài ra, Ricons còn có khoản lãi từ công ty liên doanh liên kết 63 tỷ đồng, gấp 21 lần cùng kỳ.
Khoản chi phí tài chính cũng tăng mạnh, đạt gần 11 tỷ đồng, gấp xấp xỉ 5 lần svck với toàn bộ là chi phí lãi vay. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp gần 49 tỷ đồng, tăng 32%. Hết quý II, Ricons báo lãi hơn 52 tỷ đồng, tăng mạnh gần 90% svck.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Ricons đạt 3.821 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 20%. Nhờ vào lãi từ hoạt động tài chính và công ty liên doanh liên kết mà lợi nhuận ròng đạt khoảng 68 tỷ đồng, tăng 41%. So với kế hoạch năm 2023 trên nền thấp, Ricons thực hiện được 64% chỉ tiêu doanh thu thuần và vượt chỉ tiêu lãi sau thuế trong nửa đầu năm.
"Ông lớn" còn lại là CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC), doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần quý II/2023 đạt 2.298 tỷ đồng, giảm 45% svck năm ngoái.
Lợi nhuận gộp đạt 424 tỷ đồng. Chi phí tài chính và chi phí bán hàng đi ngang trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt lên 436 tỷ đồng, gấp 2,9 lần cùng kỳ do tăng mạnh chi phí trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và một phần chi phí khác phát sinh.
Tuy chi phí tăng cao, công ty vẫn lãi ròng hơn 546 tỷ đồng quý II/2023 và gấp khoảng 11 lần svck quý II/2022. Kết quả này có được nhờ khoản lợi nhuận 653 tỷ đồng, phần lớn đến từ hoạt động thanh lý tài sản cố định, vật tư trong kỳ.
Lũy kế nửa đầu 2023, Hòa Bình ghi nhận 3.492 tỷ doanh thu thuần, giảm 51% còn lãi ròng 103 tỷ, gấp 1,8 lần nửa đầu năm ngoái.
Như vậy, với kế hoạch tổng doanh thu 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng cho cả năm 2023, sau 6 tháng, Hòa Bình đã đạt gần 82% chỉ tiêu lợi nhuận và khoảng 28% mục tiêu doanh thu năm.
Mới đây (ngày 1/8), Ricons và Vinaconex thuộc liên danh Vietur do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng ICISTAS thuộc Tập đoàn IChoding của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu là đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu 5.10 "Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách" của dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Gói thầu 5.10 có tổng giá trị hơn 35.200 tỷ đồng - gói thầu lớn nhất của sân bay Long Thành. Thời gian thi công 39 tháng.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/loat-nha-thau-xay-dung-tang-lai-manh-trong-quy-ii.html