Loay hoay phim cổ trang Việt
Nhiều dự án phim cổ trang Việt đang hào hứng khởi động. Khán giả kỳ vọng có, háo hức có. Nhưng cũng không ít e ngại, hoài nghi. Bởi lâu nay, dù được quảng bá rầm rộ, đầu tư công phu, thậm chí tốn cả bạc tỷ, nhưng dòng phim này vẫn phải nhận sự ghẻ lạnh của khán giả vì chất lượng chưa tương xứng.
Được Bộ VH-TT&DL đặt hàng nhưng dự án cổ trang “Mỹ nhân” lại có “cục sạn” to tướng khi để diễn viên mặc trang phục in hình nhân vật Vua Sư Tử trong phim hoạt hình của Walt Disney
Rục rịch trở lại
Những ngày này, đoàn phim "Quỳnh hoa nhất dạ" của nhà sản xuất, diễn viên - người mẫu Thanh Hằng đang mở đợt tìm kiếm ứng viên cho các vai diễn trong phim. Đây là bộ phim dã sử lấy cảm hứng từ cuộc đời oanh liệt của thái hậu Dương Vân Nga. Nhân vật nữ chính sẽ do Thanh Hằng đảm nhiệm, dự kiến ra mắt vào năm sau.
Sau loạt phim cung đấu "Phượng Khấu" gây tiếng vang, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cũng đang tiếp tục trở lại đường đua phim cổ trang với dự án “Huyết rồng”. Phim lấy bối cảnh thời Tiền Lê, xoay quanh bốn năm trị vì của ông vua tai tiếng nhất lịch sử Việt Nam Lê Long Đĩnh. Hiện, phim đang trong quá trình tuyển chọn diễn viên.
Dự án “Trưng Vương”, bộ phim kể về cuộc đời hào hùng của Hai Bà Trưng, với sự kết hợp của diễn viên Trương Ngọc Ánh và một nhà sản xuất người Australia đã phải trì hoãn suốt một năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Nay, phim cũng đã trở lại với hoạt động tìm kiếm diễn viên.
Mới đây, đạo diễn Victor Vũ, “cha đẻ” của “Thiên mệnh anh hùng”, cũng rục rịch ý định quay trở lại dòng phim cổ trang lịch sử sau khi đọc tiểu thuyết "Ấn kiếm hồng nhan" của nhà văn Hồng Thái và cảm thấy vô cùng tâm đắc...
Trước đến nay, điện ảnh Việt không thiếu những bộ phim cổ trang. Hầu hết khi ra mắt, các dự án này đều được người xem kỳ vọng sẽ làm nên chuyện, sẽ là “bom tấn” với lời hứa hẹn lẫn độ chịu chơi của nhà sản xuất. Tuy nhiên, thực tế nhiều dự án đã trở thành “bom xịt”, thất bại thảm hại, không về chất lượng, thì cũng về doanh thu. Hoặc cả hai.
Tiền tỷ vẫn bị chê
Là phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, được đầu tư tiền tỷ và mời những diễn viên tên tuổi đảm nhận, nhưng “Khát vọng Thăng Long” lại thất bại thảm hại ở phòng vé, dù nội dung được khen là khá tốt. Một tác phẩm khác có kinh phí lớn cũng để kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long, phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” lại nhận chỉ trích nặng nề vì phục trang quá giống Trung Quốc. Cuối cùng, phim bị hủy phát sóng. Bộ phim “Tây Sơn hào kiệt” do Lý Hùng làm đạo diễn kiêm diễn viên chính bị chê giống như cải lương hơn điện ảnh, thậm chí nhiều nhân vật triều Lê lại nói giọng Sài Gòn.
Năm 2012, “Thiên mệnh anh hùng” do đạo diễn Victor Vũ thực hiện ra mắt dịp Tết, được cho là lỗ nặng. Phim nhận được sự đánh giá nhất định của giới chuyên môn với nội dung kịch tính, võ thuật khá đặc sắc, dàn diễn viên nổi tiếng… thậm chí đạt giải Cánh diều vàng 2012 và Bông sen bạc 2013, nhưng lại không nhận được sự đồng thuận của khán giả.
Năm 2013, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng ra mắt “Mỹ nhân kế”, là phim cổ trang giả tưởng, quy tụ dàn diễn viên đình đám bấy giờ như Thanh Hằng, Tăng Thanh Hà… cùng hiệu ứng PR tốt, đã giúp mang về doanh thu 57 tỷ đồng, cao nhất mùa phim Tết 2013. Tuy nhiên nội dung phim lại bị phàn nàn là quá đơn giản, rời rạc, dễ đoán… và không có chiều sâu trong xây dựng tính cách. Ra mắt cùng năm, bộ phim “Lửa Phật” của đạo diễn Dustin Nguyễn cũng đuối.
