Mới đây, Quốc Tuấn nghỉ hưu ở tuổi 60 sau 19 năm gắn bó với Hãng phim truyện Việt Nam. Nam diễn viên khẳng định vẫn đóng phim khi gặp được kịch bản phù hợp. Những năm của thập niên 90, Quốc Tuấn là một trong những gương mặt được yêu mến ở miền Bắc. Ảnh: Vietnamnet
Vai diễn ấn tượng nhất của Quốc Tuấn là Thi trong "Những người sống bên tôi". Nam diễn viên khắc họa thành công cậu học trò nghèo phải bỏ học để làm thợ mộc rồi đi bộ đội, sau đó đi học trở lại để trở thành giảng viên, giáo sư. Ảnh: Vietnamnet
Lối diễn xuất sống động, chân thành khi nhập vai Thi giúp Quốc Tuấn đoạt giải thưởng "Nam diễn viên xuất sắc" do khán giả của VTV bình chọn. Ảnh: Zing
Chia sẻ về vai Thi, Quốc Tuấn cho biết: "Mọi người yêu nhân vật Thi quá, yêu lây sang cả tôi. Khán giả hay nhầm lẫn thú vị như thế và cứ nghĩ ngoài đời tôi cũng như Thi. Nhưng tôi đâu được như vậy". Ảnh: VOV
Ngoài ra, thời đóng xong vai Thi, Quốc Tuấn còn viết thư trả lời khán giả hâm mộ có ngày đến cả trăm lá. “Tính cả tiền tem, phong bì và mỗi bức hình gửi kèm, tôi... “lõm” nhưng ngày đó tôi vui lắm”, nam diễn viên chia sẻ. Ảnh: Người lao động
Quốc Tuấn còn gây chú ý khi vào vai thầy giáo Minh - chủ nhiệm lớp 12A, đồng thời là giáo viên môn Văn trong bộ phim “12A và 4H” lên sóng năm 1995. Ảnh: Đất Việt
Năm 2001, Quốc Tuấn đóng vai Kiên - chàng trưởng thôn siêng năng, cần cù, nhiều lần rơi vào tình huống “dở khóc dở cười” trong bộ phim “Người thổi tù và hàng tổng”. Vai Kiên cũng là một vai diễn ấn tượng của Quốc Tuấn. Ảnh: Lao động
Quốc Tuấn tâm sự, nhiều năm, khán giả gặp anh ở đâu cũng chúc bia Thi và ông trưởng thôn. Ảnh: Phụ nữ Việt Nam
Theo Quốc Tuấn, anh còn có fan “cuồng”. Nam diễn viên kể: “Có lần tôi đang ký trên sân khấu thì bị một bạn nữ nhảy lên cắn một phát vào vai, dù áo dày mà tôi vẫn bị đau khủng khiếp. Quá bất ngờ và đau nên tôi phản ứng một cách tự nhiên theo phản xạ hất và tỏ thái độ cáu. Sau đó, bạn ấy viết thư, tỏ ra rất buồn khi tôi cáu như vậy. Bạn ấy giải thích rằng không biết làm cái gì để cho Quốc Tuấn nhớ nên bạn ấy chọn cách đó. Khi biết được lý do này, tôi rất hối hận". Ảnh: Dân trí
Chia sẻ về việc là “trai Hà thành” lại dễ vào các vai “trai làng”, Quốc Tuấn cho biết: “Tôi ngoài đời có sao sống vậy, nghĩ sao nói vậy, nên dễ vào những vai chân quê chất phác. Hơn nữa, trong chiến tranh, gia đình tôi phải đi sơ tán, tôi đã lớn lên ở làng quê và tôi đã rất yêu văn hóa làng của người Việt Nam, vì thế, tôi luôn đặt mình là “trai làng” khi vào vai diễn”. Ảnh: VTV
Xem video "Trò chuyện cùng diễn viên Quốc Tuấn và bé Bôm". Nguồn Vietnamnet
Thu Cúc