'Loay hoay' với hóa đơn, hộ kinh doanh mong được giãn lộ trình

Chuyển đổi từ thuế khoán sang kê khai, hóa đơn điện tử đang tạo áp lực lớn cho hàng triệu hộ kinh doanh, nhiều hộ lúng túng, thậm chí có nguy cơ phải bỏ nghề. Các chuyên gia cho rằng, cải cách là đúng hướng, nhưng cần triển khai theo lộ trình phù hợp với thực tiễn.

Ba nhân sự chỉ để xuất cho đủ hóa đơn

Gắn bó gần 20 năm với nghề buôn bán phụ tùng ô tô, bà Nguyễn Thị Khánh Ly, chủ hộ kinh doanh Phạm Gia tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ thấy thời điểm nào mà việc kinh doanh lại áp lực như hiện nay, không phải vì khách hàng hay thị trường, mà vì chính sách thuế mới”.

Theo bà Ly, phần lớn hộ kinh doanh như bà trước đây quen với việc nộp thuế khoán. Mức thuế cố định hàng tháng không yêu cầu ghi chép sổ sách hay kê khai doanh thu chi tiết. Nay, theo Nghị định 70, tất cả các giao dịch phải có hóa đơn, mọi khoản thu đều cần kê khai, trong khi hạ tầng và năng lực của hộ kinh doanh chưa thể đáp ứng ngay lập tức.

“Cửa hàng tôi có ba người, hiện tại gần như chỉ loay hoay mỗi việc xuất hóa đơn sao cho đúng quy định”, bà Ly tâm sự và cho biết, một vấn đề khiến hộ kinh doanh đặc biệt lo lắng là việc xử lý hàng tồn kho và công nợ cũ. “Với người kinh doanh lâu năm, không thể tránh khỏi việc có những khoản chưa hóa đơn hóa, chưa thanh toán xong. Bây giờ nếu không có chính sách hỗ trợ, tất cả sẽ thành điểm yếu và thậm chí là rủi ro bị kiểm tra, truy thu”.

 Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VTCA Nguyễn Đình Cư.

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VTCA Nguyễn Đình Cư.

Tâm lý lo ngại còn xuất phát từ việc nhiều hộ kinh doanh chưa rõ cách thức áp dụng chính sách mới. Bà Ly thẳng thắn cho biết: “Chúng tôi không dám dùng tài khoản ngân hàng để nhận chuyển khoản từ khách. Chỉ sợ sau này bị cơ quan thuế truy ngược lại sao kê, trong khi trước giờ toàn làm theo kinh nghiệm, không lưu chứng từ gì cả”.

Trước thực tế này, bà kiến nghị cần có lộ trình chuyển tiếp hợp lý, không nên áp dụng gấp gáp. “Chúng tôi cần thời gian để hiểu, điều chỉnh và làm quen. Nếu cứ đẩy nhanh quá, chắc chắn sẽ có rất nhiều hộ bỏ nghề. Doanh nghiệp lớn còn được hỗ trợ, thì hộ kinh doanh cũng nên được quan tâm. Nếu yêu cầu kê khai, thì phải đồng bộ, không thể để người làm, người không, sẽ mất công bằng”, bà Nguyễn Thị Khánh Ly kiến nghị.

Theo ông Lương Xuân Dũng, Chánh Văn phòng Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam, việc triển khai Nghị định 70 đang ảnh hưởng rõ rệt đến khu vực kinh tế cá thể. Không ít hộ bày tỏ lo ngại về nguy cơ bị truy thu thuế khi bắt buộc phải áp dụng hóa đơn điện tử và kê khai doanh thu thực tế. Điều này dẫn tới tâm lý e ngại, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh.

“Chúng tôi ghi nhận tình trạng doanh số bán lẻ giảm, chuỗi cung ứng gián đoạn. Nguyên nhân không chỉ vì chính sách, mà còn vì hạ tầng kỹ thuật chưa sẵn sàng, tâm lý hộ kinh doanh chưa chuẩn bị kịp. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu tăng trưởng chung của cả nền kinh tế”, ông Dũng nói.

Ông Dũng nhấn mạnh chính sách cần có lộ trình thực hiện hợp lý, tránh áp dụng đồng loạt một cách cứng nhắc. Cụ thể, cần phân tầng hộ kinh doanh theo quy mô: hộ lớn, doanh số cao thực hiện trước; hộ nhỏ, ở vùng sâu vùng xa được áp dụng sau, hoặc thí điểm trước ở một số địa phương để rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, Cục Thuế cần sớm ban hành hướng dẫn chi tiết về trách nhiệm kê khai giữa các chủ thể trong chuỗi phân phối – tiêu dùng, ví dụ như giữa nhà phân phối và cửa hàng bán lẻ trong ngành nước giải khát. Việc này sẽ giúp tránh tình trạng “đá bóng trách nhiệm” giữa các bên.

