Loay hoay tìm lại hào quang
Trong bức tranh giải trí ngày càng sôi động, bên cạnh làn sóng những gameshow hoàn toàn mới, thị trường truyền hình đang chứng kiến sự trở lại rầm rộ của nhiều chương trình từng 'nói lời chia tay' với khán giả.
Được làm mới với diện mạo hiện đại hơn, dàn dựng công phu hơn và hứa hẹn nhiều đổi thay bất ngờ, những cái tên tưởng đã lùi vào dĩ vãng nay lại xuất hiện trở lại trên sóng truyền hình.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng ban đầu, không ít chương trình khi “tái xuất” đã không thể tạo nên hiệu ứng bùng nổ.
Dù khoác trên mình “tấm áo mới”, nhưng khán giả vẫn cảm thấy thiếu đi sự tươi mới thực sự trong nội dung và cách tiếp cận - thứ vốn là yếu tố then chốt để chạm đến trái tim người xem trong kỷ nguyên giải trí số, nơi mà sự cạnh tranh đến từ không chỉ truyền hình mà cả từ các nền tảng mạng xã hội...

Chương trình “Gặp nhau cuối tuần” trở lại nhưng chưa thực sự làm khán giả hài lòng. Ảnh: NSX
Bình mới, rượu “nhạt”?
Trở lại sau gần 20 năm vắng bóng, Gặp nhau cuối tuần, chương trình hài kịch kinh điển của VTV được kỳ vọng sẽ lấy lại vị thế là món ăn tinh thần không thể thiếu cho khán giả vào mỗi dịp cuối tuần.
Một thời, đây là bệ phóng cho hàng loạt danh hài tên tuổi như Công Lý, Xuân Bắc, Tự Long, Vân Dung... Không theo khuôn mẫu cố định như trước, mỗi tập phát sóng của phiên bản 2025 sẽ được làm mới với phong cách trình bày và nội dung đa dạng, mang lại cảm giác bất ngờ cho khán giả.
Dàn BTV Quốc Khánh, Sơn Lâm, Việt Hoàng vốn quen thuộc với các bản tin thời sự, thể thao nay cũng có đất diễn với mục điểm tin trong Gặp nhau cuối tuần.
Trong mỗi tập phát sóng, chương trình sẽ xoay quanh từ khóa về lễ hội ngày xuân, chuyện phái đẹp, dạy - học thêm, livestream bán hàng... Chương trình cũng được đánh giá tích cực khi thể hiện tính thức thời, đưa nhiều câu nói “hot trend” của giới trẻ vào nội dung.
Thế nhưng, bên cạnh những lời khen, chương trình cũng nhận về không ít ý kiến trái chiều khi bị đánh giá là “thô” trong cách xử lý tình tiết. Cụ thể, trong tập 2, ê kíp đặt ra giả định về viễn cảnh thế giới không có phụ nữ sẽ ra sao với mục đích tôn vinh phái đẹp.
Thế nhưng, các tình huống trong tập lại xoay quanh vấn đề nữ giới đóng vai trò làm mẹ, xoáy sâu vào chuyện sinh con. Thậm chí, hình ảnh BTV Sơn Lâm đưa tay kiểm tra giới tính em bé mới chào đời cũng bị đánh giá là không phù hợp.
Hay với vấn đề dạy - học thêm, trong tập 3, câu chuyện phụ huynh rơi vào thế khó khi con không được học thêm ngoài giờ được chương trình thể hiện qua lăng kính hài hước.
Thế nhưng, điều đáng nói là kịch bản chương trình lại “đưa” học sinh đến quán karaoke, thậm chí là… nhà nghỉ để học thêm, tính tiền theo tiếng. Điều này đã ít nhiều gây phản ứng trong khán giả. Sau không ít tranh cãi, đa số khán giả đều cho là không duy trì được sức hút như cách đây gần 20 năm.
Cùng chung cảnh ngộ, trở lại sau 8 năm “im hơi, lặng tiếng”, Bước nhảy hoàn vũ, gameshow khiêu vũ thể thao tái xuất vào năm 2024, với phiên bản kịch tính cùng dàn thí sinh nổi tiếng trong giới showbiz như Phương Oanh, Quỳnh Nga, hoa hậu Lê Hoàng Phương…
Cùng với đó, chương trình cũng tập trung khai thác nhiều hơn về câu chuyện hậu trường với những chi tiết gây xúc động và cả những lần bất đồng quan điểm với bạn nhảy khi dàn dựng tiết mục.
