Loay hoay ra đề thi theo chương trình mới
Đề thi dù theo chương trình giáo dục mới hay cũ vẫn phải đáp ứng những quy chuẩn nhất định, nhất là ngữ liệu đề thi
Những ngày qua, giáo viên (GV) tại TP HCM và các phụ huynh, học sinh (HS) bàn luận xôn xao về đề thi ngữ văn cuối học kỳ I lớp 8 của Trường THCS Colette, quận 3. Đề thi được giới chuyên môn nhận xét là chưa ổn về mặt ngữ liệu.
Không thể tùy tiện chọn ngữ liệu
Trong thực tế, đây cũng là những tồn tại mà nhiều GV gặp phải khi việc kiểm tra, đánh giá theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới hiện chưa theo kịp chương trình.
Cô Văn Trịnh Quỳnh An, GV Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh), cho hay trong một đề thi, ngữ liệu của đề thi rất quan trọng, nhất là đề thi văn, phải rà soát từng từ, từng dấu câu, không thể tùy tiện. Nhưng dù đề thi được ra như thế nào vẫn phải đáp ứng các yêu cầu về ngữ liệu trong đề thi. Đó là đáp ứng nhu cầu về thể loại, ngữ liệu có ý nghĩa, không làm khó HS. Đồng thời phải đáp ứng việc ra được nhiều câu hỏi với phần ngữ liệu đó.
Theo cô Quỳnh An, mặc dù được tập huấn về cách ra đề thi nhưng thực tế hiện nay GV gặp rất nhiều áp lực. Áp lực về chuyên môn, về dư luận. Nếu chỉ cần bám sát ma trận soạn đề kiểm tra và đáp án theo quy định thì không có gì để bàn. Nhưng GV còn thêm áp lực sáng tạo, đổi mới, đó là chưa kể tùy thuộc vào đối tượng HS của trường. "Chỉ cần ngữ liệu đề thi hơi dài một chút, chưa cần biết phần câu hỏi ra sao thì dư luận đã mổ xẻ theo chiều hướng tiêu cực, phê phán" - cô An nói.
Thầy Võ Kim Bảo, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cho rằng ở Chương trình GDPT 2018, việc ra đề kiểm tra rất nghiêm ngặt, sẽ khắc phục được tình trạng tùy hứng, sáng tạo quá đà như một số đề thi ở chương trình cũ. Bởi ở Chương trình GDPT 2018, một đề thi bị ràng buộc bởi ma trận và bảng đặc tả. Ma trận để định hướng ôn tập và GV phải dựa trên ma trận soạn đề kiểm tra và đáp án. Dựa vào quy trình thống nhất đó để làm cho chuẩn, cho đều.
"Nhưng chính vì điều này, nên nảy sinh tình trạng GV chưa đều tay trong cách ra đề, nhất là hiện nay phần ngữ liệu đề thi không còn phụ thuộc vào sách giáo khoa" - thầy Bảo nhận định.
Lúng túng vì chưa được tập huấn
Thầy Bảo cũng cho rằng hiện nay việc ra đề thi của GV rất khó vì một đề ngoài việc định hướng suy nghĩ học trò, cần cân nhắc thêm "búa rìu dư luận". Trong khi đó, có trường hợp không hiểu sâu về chuyên môn ý đồ của GV dẫn tới những tranh cãi.
Nhiều chuyên gia giáo dục và các nhà giáo cho rằng chắc chắn sẽ còn đâu đó những đề thi còn nhiều lấn cấn, bất ổn là bởi vì hiện nay, việc kiểm tra, đánh giá trong các cơ sở giáo dục phổ thông vẫn còn nhiều lúng túng; chưa đồng bộ với chương trình mới. GV chưa đều tay trong cách ra đề, khiến không ít phương pháp khảo thí không phản ánh đúng thực trạng dạy và học.
GV một trường THCS tại quận 1 cho rằng nguyên nhân chính là họ còn chưa được tập huấn kỹ càng cách ra đề kiểm tra, đánh giá theo chương trình mới. Các phần tập huấn GV dạy chương trình mới vẫn còn chung chung, chưa xuất phát từ thực tiễn.
Thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo có những đề thi mẫu, những GV nếu vững chuyên môn sẽ mạnh dạn "bứt phá" trên nền tảng đề mẫu của bộ. Ngược lại, cũng có những GV chưa được tập huấn thì cách an toàn nhất là lấy đề thi mẫu và thay các ngữ liệu là xong. Việc chọn ngữ liệu lại phải "gánh vác" yêu cầu không phụ thuộc sách giáo khoa, từ đây nảy sinh ra chuyện chọn cách an toàn là dùng trong sách giáo khoa cũng bị phê phán, còn chọn bên ngoài lại rất dễ rủi ro. "GV phải tự mày mò trên đề mẫu, nên chỉ cần GV một vài trường ngồi lại với nhau là đã có sự chênh lệch, bởi vì mỗi trường mỗi cách hiểu khác nhau" - GV này cho biết.
Theo các GV tại TP HCM, chương trình mới theo hướng mở, linh hoạt song mức độ yêu cầu, đánh giá thế nào thì tùy thuộc vào từng đối tượng HS và sinh hoạt chuyên môn của từng tổ, từng trường. Đa số GV vẫn đang chờ xem cách thi, cách đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo thế nào để điều chỉnh cách dạy cho phù hợp.
Thầy Nguyễn Minh Lý, GV Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình), cho biết thực tế hiện nay việc kiểm tra, đánh giá trong trường học đang từng bước đồng bộ với chương trình và phương pháp dạy học. Nếu muốn chỉn chu ngay từ đầu rất khó bởi lẽ vẫn còn nhiều quan điểm hơi cũ, khó thay đổi. GV cần có thời gian và sự hướng dẫn, tập huấn của bộ nhiều hơn để GV biết cách kiểm tra, đánh giá sao cho đúng.
Nên cân nhắc tính giáo dục trong đề thi
Thầy Võ Kim Bảo cho rằng hiện nay có lẽ một số GV mới chỉ quan tâm ngữ liệu đáp ứng chương trình dạy học, chưa quan tâm đến các vấn đề sau đó.
Chẳng hạn như đề thi ở Trường THCS Colette, truyện cười mang tiếng cười phê phán, châm biếm tiêu cực trong xã hội, khi đọc để rút ra bài học. Vì vậy ngữ liệu đề ngữ văn này hơi nhạy cảm trong hoàn cảnh hiện tại. Mở rộng ra, GV nên cân nhắc về tính giáo dục của mỗi đề thi. Trong khi đó, có những truyện cười, trẻ em cần có thêm trải nghiệm cuộc sống mới có sự nhìn nhận, đánh giá đúng đắn.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/loay-hoay-ra-de-thi-theo-chuong-trinh-moi-196231228212705916.htm