“Chúng tôi cũng kiến nghị gia hạn thời gian áp dụng nghị định ít nhất 6 - 12 tháng đối với hộ kinh doanh nhỏ. Đồng thời, cần tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, nâng cấp hệ thống đường dây nóng, tổng đài 24/7 để hộ kinh doanh được tháo gỡ vướng mắc kịp thời”, ông Dũng đề xuất.

Cần nâng ngưỡng thuế khoán, không thể áp dụng một công thức cho mọi hộ kinh doanh

Theo ông Nguyễn Đình Cư, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), tâm lý dao động của các hộ kinh doanh trước cải cách thuế là điều dễ hiểu. Những thay đổi liên quan đến hóa đơn điện tử, bỏ thuế khoán, chống hàng giả… tác động trực tiếp đến cách thức hoạt động của hàng triệu hộ kinh doanh cá thể.

 Chiều 10/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo tham vấn kết quả khảo sát hộ kinh doanh về việc thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế.

Chiều 10/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo tham vấn kết quả khảo sát hộ kinh doanh về việc thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế.

Tuy nhiên, ông Cư cho rằng đây là chủ trương đúng, cần thiết để tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và nâng cao nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để triển khai phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là với nhóm hộ nhỏ, vùng sâu, vùng xa.

Ông lưu ý: “Việc áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền là thách thức lớn với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Nhiều cửa hàng cà phê, quán phở ở Hà Nội đã quen dùng hóa đơn tính tiền, nhưng ở các tỉnh, việc đầu tư thiết bị, đường truyền, phần mềm vẫn là rào cản. Nếu hóa đơn giấy in từ máy được công nhận là hợp lệ khi đăng ký với cơ quan thuế, cần tuyên truyền rõ để hộ kinh doanh nắm được”.

Một loạt câu hỏi khác cũng được ông Cư đặt ra: nếu hộ có doanh thu dưới 200 triệu đồng được miễn thuế, thì có bắt buộc phải lập hóa đơn? Nếu không cần kê khai thì có cần máy tính tiền? Giao dịch mua bán giữa các hộ đang thuộc đối tượng miễn thuế (dưới ngưỡng) thì quản lý thế nào? Có sử dụng hóa đơn không? “Nếu không làm rõ, rất dễ dẫn tới chồng chéo trong xử lý và gây bức xúc trong thực thi”.

TS Cấn Văn Lực bổ sung thêm, các ngưỡng doanh thu hiện hành (200 triệu, 1 tỷ đồng) đang quá thấp so với thực tế thị trường. Ông đề xuất nên điều chỉnh phù hợp hơn, ví dụ giữ thuế khoán cho nhóm hộ có doanh thu dưới 2 - 5 tỷ đồng/năm. Trên mức đó, mới yêu cầu kê khai theo doanh thu và áp dụng đầy đủ hóa đơn điện tử.

“Chính sách là đúng, nhưng nếu áp cứng nhắc thì phản tác dụng. Cần đảm bảo công bằng, tránh để người doanh thu lớn núp bóng hộ khoán, đồng thời không gây áp lực không đáng có cho hộ thật sự nhỏ”, TS Lực nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cũng kiến nghị tổ chức đào tạo sâu rộng theo mô hình “hướng dẫn viên của hướng dẫn viên” tức là có đội ngũ đến tận cơ sở để “cầm tay chỉ việc” cho từng hộ. Kết hợp sổ tay dễ hiểu, đường dây nóng phản hồi nhanh và hệ thống hỗ trợ thực chất, mới có thể đưa cải cách thuế “chạm đất” đúng cách.

Phó chủ tịch VTCA Nguyễn Đình Cư lưu ý: “Việc thiếu rõ ràng trong quản lý doanh thu và miễn thuế sẽ dẫn tới rối loạn trong giám sát và thi hành. Ngay cả giới làm chính sách cũng còn nhiều băn khoăn. Nếu áp dụng không đồng bộ, có thể sẽ tạo thêm rào cản thay vì khuyến khích hộ kinh doanh phát triển. Vì vậy, chúng tôi rất mong có cơ chế đối thoại, phản biện chính sách để người làm thực tiễn có thể góp ý trực tiếp với cơ quan quản lý. Khi mọi thứ rõ ràng, minh bạch thì người dân sẽ yên tâm thực hiện”.

An Nhiên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/loay-hoay-voi-hoa-don-ho-kinh-doanh-mong-duoc-gian-lo-trinh-d59806.html