Lộc Ninh phát huy lợi thế, phát triển kinh tế vùng DTTS
Tận dụng lợi thế về diện tích đồng cỏ, nguồn lao động, cùng với kinh nghiệm chăn nuôi lâu đời, thời gian qua, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Lộc Ninh đã chuyển hướng phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò. Nhờ đó đã mang lại nguồn thu ổn định, từng bước nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Thế mạnh của vùng khó
Toàn tỉnh hiện có hơn 12 ngàn con trâu và hơn 38 ngàn con bò, trong đó, riêng xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh có gần 1.300 con trâu và hơn 1.100 con bò. Theo anh Đậu Xuân Ngọc, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã, Lộc Hòa có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi đại gia súc mà không phải địa bàn nào cũng có. Ngoài điều kiện đất đai rộng, nguồn thức ăn dồi dào, khí hậu mát mẻ, trâu, bò còn là vật nuôi có khả năng chống chịu bệnh tật tốt, việc chăn nuôi không đòi hỏi cao về kỹ thuật, trong khi thị trường tiêu thụ khá ổn định. Người dân địa phương, trong đó có đồng bào dân tộc S’tiêng, Khmer có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi trâu, bò từ lâu đời.
Có kinh nghiệm chăn nuôi bò gần chục năm nay, hiện đàn bò của gia đình anh Điểu Ry ở ấp 8C, xã Lộc Hòa gồm 11 con, trong đó 7 con bò sinh sản. Anh Ry cho biết, đàn bò được nuôi theo hình thức bán chăn thả, mùa gặt, đàn bò được chăn thả ngoài đồng, vào vụ mùa, gia đình nuôi nhốt, thức ăn của bò chủ yếu là cỏ trồng trong vườn và tận dụng rơm khô được gia đình tích trữ từ trước đó.
“Chăn nuôi bò không mất nhiều công, chủ yếu tận dụng thời gian nhàn rỗi. Bò ít bệnh, sinh sản nhanh, giá ổn định. Một con bê dòng lai sind được chăm sóc sau 1 năm tuổi bán được khoảng 20-25 triệu đồng. Với 7 con bò sinh sản, mỗi năm tiền bán bê con cũng thu về hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí” - anh Điểu Ry cho biết thêm.
Xã Lộc An hiện có 170 hộ chăn nuôi với hơn 418 con trâu, bò, trong đó tập trung chủ yếu là đồng bào DTTS. Già làng Điểu Bước sinh sống tại ấp 54 cho biết, bà con ở đây vườn rẫy ít nên thu nhập chính của các gia đình chủ yếu từ chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi trâu, bò.
“Bà con ở đây có thói quen chăn nuôi trâu, bò từ nhiều đời nay. Trước đây, đồng bào xem trâu bò là của cải tích trữ. Ngày xưa, trâu, bò thể hiện mức độ giàu có của 1 gia đình. Do đó, bà con thường có thói quen nuôi nhốt trâu, bò trước cửa nhà để cho mọi người biết nhà mình có nhiều của cải tích trữ. Ngày nay, trâu, bò giống như vật phòng thân của bà con. Hầu như nhà nào cũng nuôi. Nhà ít thì 1, 2 con, nhà nhiều nuôi hàng chục con vừa để tăng thêm thu nhập vừa để phòng khi gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn” - già làng Điểu Bước cho biết thêm.
Ông Lê Khắc Phú, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh cho biết: “Thời gian gần đây, người dân trên địa bàn huyện đã biết tận dụng quỹ đất rộng, nguồn thức ăn dồi dào để phát triển đàn gia súc. Hiện tổng đàn trâu, bò của huyện hơn 23 ngàn con, chủ yếu nuôi nhốt với gần 2.400 chuồng trại. Bà con tranh thủ thời gian rảnh, sáng đi cắt cỏ, chiều tận dụng thêm rơm, cám, bắp để làm thức ăn cho vật nuôi. Nhờ đó, đã tận dụng được hết nhân công lao động nhàn rỗi để phát triển kinh tế, từng bước tăng thêm thu nhập đáng kể cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.
