Loay hoay chi trả phụ cấp HT, PHT, trường liên cấp mong sớm có quy định cụ thể
Lãnh đạo một số trường liên cấp mong có quy định về hệ số phụ cấp chức vụ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường liên cấp để đảm bảo chế độ người hiện hưởng
Theo một số lãnh đạo trường liên cấp, Thông tư số 33/2005/TT-BGDĐT ngày 8/12/2005 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Hướng dẫn tạm thời thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục công lập chỉ có quy định về hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường mầm non riêng, tiểu học riêng, trung học cơ sở riêng, trung học phổ thông riêng, không có quy định về hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo của trường liên cấp.
Ví dụ, hiện có quy định phó hiệu trưởng trường trung học học phổ thông hạng I hưởng hệ số phụ cấp chức vụ là 0,55; phó hiệu trưởng trường trung học cơ sở hạng I hưởng hệ số phụ cấp chức vụ là 0,45. Không có quy định nào về hệ số phụ cấp chức vụ phó hiệu trưởng trường liên cấp.
Lãnh đạo một số trường cho rằng cần xem xét có quy định về chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của trường liên cấp. Bởi, hiện nay cùng là phó hiệu trưởng nhưng phụ cấp chức vụ khác nhau do quản lý cấp học khác nhau.
Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một hiệu trưởng của trường liên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông ở miền Trung cho biết, việc phân hạng các trường mầm non, phổ thông và chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập được thực hiện theo Thông tư số 33/2005/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài ra, Khoản 3, Điều 2 Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: “a) Định mức số lượng người làm việc ở các vị trí việc làm gắn với công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành và các vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ được áp dụng theo cấp học cao nhất có trong nhà trường và được tính trên tổng số lớp của các cấp học”.
Theo vị này, căn cứ quy định trên, trường liên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thực hiện theo định mức số lượng người làm việc trong trường phổ thông cấp trung học phổ thông.
Cũng theo vị này, căn cứ Nghị định số 120/2020/NĐ-CP về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực từ ngày 01/12/2020, năm học 2022-2023, trường thiếu 1 phó hiệu trưởng nên muốn bổ sung thêm để san sẻ công việc. Hiện 1 phó hiệu trưởng của trường đang phụ trách chuyên môn của 7 khối (3 khối trung học phổ thông và 4 khối trung học cơ sở). Vất vả nhất là vào các thời điểm tuyển sinh lớp 6 và thi tốt nghiệp lớp 12; làm công tác phổ cập trung học; phụ trách cả công tác đoàn, đội của 2 cấp học... nhưng phụ cấp chức vụ chẳng được bao nhiêu.
“Tuy nhiên, trường mong có quy định chi tiết hướng dẫn về phân hạng trường và phụ cấp chức vụ lãnh đạo của trường liên cấp. Bởi, hiện nay, nhiều trường liên cấp có 1 hiệu trưởng và 2 phó hiệu trưởng, trong đó, 1 phó hiệu trưởng phụ trách cấp trung học cơ sở và 1 phó hiệu trưởng phụ trách cấp trung học phổ thông. Như vậy, phụ cấp chức vụ 2 phó hiệu trưởng này xác định như thế nào?”, vị này băn khoăn.
Cùng chia sẻ với phóng viên, thầy Mai Hồng Thái – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nghi Sơn có 1 hiệu trưởng và 2 phó hiệu trưởng, 19 lớp trung học cơ sở, 18 lớp trung học phổ thông. Khối lượng công việc của 2 cấp học gần tương đương nhau.
Theo thầy Thái, hiện không có quy định về xếp hạng trường, phụ cấp chức vụ đối với lãnh đạo trường liên cấp, nhưng thường sẽ lấy cấp học cao nhất trong trường liên cấp để xác định phân hạng trường. Toàn trường có tổng 37 lớp, xét theo cấp trung học phổ thông nên là trường hạng I.
Về phụ cấp chức vụ của phó hiệu trưởng trường liên cấp, theo thầy Thái, 2 phó hiệu trưởng trường liên cấp dù được phân công quản lý chuyên môn cấp học nào thì cũng nên được tính phụ cấp chức vụ ngang nhau vì nhiệm vụ của giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông về cơ bản là tương đương.
“Trường không tách biệt phó hiệu trưởng trường liên cấp phụ trách cấp học nào thì hưởng phụ cấp chức vụ theo cấp học đó. Vì đôi khi phó hiệu trưởng phụ trách trung học phổ thông phải điều hành cả công việc của trung học cơ sở, và ngược lại. Vậy nên, phụ cấp chức vụ của 2 phó hiệu trưởng nhà trường hưởng mức như nhau đối với trường hạng I trung học phổ thông là 0,55”, thầy Thái cho biết.
Cũng theo thầy Thái, ở cấp trung học phổ thông, quy định phụ cấp chức vụ hiện nay sẽ thiếu công bằng giữa các trường có phân hạng khác nhau khi chỉ chênh 1-2 lớp. Còn với những trường chênh nhau 8-10 lớp thì phụ cấp chức vụ hiện nay là hợp lý. Thầy Thái cũng mong muốn có quy định về phân hạng trường, phụ cấp chức vụ đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường liên cấp trên cơ sở xác định khối lượng công việc của trường có nhiều cấp học vì còn liên quan đến chế độ chính sách cho các đối tượng hiện hưởng.
Còn thầy Nguyễn Văn Binh – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Phạm Kiệt (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, nhà trường lấy cấp trung học phổ thông để xác định phân hạng trường.
Toàn trường có tổng 27 lớp, nằm ở miền núi nên theo phân hạng trường trung học phổ thông tại Thông tư số 33/2005/TT-BGDĐT, Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Phạm Kiệt xếp vào hạng I. Phụ cấp chức vụ lãnh đạo trường được xác định theo trường hạng I cấp trung học phổ thông. Hiện trường có 1 hiệu trưởng và 2 phó hiệu trưởng.
Cùng chia sẻ về việc xác định phân hạng trường, phụ cấp chức vụ trường liên cấp, thầy Phạm Sỹ - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Nguyễn Bá Ngọc (tỉnh Phú Yên) cho biết, thầy đang hưởng mức phụ cấp chức vụ phó hiệu trưởng trường trung học phổ thông hạng II là 0,45.
“Trường có 1 hiệu trưởng, 2 phó hiệu trưởng. Theo Thông tư số 33/2005/TT-BGDĐT về quy định phân hạng trường cấp trung học phổ thông đối với miền núi, trường xếp vào hạng II vì tổng có 14 lớp (gồm 8 lớp trung học cơ sở và 6 lớp trung học phổ thông). Phụ cấp chức vụ của lãnh đạo trường sẽ được tính theo trường trung học phổ thông hạng II”, thầy Sỹ chia sẻ.
Có thể thấy, để bảo đảm các chế độ chính sách, mong muốn chung của lãnh đạo trường liên cấp là ngành giáo dục cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về phân hạng trường và phụ cấp chức vụ đối với trường liên cấp.