Loạt 'trụ cột' kéo VN-Index vượt 1.250 điểm, cổ phiếu thép bị bán mạnh
Hàng loạt cổ phiếu lớn như VNM, VCB, GAS… tăng giá tốt và giúp VN-Index duy trì được sắc xanh ở phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7/2024.
Sau phiên giảm điểm nhưng cải thiện mạnh về thanh khoản với khối lượng giao dịch tăng gần 30%, thị trường khởi sắc khi bước sang phiên giao dịch ngày 31/7. Các chỉ số được kéo lên mốc tham chiếu ngay từ đầu phiên. Tâm điểm của thị trường tập trung vào một số cổ phiếu lớn như VNM, GAS, MWG cùng các cổ phiếu ngân hàng như HDB, VIB, VPB hay VCB.
HPG gây áp lực lớn nhất lên thị trường chung ở phiên hôm nay, cổ phiếu này giảm 2,55% và lấy đi của VN-Index 1,09 điểm. Bên cạnh HPG, các cổ phiếu thép như NKG, HSG, VGS hay TVN đều lao dốc mạnh ở phiên hôm nay.
Thông tin được cho là ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư đối với nhóm ngành thép là việc Ủy ban châu Âu (EC) cũng có thông báo về việc nhận được yêu cầu điều tra chống bán phá giá với thép HRC có xuất xứ từ Việt Nam. Theo báo cáo tài chính vừa được Hòa Phát công bố cuối giờ chiều nay, doanh thu và lợi nhuận của “ông lớn” này đều tăng mạnh so với mức nền thấp cùng kỳ; đồng thời, cũng cao hơn đáng kể con số đạt được quý liền trước.
Bên cạnh đó, PLX cũng có một phiên điều chỉnh mạnh khi giảm 2,51% và lấy đi 0,37 điểm của VN-Index. HVN cũng gây chú ý khi giảm sàn trở lại về còn 21.250 đồng/cp. Cùng với đó, hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ như CSV, TCM, TCH, DBC… cũng đều chìm trong sắc đỏ.
Ở chiều ngược lại, VNM phiên hôm nay đóng vai trò dẫn dắt dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu trụ cột, trong đó, VNM tăng 5,76% lên 71.600 đồng/cp. VNM cũng đóng góp đến 1,99 điểm cho VN-Index và là nhân tố quan trọng giúp giữ sắc xanh của chỉ số này. Động lực giúp VNM tăng giá ở phiên hôm nay đến từ việc công bố BCTC quý II với kết quả tích cực. Cụ thể, doanh thu và lãi trước thuế của VNM tăng lần lượt 9,5% và 21,3% so với cùng kỳ 2023. Đây là quý VNM ghi nhận mức lãi cao nhất 4 năm qua, kể từ quý IV/2021, với 3.308 tỷ đồng trước thuế và sau khi trừ thuế là 2.670 tỷ.
VCB và GAS tăng lần lượt 1,94% và 3,5%, số điểm hai cổ phiếu này đóng góp cho VN-Index lần lượt là 2,32 điểm và 1,51 điểm. Kết quả kinh doanh quý II của cả VCB và GAS cũng tương đối tốt. VCB ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt hơn 10.116 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận ròng của GAS cũng tăng 5% và đạt hơn 3.321 tỷ đồng.
Tại nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, VIX và NVL có một phiên giao dịch khá xuất sắc. VIX tăng trần lên 11.250 đồng/cp. Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền để VIX thực hiện phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 10%, cổ phiếu thưởng tỷ lệ 10% và thực hiện quyền mua cổ phiếu tỷ lệ 100:95 với giá 10.000 đồng/cp.
NVL sau thông tin tái cấu trúc và công bố BCTC quý II thì cũng nhận được lực cầu tốt. NVL chốt phiên tăng 3,95%. Có thời điểm trong phiên giao dịch, NVL còn được kéo lên mức giá trần. Theo BCTC quý II, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần 1.549 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Công ty báo lãi ròng đạt 941 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 634 tỷ đồng của năm trước.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 6,45 điểm (0,52%) lên 1.251,51 điểm. Toàn sàn có 206 mã tăng, 224 mã giảm và 68 mã đứng giá. HNX-Index giảm trở lại 0,51 điểm (-0,22%) xuống 235,36 điểm. Toàn sàn có 81 mã tăng, 83 mã giảm và 58 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,18%) xuống 95,07 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 748,8 triệu cổ phiếu, tăng 14% so với phiên trước, tương ứng giá trị giao dịch đạt 17.570 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.063 tỷ đồng và 785 tỷ đồng. Đứng đầu danh sách khớp lệnh trên thị trường là VPB với 35 triệu đơn vị. VIX và HSG khớp lệnh lần lượt 29 triệu đơn vị và 27,8 triệu đơn vị.
Khối ngoại bán ròng mạnh với 605 tỷ đồng, trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất mã VIC với 901 tỷ đồng và hầu hết thông qua thỏa thuận ở cuối phiên. Đứng thứ hai danh sách bán ròng là TCB với 44 tỷ đồng. Trong khi đó, VNM được mua ròng mạnh nhất với 370 tỷ đồng. MWG cũng được mua ròng 100 tỷ đồng.