Năm 2015, dự án “Mỹ nhân” được Bộ VH-TT&DL đặt hàng để tái hiện lại thời kỳ Trịnh - Nguyễn. Nhưng khi trailer được công bố, khán giả ngã ngửa nhận ra bộ quan phục do một nam diễn viên mặc lại in hình nhân vật Vua Sư Tử trong phim “The Lion King” của Walt Disney. Chiếc mũ gắn ngọc thì khiến người xem liên tưởng đến phim “Bao Thanh Thiên” của Trung Quốc.
Năm 2019, “Trạng Quỳnh” và “3D Cung Tâm Kế” là hai phim cổ trang ra mắt dịp Tết. Điểm chung của cả hai là bị nhận xét nội dung rời rạc, thiếu đặc sắc. Nhờ truyền thông tốt, “Trạng Quỳnh” vẫn thu được trăm tỷ, còn “3D Cung Tâm Kế” thất bại thảm hại ở phòng vé, bị chê tơi tả vì phục trang hời hợt, bối cảnh sơ sài.
Được kỳ vọng làm nên chuyện nhưng "Phượng Khấu" ra mắt năm 2020 cũng chỉ mới ghi điểm ở khâu trang phục và nội dung, còn phần diễn xuất và kỹ xảo thì vẫn bị phàn nàn. Thất vọng lớn nhất có lẽ thuộc về dự án "Kiều", thậm chí khán giả cho rằng phim là “thảm họa điện ảnh” với diễn xuất non nớt của dàn diễn viên và những tranh cãi về trang phục.
Ngay cả dự án "Quỳnh hoa nhất dạ" nói trên dù mới chỉ “nhá hàng” vài hình ảnh đầu tiên của vai thái hậu Dương Vân Nga nhưng đã khiến khán giả la ó vì trang phục quá giống với vua chúa nhà Mãn Thanh (Trung Quốc).
Phải rất dũng cảm mới làm phim cổ trang
Lịch sử và kho tàng truyện cổ Việt Nam không thiếu chất liệu hấp dẫn cho các nhà làm phim. Cũng có nhiều cách khác nhau để các đạo diễn làm một bộ phim cổ trang như: bám sát lịch sử, phỏng dựng lại các câu chuyện trong sử sách (có thêm thắt những tình tiết, hoặc nhân vật không được nhắc trong chính sử) hay còn gọi là dã sử hoặc hư cấu hoàn toàn. Tuy nhiên, thực tế, không ít đạo diễn sau khi thử sức với dòng phim này đã phải tháo chạy, không hẹn ngày tái ngộ.
Lý do đầu tiên chính là tốn kém. Ở Việt Nam không có phim trường chuyên nghiệp cho phim cổ trang nên tiền đầu tư bối cảnh thường rất nhiều. Đạo diễn – nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từng than thở rằng nếu chỉ có 20 tỷ thì rất khó để làm phim cổ trang.
Một vấn đề nữa là phục trang. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thừa nhận, trang phục cho nhân vật phim cổ trang luôn là bài toán đau đầu với các đạo diễn và nhà sản xuất. “Cha đẻ” của “Mỹ nhân kế” phân tích: Việt Nam không có truyền thống làm phim cổ trang, không có kho lưu trữ phục trang cổ trang, cũng như tư liệu để nghiên cứu không nhiều. Ngoài ra, công việc phục chế những bộ trang phục cổ không chỉ cần phải đối chiếu các nguồn tư liệu trong nước mà còn tham chiếu tư liệu, trang phục của các nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản để từ đó đưa ra mẫu phục dựng và phỏng dựng gần đúng nhất với thực tế. Việc này, ngay cả những người nghiên cứu chuyên sâu cũng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thì đoàn phim còn khó hơn trăm phần.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà làm phim đều nhận định, thách thức lớn nhất chính là định kiến của khán giả với dòng phim này. Thói quen xem những bộ phim cổ trang Trung Quốc, Hàn Quốc… được đầu tư khủng, diễn viên chuyên nghiệp, trang phục mãn nhãn, kỹ xảo hoành tráng đã khiến khán giả Việt dễ bị so sánh và trở nên khắt khe.
"Tôi rất sợ làm phim cổ trang vì nó quá khó. Phục trang, bối cảnh, tất tần tật. Ta phải thay đổi cả bầu trời và mặt đất. Thật sự phải rất dũng cảm mới làm phim cổ trang!" - đạo diễn Đỗ Thành An từng thổ lộ.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/loay-hoay-phim-co-trang-viet-post1398467.tpo