Loạt 'ông lớn' ngân hàng Mỹ ghi nhận lợi nhuận kỷ lục
Một số lãnh đạo ngân hàng cho rằng FED cần phải hành động mạnh mẽ hơn để lạm phát không vượt khỏi tầm kiểm soát.
Vào thứ Sáu (14/1), ba trong số các ngân hàng lớn nhất của nước Mỹ là Citigroup, JPMorgan và Wells Fargo đã báo cáo lợi nhuận năm 2021 ở mức kỷ lục. Nguyên nhân do nền kinh tế trên đà phục hồi trong khi nhu cầu chi tiêu, vay vốn của các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng gia tăng.
Tuy nhiên, một số giám đốc của các ngân hàng chia sẻ rằng lạm phát vẫn là mối lo ngại trong triển vọng kinh tế vào năm 2022. Họ dự báo lạm phát sẽ cao hơn trong năm nay, chi phí nhân sự cũng gia tăng do các ngân hàng cạnh tranh để giữ chân nhân viên và thu hút nhân tài.
Ngân hàng JPMorgan báo cáo lợi nhuận đạt gần 50 tỷ USD cho cả năm 2021, tăng đáng kể so với mức lợi nhuận 36,4 tỷ USD vào năm 2019 là thời điểm trước đại dịch. Tuy nhiên, JPMorgan báo cáo thu nhập quý IV/2021 giảm 14% so với một năm trước.
Trong khi đó, ngân hàng Citigroup báo cáo thu về 21,95 tỷ USD vào năm ngoái, vượt qua kỷ lục trước đó là 21,2 tỷ USD vào năm 2006. Ông Mark Mason, giám đốc tài chính của Citigroup, cho biết trong một cuộc trao với các nhà báo vào hôm thứ Sáu (14/1): “Chúng ta đã dành rất nhiều thời gian trong năm 2021 để bàn lạm phát, tôi cho rằng câu chuyện đó còn tiếp tục tốn thời gian hơn nữa vào năm 2022”.
Ngân hàng Wells Fargo báo cáo lợi nhuận cả năm 2021 đạt 21,55 tỷ USD, vượt qua con số của một năm trước đó.
Cả ngân hàng JPMorgan và Citigroup đều báo cáo chi phí hoạt động kinh doanh gia tăng trong quý trước. Hai ngân hàng cho rằng nguyên nhân một phần do nhu cầu tuyển dụng nhân viên mới với mức lương cao hơn. Trong khi đó, ngân hàng Wells Fargo cho biết đã kiểm soát được các chi phí trong quý IV vừa qua, nhưng lạm phát có thể sẽ ảnh hưởng đến chi phí lương trong năm nay.
Ông Jeremy Barnum, Giám đốc tài chính của JPMorgan, chia sẻ: “Trong khi thị trường lao động thắt chặt, chúng tôi phải chi trả mức lương cạnh tranh để thu hút và giữ chân những nhân viên tốt”. Ông Barnum cho rằng ngân hàng sẽ phải đối mặt với "những làn gió ngược" trong năm nay, trong đó bao gồm mức lương chi trả cao hơn có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.
Một điều thuận lợi đối với các ngân hàng là lãi suất sẽ được nâng lên khi lạm phát tiếp tục ở mức cao. Lãi suất tăng đồng nghĩa rằng các ngân hàng có thể tính phí nhiều hơn đối với khách hàng cho các khoản vay.
Cục Dự trữ Liên bang (FED) cho biết ngân hàng trung ương đang xem xét tăng lãi suất ít nhất ba lần trong năm nay nhằm ứng phó đà tăng lạm phát. Tuy nhiên, một số lãnh đạo ngân hàng cho rằng FED cần phải hành động mạnh mẽ hơn để lạm phát không vượt khỏi tầm kiểm soát.
Ông Mark Mason, giám đốc tài chính của ngân hàng Citigroup, chia sẻ với các phóng viên rằng: “Mối lo ngại lớn hiện nay là liệu lạm phát này có gây ra vòng xoáy giá cả-tiền lương hay không”- hàm ý về hiện tượng kinh tế mà nhân viên yêu cầu được trả lương cao hơn để trang trải chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, dẫn đến các công ty tăng giá hàng hóa dịch vụ để bù đắp chi phí và tiền công. Hậu quả là lạm phát cao có thể kéo dài qua nhiều năm, tương tự với giai đoạn lạm phát xảy ra trong những năm 1970.
Ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan, cho biết trong một cuộc trao đổi với các nhà đầu tư rằng có thể cần tới "sáu hoặc bảy" lần tăng lãi suất trong năm nay để kiểm soát lạm phát.
Các hãng tài chính lớn khác như Bank of America, Goldman Sachs và Morgan Stanley sẽ báo cáo kết quả kinh doanh vào tuần tới. Trong đó, đáng chú ý là các ngân hàng đầu tư như Goldman Sachs và Morgan Stanley thường có chi phí nhân sự cao nhất trong ngành.
Theo hãng tin New York Post, tiền thưởng của các hãng trên Phố Wall dự kiến sẽ đạt kỷ lục trong năm nay, khi những “gã khổng lồ tài chính” như Goldman Sachs và JPMorgan phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên ngân hàng trầm trọng trong bối cảnh nhu cầu giao dịch tiếp tục tăng.
Hà Thanh (theo AP, New York Post)