Tuy vậy, Bước nhảy hoàn vũ không thể cạnh tranh nổi với những gameshow đình đám khác do vẫn bị đi theo lối mòn.
Vietnam Idol 2023 cũng bị rơi vào thế khó. 7 năm chia tay khán giả, dù mời được Mỹ Tâm ngồi ghế nóng giám khảo, nhưng chương trình vẫn thiếu bứt phá về kịch bản; thậm chí, còn khiến khán giả thất vọng về kết quả; cùng với đó là câu chuyện quán quân bước ra từ chương trình cũng không có hoạt động gì nổi bật.
Đổi mới toàn diện
Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hạ nhiệt của các gameshow từng một thời “làm mưa làm gió”. Khi các định dạng cũ được làm lại, khán giả luôn kỳ vọng nhiều hơn vào sự sáng tạo và đột phá.
Tuy nhiên, một số chương trình chỉ thay đổi hình thức bên ngoài mà không cải tiến về nội dung, hoặc làm chưa tới. Ngược lại, một số chương trình cố gắng nâng cấp nội dung nhưng lại “quá tay”, dẫn đến sự thiếu tinh tế, gượng gạo.
Dù được quảng cáo là “hồi sinh” nhưng thực tế, các chương trình này vẫn loay hoay để thoát ra khỏi “cái bóng” của quá khứ.
Bên cạnh yếu tố nội dung, sự thay đổi trong thói quen thưởng thức cũng là lý do lớn khiến các gameshow truyền hình đánh mất sức hút.
Trong kỷ nguyên số, khán giả không còn ngồi chờ đến khung giờ cố định để theo dõi từ đầu đến cuối chương trình. Họ dễ dàng bị cuốn hút bởi những nội dung ngắn gọn, hấp dẫn và dễ dàng viral trên các nền tảng mạng xã hội.
Một chương trình dù đầu tư hoành tráng nhưng nếu không có những khoảnh khắc thú vị, dễ dàng chia sẻ hoặc thảo luận trên mạng thì rất khó để lấy được sự quan tâm từ khán giả.
Việc nhiều gameshow hiện nay chậm chân trong việc tiếp thị, tương tác với người xem trên nền tảng số đã khiến các chương trình này tụt lại phía sau so với xu hướng tiêu dùng và thưởng thức hiện đại.
Để các gameshow cũ thực sự “sống lại” thay vì chỉ là những phiên bản “ăn mày dĩ vãng”, nhà sản xuất cần phải thay đổi tư duy và đặt những vị khán giả thời 4.0 vào trung tâm.
Gu thưởng thức của người xem đã thay đổi và nếu vẫn làm theo kiểu cũ, sẽ rất khó giữ chân khán giả. Giải pháp quan trọng là phải tìm ra sự cân bằng giữa yếu tố hoài niệm và xu hướng hiện đại.
Những bản sắc cũ, làm nên tên tuổi cần được giữ lại như một dấu ấn đặc biệt, nhưng cách thức kể chuyện, nhịp điệu, chất liệu cũng như ngôn ngữ thể hiện phải được đổi mới để phù hợp với cuộc sống và thị hiếu hiện tại.
Ngoài việc làm mới nội dung, chiến lược phát hành và quảng bá cũng cần được thay đổi. Thay vì chỉ phát sóng trên truyền hình, các gameshow nên được tăng cường phát hành song song trên nền tảng số; nhất là với những clip ngắn, dễ chia sẻ và có tính giải trí cao.
Điều này sẽ giúp chương trình tiếp cận được đối tượng khán giả trẻ, những người hiếm khi có thói quen giải trí theo kiểu cũ. Đồng thời, tạo cơ hội để các “meme” hoặc trích đoạn thú vị từ chương trình lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Có thể nói, sự trở lại của gameshow cũ không thể chỉ là làm mới hình thức. Nếu nhà sản xuất không chú ý đến cách kết nối với khán giả thì dù được gán mác “chương trình huyền thoại”, cũng khó lòng tạo được làn sóng mới.
Bởi khán giả hôm nay không xem vì thương hiệu, mà xem vì cảm xúc và trải nghiệm.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/giai-tri/loay-hoay-tim-lai-hao-quang-128020.html