Loay hoay tìm giải pháp hạn chế, xử lý xe máy cũ nát đến bao giờ?
Nhiều đợt ra quân xử lý xe máy cũ nát đã được thực hiện tại các tỉnh thành trên cả nước. Nhưng thực tế loại hình phương tiện này vẫn lưu thông khá phổ biến trên đường gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông và đòi hỏi cơ quan quản lý cần có những giải pháp đồng bộ.
Cảnh sát giao thông TP.Hồ Chí Minh tuần tra kiểm soát, xử lý xe cũ nát, xe tự chế, đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị từ ngày 15/3-14/6. Ảnh: TL
Ra quân quyết liệt, hiệu quả đến đâu?
Từ ngày 15/3-14/6, Cảnh sát giao thông TP.Hồ Chí Minh triển khai đợt tuần tra cao điểm về kiểm soát, xử lý xe cũ nát, xe tự chế, đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Chỉ trong 3 ngày đầu, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 200 trường hợp phương tiện không có bộ phận giảm thanh, giảm khói, phanh hoặc có nhưng không có tác dụng; vi phạm các quy định về gắn biển số, lắp thêm đèn, giá đỡ,...
Không chỉ ở TP.Hồ Chí Minh mà tại các địa phương trong cả nước đều đã từng lên nhiều phương án xử lý những xe máy cũ nát gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường. Nhưng tới nay sau những đợt ra quân loại phương tiện vẫn lưu thông phổ biến tại nhiều tuyến đường phố trên cả nước.
Có rất nhiều lý do được đưa ra từ người điều khiển xe máy cũ nát bị lực lượng chức năng xử lý, tựu chung lại là bởi hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống mưu sinh,... Anh Tuấn (trú tại Quận Gò Vấp) đang chở nước đá đi giao cho khách hàng.
Khi đi qua chốt thì bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Qua kiểm tra chiếc xe máy chở hàng mà anh Tuấn điều khiển vi phạm các lỗi như không có đèn, không còi, không gương chiếu hậu, không có biển số và không có giấy tờ xe.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ phương tiện và anh Tuấn có phân trần đây là xe mà chủ hàng đưa cho để sử dụng. Mỗi chuyến giao hàng như này cũng chỉ được mấy chục nghìn đồng nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên anh buộc phải sử dụng phương tiện này để di chuyển.
Thông tin từ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP.Hồ Chí Minh) cho biết, hầu hết những trường hợp bị lập biên bản đều cho biết sẽ bỏ xe luôn vì số tiền phạt nhiều hơn giá trị của xe hơn nữa xe không có giấy tờ nên khó lấy lại. Nhiều trường hợp khi lực lượng chức năng yêu cầu tạm dừng phương tiện, lái xe đã ngay lập tức xuống xe bỏ chạy, trốn tránh việc kiểm tra, xử lý.
Thống kê chưa đầy đủ của Sở Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh, trên địa bàn hiện có hơn 30 nghìn xe ba, bốn bánh thô sơ tự chế không động cơ (xích lô, ba gác đạp, xe đẩy tay) và có động cơ, xe cơ giới ba bánh đã được đăng ký cấp biển số là hơn 2.000 chiếc.
Chưa kể tới một lượng lớn xe máy hai bánh cũ nát, “xe chế, độ lại” hoặc quá niên hạn sử dụng không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật lưu thông hằng ngày trên đường, tiềm ẩn về tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.
Sớm có quy định về khí thải xe máy kết hợp với kiểm tra, xử lý vi phạm
Những hệ lụy và nguy cơ mất an toàn từ loại hình phương tiện xe cũ nát, xe ba bốn bánh tự chế công khai lưu thông có thể dễ dàng bắt gặp mỗi ngày trên đường.
Cần sớm có quy định về niên hạn sử dụng và kiểm tra khí thải xe máy để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ loại hình phương tiện này
Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, TS. Trần Hữu Minh - Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, thực tế số lượng xe ba bốn bánh tự chế được cấp phép chính thức không nhiều nhưng thực tế hiện nay số lượng phương tiện đang hoạt động trên đường lại rất nhiều.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, tiêu chuẩn khí thải mức 4 tương ứng với tiêu chuẩn khí thải Euro 4 chính thức được áp dụng từ ngày 1/1/2018 theo Quyết định 49/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải với ôtô, xe môtô hai bánh có lắp động cơ nhiệt sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.
Nhằm hạn chế phát thải các khí độc hại gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn để góp phần bảo vệ môi trường, lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe môtô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới được quy định rất rõ. Đây là cơ sở để Bộ GTVT xây dựng trình tự và các quy định chi tiết về kiểm tra định kỳ về khí thải xe môtô, xe gắn máy.
Mặc dù các địa phương, UBND tỉnh, thành phố đã ban hành các quy định để quản lý về mặt số lượng, phạm vi, luồng tuyến, thời gian hoạt động. Đồng thời có quy định xe tự chế về nguyên tắc là cấm hoạt động tuy nhiên hiện công tác quản lý còn nhiều bất cập và đã ghi nhận nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm liên quan đến xe ba bốn bánh, xe tự chế chở hàng cồng kềnh.
Bên cạnh đó, qua phân tích ngành GTVT hàng năm phát thải hơn 30 nghìn tấn CO2, tương ứng với 16,3% tổng lượng phát thải CO2 của các ngành. Những đợt bảo dưỡng cho thấy, việc thay dầu, kiểm tra các điều kiện hoạt động của xe mang đến hiệu quả khiến nồng độ CO và HC thử tại chế độ không tải giảm so với trước bảo dưỡng lần lượt là 42% và 45%.
Vì vậy việc bắt buộc các chủ phương tiện phải kiểm định khí thải định kỳ với xe máy được đánh giá sẽ là giải pháp thúc đẩy người dân phải tăng cường kiểm tra và bảo dưỡng phương tiện thường xuyên cũng như thay thế những thiết bị cũ, hỏng và sẽ trực tiếp giảm lượng khí thải của phương tiện.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nước ta chưa có quy định niên hạn sử dụng xe máy và chưa yêu cầu kiểm định kỹ thuật đối với loại hình phương tiện này. Điều đó nghĩa là xe máy được lưu hành vô thời hạn, đây chính là lỗ hổng để nhiều người sử dụng xe máy lưu thông.
Về nguyên tắc, đã là xe cơ giới là phải tiến hành kiểm định kỹ thuật để đảm bảo an toàn về mặt kỹ thuật cũng như tránh gây ô nhiễm môi trường, khí thải. Việc kiểm định kỹ thuật với xe máy không cần chặt chẽ như ô tô nhưng cũng cần phải tính toán để vừa đạt được mục tiêu kiểm soát được chất lượng khí thải phương tiện mà không tạo ra những chi phí quá lớn cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời với điều kiện Việt Nam, khi xe máy vẫn là phương tiện di chuyển, “cần câu cơm” của nhiều lao động thu nhập thấp thì phải tính đến các phương án hỗ trợ người dân. Còn để xử lý được dứt điểm xe ba, bốn bánh tự chế hiệu quả không chỉ cần đến các lệnh cấm mà còn cần sự ra quân quyết liệt đồng bộ của các cấp, ban ngành, đơn vị liên quan.