Loay hoay lựa chọn sản phẩm chủ lực
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được ví như cú huých giúp nông sản địa phương có cơ hội tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, không phải xã nào việc lựa chọn sản phẩm chủ lực cũng thuận lợi, khi đến thời điểm này, nhiều xã vẫn chưa xác định được cây trồng, vật nuôi nào là phù hợp và có ưu thế cạnh tranh trên thị trường.
Mục tiêu của ngành nông nghiệp là đến năm 2025, 100% các xã có sản phẩm chủ lực tham gia vào Chương trình OCOP của tỉnh. Trong số 209 sản phẩm tham gia vào nhóm sản phẩm OCOP giai đoạn 2021 - 2025, không khó để nhận thấy, có nhiều sản phẩm được các xã lựa chọn theo kiểu đại trà, an toàn, thậm chí nhiều sản phẩm đang đứng trước nguy cơ “biến mất” trong cơ cấu cây trồng vật nuôi của địa phương.
Du khách người Nhật thích thú với các sản phẩm OCOP của Tuyên Quang
tại gian hàng bày bán và giới thiệu sản phẩm OCOP Tâm Hương.
Xã Kiến Thiết (Yên Sơn) giai đoạn 2021 - 2025 đăng ký sản phẩm Chuối Kiến Thiết tham gia Chương trình OCOP của tỉnh. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết Lê Thế Hưng cho biết, thời điểm đăng ký, cây chuối tây ở Kiến Thiết đã bắt đầu có dấu hiệu giảm cả về diện tích, năng suất và chất lượng. Từ hơn 500 ha, diện tích chuối tây ở Kiến Thiết chỉ còn chưa đầy 100 ha và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong 1 - 2 năm tới. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường tiêu thụ khó khăn, nhiều chủ vườn đã bỏ không chăm sóc, không thu hoạch. Cùng với đó, một số diện tích chuối trồng nhiều năm nên đã già cỗi, xuất hiện một số sâu bệnh gây hại như: Bệnh vàng lá, bệnh héo rũ, bệnh do virus gây khảm lá, chùn ngọn, sâu đục thân…
Trước thực trạng này, Kiến Thiết đã tính toán đến việc thay thế sản phẩm chuối bằng sản phẩm khác, trong đó có cây tre lấy măng và bưởi da xanh. Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Thế Hưng, đây thực sự là bài toán khó với Kiến Thiết, bởi qua rà soát, chưa có sản phẩm nào thực sự là sản phẩm chủ lực của xã, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Xã Xuân Lập (Lâm Bình) có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp. Ở xã, nhiều mô hình chăn nuôi đã bắt đầu manh nha, như chăn nuôi lợn đen, chăn nuôi trâu bò sinh sản, trâu bò nhốt chuồng… đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.
Trong danh sách đăng ký sản phẩm OCOP giai đoạn 2021 - 2025, Xuân Lập đưa vào 2 sản phẩm là cá chép ruộng và gà đồi. Tuy nhiên, sản lượng của cả 2 sản phẩm này chưa nhiều, như cá chép ruộng, mỗi năm cả xã chỉ cung cấp ra thị trường khoảng 2 - 3 tạ cá thịt. Để thực sự trở thành hàng hóa, cung cấp đồng thời ra thị trường một số lượng lớn thì rất khó đáp ứng. Hiện xã Xuân Lập đang vận động người dân mở rộng quy mô chăn thả để sản phẩm thực sự trở thành hàng hóa theo đúng nghĩa. Theo đồng chí Chủ tịch UBND xã Xuân Lập Hoàng Văn Dềnh, thì đây sẽ là câu chuyện đường dài, vì người nông dân ở Xuân Lập lâu nay không tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, có nhiều sự thay đổi trong quá trình sản xuất. Thêm vào đó, do tập quán, không có nhiều người nông dân đầu tư mở rộng quy mô, chỉ dừng lại ở quy mô gia trại.
Xã Tân Long (Yên Sơn) đã đưa sản phẩm cá lồng đặc sản trên sông Lô như chiên, lăng vào nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương. Thời điểm 2019, sản phẩm này được thị trường đón nhận và có cạnh tranh tốt. Tuy nhiên, từ năm 2020 trở lại đây, do nhiều nguyên nhân, việc chăn nuôi cá lồng đặc sản ở Tân Long bắt đầu gặp khó. Đồng chí Nguyễn Kỹ Thuật, Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết, một phần do môi trường nước không đảm bảo các yêu cầu về chăn nuôi, một phần do thị trường tiêu thụ bó hẹp vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên Tân Long đang tính toán để có sản phẩm thay thế. Vì theo đồng chí Thuật, đã là sản phẩm chủ lực, tham gia vào Chương trình OCOP phải là sản phẩm có sức cạnh tranh, có lợi thế và có tác động trên thị trường trong một khoảng thời gian ổn định. Nếu sản phẩm quá bấp bênh, sẽ vừa mất kinh phí để đăng ký nhãn hiệu, nhãn mác bao bì, vừa mất kinh phí quảng bá mà hiệu quả đem lại không cao.
Đồng chí Ngô Tuyết Nhung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, việc lựa chọn các sản phẩm chủ lực tham gia Chương trình OCOP của tỉnh được các xã lựa chọn để đầu tư theo giai đoạn. Cơ chế, chính sách tỉnh đã ban hành tương đối đầy đủ, đảm bảo để sản phẩm được hỗ trợ tốt nhất, tuy nhiên, theo đồng chí Ngô Tuyết Nhung, sản phẩm có sức cạnh tranh hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như khả năng thích ứng của chủ thể và thị trường. Hiện Chi cục Phát triển nông thôn đang tiếp tục rà soát lại các sản phẩm đã đăng ký, đối với những sản phẩm không còn là chủ lực có thể thay thế bằng các sản phẩm khác ưu việt hơn.