Phát triển theo hướng bền vững
Trước thực trạng người dân đang chuyển hướng qua chăn nuôi trâu, bò, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ để bà con phát triển chăn nuôi bền vững. Đơn cử như tại xã Lộc Hòa, trong năm 2020, xã đã thành lập tổ hợp tác chăn nuôi trâu, bò với 20 thành viên, trong đó chủ yếu là bà con dân tộc S’tiêng, Khmer tham gia.
Anh Đậu Xuân Ngọc, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa chia sẻ: Để hỗ trợ bà con phát triển đàn trâu, bò tăng thêm thu nhập, thời gian qua, bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, trong năm 2020, chúng tôi đã phối hợp Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 600 triệu đồng giải ngân cho 20 hộ là các thành viên trong tổ hợp tác vay để phát triển đàn trâu, bò. Chúng tôi đang tập trung chăn nuôi trâu, bò theo hướng liên kết, tạo ra sản phẩm hàng hóa.
Tuy nhiên, theo nhận định của chính quyền địa phương, việc chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn huyện vẫn phát triển tự phát. Đồng bào S’tiêng, Khmer vẫn duy trì thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều hộ chưa chú trọng hoặc chưa có điều kiện xây dựng chuồng trại kiên cố, chưa quan tâm đến việc xử lý chất thải chăn nuôi.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về những rủi ro, hậu quả kinh tế và môi trường trong việc chăn thả trâu, bò. Từ đó, từng bước thay đổi nhận thức người dân về việc chăn nuôi theo hướng hàng hóa, dần bỏ thói quen chăn nuôi thả rông và xây dựng chuồng trại tập trung, hợp vệ sinh. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức hội ký ủy thác với ngân hàng và tận dụng nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống để phát triển đàn trâu, bò nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế của địa phương”.
Ông Lê Khắc Phú Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh
Ông Trần Thanh Hùng, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lộc Ninh cho biết: Vừa qua, chúng tôi khảo sát có 834 hộ, với gần 5.000 con trâu, bò của đồng bào DTTS không có chuồng trại chăn nuôi. Trước tình trạng đó, huyện đang triển khai vận động người dân di dời chuồng trại ra xa khu vực nhà ở, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh cho vật nuôi vừa tránh ô nhiễm môi trường. Điều đáng mừng, chủ trương của huyện sau khi phát động đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân.
Có mặt tại ấp 54, xã Lộc An - nơi tập trung nhiều hộ chăn nuôi trâu, bò với số lượng lớn. Dạo một vòng quanh ấp, chúng tôi thấy sự thay đổi trong nhận thức của người dân khi đã biết làm chuồng trại để nuôi nhốt trâu, bò. “Mục sở thị” mô hình chăn nuôi bò sinh sản của gia đình anh Điểu Ken, chúng tôi thấy khu vực chuồng trại xây dựng khá kiên cố, mái được lợp tôn, nền láng xi măng. Chuồng trại dù quy mô không lớn nhưng sạch sẽ, gọn gàng. Chuồng được thiết kế hố chứa phân để tận dụng bón cây trồng; xung quanh chuồng, anh còn tận dụng khoảng đất trống để trồng cỏ làm thức ăn cho đàn bò.
Anh Điểu Ken cho biết, trước đây, đàn bò được nuôi nhốt bằng chuồng trại sơ sài nên phát triển kém, bê con hay bị nhiễm bệnh. Không chỉ vậy vào mùa mưa, phân bò chảy tràn ra vườn gây ô nhiễm môi trường. Được chính quyền vận động, hỗ trợ xây chuồng kiên cố, tới đây gia đình sẽ tiếp tục mở rộng phát triển đàn bò để tăng thêm thu nhập.
Ông Lê Khắc Phú, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh khẳng định, việc người dân đầu tư chuồng trại để nuôi nhốt, giảm dần việc chăn thả ngoài tự nhiên sẽ giúp đàn trâu, bò hạn chế được nhiều rủi ro do dịch bệnh.