Loay hoay 'nút thắt' giải phóng mặt bằng
Dự án cải tạo chung cư nguy hiểm cấp độ D trên địa bàn phường Thành Công, Ba Đình, Hà Nội 'đứng yên' bởi giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Yêu cầu cam kết tiến độ
Thông tin với Báo GD&TĐ, ông Ngô Ngọc Lâm - Chủ tịch UBND phường Thành Công (quận Ba Đình) - cho biết, chính quyền địa phương vừa tiếp tục đối thoại với người dân chung cư G6A về công tác di dời để xây dựng cải tạo chung cư mới.
Theo ông Lâm, từ năm 2016, tòa nhà G6A đã được cơ quan kiểm định công bố là nhà nguy hiểm cấp độ D (cấp độ cao nhất), phải di dân để phá dỡ, xây dựng lại. Tuy nhiên, đến 22/2 vẫn còn 23 hộ chưa rời đi do không đồng thuận với kết quả kiểm định và lo ngại tiến độ cải tạo tòa nhà.
Liên quan đến chung cư G6A, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình - cho biết, chỉ cần quan sát bằng mắt thường đã thấy chung cư xuống cấp nguy hiểm. “Từ sự việc động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua, chính quyền lo lắng cho sự an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân nên tổ chức đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con...”, ông Tạ Nam Chiến bày tỏ.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, chính quyền là trung gian giữa cư dân và chủ đầu tư để đảm bảo hài hòa lợi ích ba bên. “Bởi nếu doanh nghiệp cải tạo, người dân có thể được hệ số bồi thường tối đa 2 lần. Ví dụ, người đang ở căn hộ 30m2, sau cải tạo có thể được căn 60m2. Nếu người dân và nhà đầu tư không tìm được tiếng nói chung, Nhà nước phải đứng ra cải tạo thì hệ số bồi thường chỉ bằng 1, nghĩa là khi cải tạo xong căn hộ 30m2 chỉ được bồi thường đúng diện tích 30m2...”, ông Tạ Nam Chiến thông tin.
Tại buổi đối thoại giữa chính quyền quận Ba Đình và cư dân G6A, nhiều hộ dân bày tỏ ủng hộ chủ trương cải tạo của Nhà nước. Đồng thời, sẵn sàng di dời khỏi chung cư G6A để làm công tác giải phóng mặt bằng nhưng phải giải đáp thấu đáo một số băn khoăn, khúc mắc. Đáng chú ý, nhiều hộ dân chưa đồng ý với “mác” xuống cấp loại D.
Ông Nguyễn Trọng Hùng - cư dân G6A - bày tỏ, ông và một số người dân lo lắng “ra đi không biết ngày về”. Lý giải về điều này, ông Hùng cho biết đã có nhiều hộ ở chung cư khác đi tạm cư để xây lại tòa nhà nhưng 5 -10 năm vẫn chưa xây dựng xong.
Bởi vậy, ông Hùng cho rằng, chính quyền và chủ đầu tư phải cam kết tiến độ xây dựng chung cư. “Chúng tôi mong muốn chính quyền chấp nhận nhà đầu tư đã được chọn hoặc giới thiệu doanh nghiệp khác có thể cam kết lộ trình cải tạo xây dựng lại tòa nhà...”, ông Hùng nói.
Còn ông Nguyễn Chi - cư dân G6A - bày tỏ, không ai thấy chung cư xuống cấp đến mức độ nguy hiểm. “Đúng là nhà có nghiêng nhưng là nghiêng bền vững…”, vị cư dân chia sẻ. Đồng quan điểm trên, bà Dương Tuyết Mai - cư dân G6A - cho rằng cam kết tự chịu trách nhiệm nếu chẳng may chung cư có sự cố.
Không mang tính mạng dân ra đánh cược
Giải đáp thắc mắc trên, ông Tạ Nam Chiến cho biết, đối với nhà đầu tư theo quy trình, trước hết là quy hoạch, phê duyệt quy hoạch. Sau đó, UBND TP Hà Nội sẽ ban hành tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư, công bố công khai để các nhà đầu tư tham gia.
Theo ông Chiến, sau khi có danh mục các nhà đầu tư đăng ký tham gia, UBND quận Ba Đình sẽ có trách nhiệm sàng lọc những đơn vị nào đủ điều kiện để tham gia, báo cáo thành phố chấp thuận. Đơn vị đó sẽ lập phương án tái định cư và đưa ra hội nghị nhà chung cư để người dân lựa chọn.
Trước ý kiến của một số hộ dân cho rằng sẵn sàng viết cam kết tự chịu trách nhiệm nếu chẳng may có sự cố xảy ra, Chủ tịch UBND quận Ba Đình nhấn mạnh, quy định của pháp luật, chung cư cấp độ nguy hiểm cấp độ D buộc phải di dời để phá dỡ xây dựng lại.
“Chính quyền có trách nhiệm đảm bảo an toàn về tính mạng cũng như tài sản của nhân dân nên không bao giờ đem sự an toàn và tính mạng của nhân dân ra đánh cược…”, Chủ tịch UBND quận Ba Đình nói.
Về tiến độ xây dựng khi người dân chung cư G6A di dời, theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình, quận đang đo đạc, khảo sát, xác định chỉ giới đường đỏ toàn bộ khu tập thể Thành Công. Các cơ quan chức năng lập quy hoạch tổng mặt bằng và dự kiến trong tháng 2/2023 trình Sở QH&KT để báo cáo thành phố.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình cũng cho biết, nhanh nhất phải đến tháng 5 mới chọn được nhà đầu tư, tháng 7 phê duyệt chủ trương, tháng 9/2023 phê duyệt dự án. “Thi công nhà chung cư hơn 20 tầng nên phải cuối 2024 mới xong được, lúc đó các bác quay về nhà mới to đẹp khang trang hơn...”, ông Chiến dự kiến và cho biết, chính quyền sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân.
Trước những tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng tại chung cư cũ G6A, Chủ tịch UBND phường Thành Công Ngô Ngọc Lâm cho biết, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động người dân. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng lên phương án sử dụng những biện pháp hành chính để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho người dân.
Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 1.579 căn chung cư cũ (bao gồm khoảng 1.273 căn nhà thuộc 7 chung cư và khoảng 306 căn chung cư độc lập, đơn lẻ), chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 đến năm 1994, tập trung tại các quận vùng lõi.
Tại Kế hoạch số 335 (31/12/2021) về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội (đợt 1), UBND thành phố đã giao UBND quận Ba Đình hoàn thành công tác di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp độ D trong quý I/2022. Đồng thời, tổ chức khảo sát, xác định số liệu liên quan đến nhà chung cư cũ, tổ chức kiểm định, nghiên cứu lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Ngoài ra, lựa chọn chủ đầu tư dự án các khu chung cư Thành Công, Giảng Võ trên địa bàn quận Ba Đình.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/loay-hoay-nut-that-giai-phong-mat-bang-post628597.html