Loay hoay cách triển khai chương trình mới
Chỉ còn hơn 1 tháng, các quận, huyện tại TP HCM phải đồng loạt công bố kế hoạch tuyển sinh lớp 1. Năm học tới sẽ bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới
Yêu cầu bắt buộc của chương trình phổ thông mới là toàn bộ học sinh (HS) lớp 1 phải được học 2 buổi/ngày. Tại TP HCM, do sĩ số HS quá đông, mỗi quận đều có một phương án sắp xếp học riêng để bảo đảm yêu cầu của chương trình.
Thiếu 443 phòng học cho chương trình mới
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, để chuẩn bị cho chương trình mới, cấp tiểu học trên địa bàn TP dự kiến có 6.313 giáo viên (GV)/3.550 lớp học. Số này bảo đảm tỉ lệ và đủ số lượng GV dạy lớp 1 năm học sắp tới; trong đó có 3.683 GV dạy nhiều môn.
Trong khi đó, TP hiện nay có 551 trường tiểu học, trong đó có 484 trường công lập, tăng 4 trường so với năm trước. Tuy nhiên, do số dân tăng cơ học cao nên việc đáp ứng chỗ học 2 buổi/ngày gặp rất nhiều khó khăn. Theo Sở GD-ĐT TP HCM, số phòng học của HS lớp 5 ra trường là 3.107 phòng so với số phòng học dự kiến cho lớp 1 năm học 2020-2021 là 3.550 phòng, như vậy còn thiếu 443 phòng.
Theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới, HS lớp 1 phải được học tối thiểu 35 tiết/tuần. Thế nhưng, theo số liệu báo cáo từ các trường tiểu học đến ngày 31-3, chỉ có 475 trường với 99.836 HS được học đủ số tiết 35 tiết/tuần theo quy định. Còn lại, khoảng 18 trường với gần 5.000 HS lớp 1 chỉ thực hiện được 25 tiết/tuần, hơn 20.000 HS học 26-29 tiết/ tuần…
Chia lớp, giảm tiết
Theo số liệu từ các quận, huyện trên địa bàn TP, để tổ chức cho 100% HS vào lớp 1 được học 2 buổi/ngày là thách thức không nhỏ, nhất là đối với những nơi lâu nay có số HS tăng dần đều theo từng năm.
Quận Bình Tân có khoảng 12.000 HS sắp tới vào lớp 1. Quận 12, năm học 2020-2021, dự kiến có gần 11.000 HS vào lớp 1, vì vậy cần có hơn 300 phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày với sĩ số 35 HS/lớp. Trong khi đó, số HS học xong lớp 5 trong năm học tới chỉ tương ứng với 122 phòng học; phân bố không đồng đều giữa các phường.
Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Tân, cho biết: Phòng đang tính toán, tham mưu UBND quận xem xét thực hiện theo 2 phương án, nơi nào đủ khả năng sẽ tổ chức học 2 buổi/ngày, có thể nâng sĩ số lên 45 hoặc 50 HS/lớp; nơi nào không đủ phòng tổ chức được 2 buổi/ngày có thể tổ chức học 6 buổi/tuần, tức học cả thứ bảy.
Tại quận Tân Phú, hằng năm trung bình HS vào lớp 1 của quận từ 9.000-10.000 HS, song theo thông tin từ Phòng GD-ĐT quận, năm học tới chưa có dự án trường tiểu học mới nào được đưa vào sử dụng. Vì vậy, việc bảo đảm toàn bộ HS lớp 1 học 2 buổi/ngày với sĩ số 35 em/lớp trong năm học 2020-2021 khó khả thi.
Theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, chủ trương quận cho đến thời điểm này là tập trung ưu tiên trường, lớp để bảo đảm cho 100% HS lớp 1 được học 2 buổi/ngày; sau đó giảm dần ở các năm tiếp theo, thực hiện theo hình thức cuốn chiếu.
Tại huyện Bình Chánh, hiện có hơn 10.000 HS lớp 1, tổ chức thành 286 lớp. Tỉ lệ bình quân mới đạt 182 phòng học/10.000 dân, vẫn còn thiếu 82 phòng học theo chủ trương của TP. Trong đó một số xã như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B áp lực tăng dân số cơ học cao nên chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày. Phương án mà Phòng GD-ĐT huyện kiến nghị là xây thêm trường, nếu không được, trước mắt sẽ cố gắng dạy cuốn chiếu cho HS lớp 1, tức là ưu tiên lớp 1 học 2 buổi/ngày, các khối lớp còn lại học 1 buổi/ngày.
Trong khi đó, tại quận Gò Vấp, sắp tới dự kiến có khoảng 8.000 HS vào lớp 1. Trưởng Phòng GD-ĐT quận, ông Nguyễn Thanh Thủy, cho biết nếu tập trung cho lớp 1, khả năng sẽ phải cắt 2 buổi/ngày và bán trú ở các khối lớp trên nhưng đây không phải là giải pháp căn cơ, lâu dài. Vì thế, nếu được, có thể chia đôi khối lớp 1, mỗi khối học 3,5 ngày, một nửa khối học vào thứ hai, tư, sáu và một nửa vào ba, năm, bảy.
"Thực tế HS lớp 1 mỗi ngày chỉ học 7-8 tiết, mỗi tiết 35 phút. Kéo dài thời gian học mỗi ngày thêm vài tiết cũng không sao. Giờ hoạt động, vui chơi có thể bố trí xen kẽ. Như vậy vừa hoàn thành chương trình, không bỏ phí trường, lớp ngày thứ bảy mà vẫn không xáo trộn các khối khác trong tình hình trường, lớp chưa xây kịp" - ông Thủy đề xuất.
Biên soạn nội dung giáo dục địa phương
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, sở đã triển khai kế hoạch biên soạn, thẩm định và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương cấp tiểu học theo yêu cầu trong chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2018-2019. Trên cơ sở nhóm tác giả bộ tài liệu "Cùng em tìm hiểu lịch sử địa phương TP HCM", Sở GD-ĐT đang mời bổ sung một số chuyên gia, GV tham gia ban biên soạn và dự kiến hội đồng thẩm định trình UBND TP.