Lộc Viễn Tài - tên anh còn mãi

Lực lượng BĐBP có truyền thống hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành với 2 lần được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, nhiều tập thể, cá nhân thuộc lực lượng BĐBP đã được các địa phương đặt tên đường, tên trường. Báo Biên phòng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những tập thể, cá nhân có được niềm vinh dự đó.

Con đường mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lộc Viễn Tài tại tỉnh Hà Giang. Ảnh: Bích Nguyên

Con đường mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lộc Viễn Tài tại tỉnh Hà Giang. Ảnh: Bích Nguyên

Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến bảo vệ biên giới đã có rất nhiều tập thể, cá nhân thuộc lực lượng BĐBP chiến đấu và hy sinh anh dũng. Nhiều cá nhân đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, để vinh danh những cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc, được nhân dân và thế hệ mai sau mãi mãi ghi ơn.

Cựu chiến binh Hoàng Văn Tựt, nguyên Bí thư Đảng ủy chuyên trách BĐBP Hà Tuyên cũ (sau tách thành Tuyên Quang và Hà Giang) vẫn còn nhớ: “Tôi với anh Lộc Viễn Tài là bạn thân với nhau. Năm 1959, chúng tôi nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, lên đường tòng quân trong màu áo BĐBP. Bản thân tôi luôn cảm thấy tự hào về những năm tháng khốc liệt ấy, bởi chúng tôi đã kề vai, sát cánh bên nhau bảo vệ từng tấc đất biên cương”.

Sáng sớm ngày 17-2-1979, sau khi dồn dập nã pháo, địch sử dụng 1 trung đoàn chủ lực tiến công các mục tiêu quân sự của ta ở 3 xã biên giới: Thượng Phùng, Xín Cái và Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Trong đó, tại điểm cao Pìn Lò, chúng sử dụng 2 tiểu đoàn bộ binh theo đường mòn mốc 138 và 140 đồng loạt tấn công vào Đồn Công an nhân dân vũ trang Lũng Làn (nay là Đồn Biên phòng Sơn Vĩ).

Cũng vào buổi sáng ngày 17-2 đó, Thượng úy Lộc Viễn Tài, khi ấy là Đồn trưởng Đồn Công an nhân dân vũ trang Lũng Làn, Công an nhân dân vũ trang Hà Tuyên đã chỉ huy anh em mưu trí, gan dạ đánh bật từng đợt tấn công của quân địch.

Đồng chí Lộc Viễn Tài vốn được đào tạo tại Trường Sĩ quan Biên phòng, lại có nhiều năm làm trợ lý huấn luyện nên anh đã chỉ huy đơn vị vừa rút, vừa cố thủ, vừa phản công giữ đồn. Anh đã bình tĩnh quan sát địch, đồng thời đi sát động viên từng chiến sĩ quyết tâm chiến đấu bảo vệ đồn. Chỉ huy mũi chính diện, Thượng úy Lộc Viễn Tài trực tiếp bắn đại liên vào đội hình địch.

Khi phát hiện 3 tên chỉ huy của địch, Thượng úy Lộc Viễn Tài đã lệnh cho cối bắn trúng, tiêu diệt gần 100 tên, tạo điều kiện cho 2 tổ chốt diệt gần 100 tên nữa. Bị thiệt hại nặng, địch cho bộ binh lui lại củng cố đội hình, đồng thời cho pháo bắn cấp tập vào trận địa ta. Nhưng khi bộ binh địch xông lên, chúng lại bị cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an nhân dân vũ trang Lũng Làn đánh bật ra.

Ngày 5-3-1979, địch lại tập trung lực lượng quyết chiếm Đồn Công an nhân dân vũ trang Lũng Làn và cao điểm 1379 của ta, với thủ đoạn cho pháo bắn suốt một tiếng đồng hồ, sau đó dùng bộ binh chia thành nhiều mũi ồ ạt tấn công, nhưng địch vẫn bị đánh bật ra.

Sau khi bị thiệt hại nặng nề bởi những trận đánh trước, địch cay cú quyết định tăng quân để tiếp tục tấn công đồn. Lúc này, lợi dụng sương mù, Thượng úy Lộc Viễn Tài đã tổ chức lực lượng phục kích, đánh dồn địch vào hầm chông, bãi mìn gài sẵn, diệt nhiều tên, buộc địch phải thu quân, củng cố đội hình, rồi mở đợt tiến công mới.

Tiếp đó, Thượng úy Lộc Viễn Tài chỉ huy một tổ chặn đánh địch từ xa, chia cắt đội hình địch, tiêu diệt nhiều tên. Do quân địch quá đông, đạn sắp hết, đồng chí lệnh cho 2 chiến sĩ trong tổ của mình rút lui, còn đồng chí dùng những viên đạn cuối cùng ghìm chân địch, bảo vệ đồng đội. Trong tay còn 2 quả lựu đạn, Thượng úy Lộc Viễn Tài chờ địch đến gần mới giật nụ xòe, ném vào đội hình địch, diệt thêm gần chục tên nữa. Anh đã anh dũng hy sinh trong trận đánh khốc liệt ấy.

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Hòa, nguyên chiến sĩ Đồn Công an nhân dân vũ trang Lũng Làn còn nhớ như in ký ức được sát cánh cùng người thủ trưởng của mình. Ông nói: Khoảng 6 giờ sáng, ngày 5-3-1979, ở dưới đồn thấp, chúng đánh vào dồn dập, thủ trưởng Lộc Viễn Tài lệnh anh em xuống ngay giao thông hào, đến 1 giờ chiều, khi nghe từng loạt đại liên của địch từ bên mạn Séo Hồ, thủ trưởng Tài biết ngay chúng đang đánh vu hồi vào đồn nên đã lệnh cho tôi cùng đồng chí Phương đi theo thành một mũi, cơ động lên điểm cao đồi Chanh.

Từ trên điểm cao, chúng tôi quan sát thấy địch đông nhung nhúc, thúc nhau dàn hàng ngang tiến lên điểm cao. Là chiến sĩ mới tham gia chiến đấu nên tôi và đồng chí Phương hơi run, thủ trưởng Tài động viên anh em chúng tôi: “Cứ đợi chúng đến gần, khi nào tôi nổ súng thì các đồng chí nổ súng”.

Đánh suốt đến 5 giờ chiều thì tan tác hết, mỗi người một nơi, thủ trưởng Tài nói với chúng tôi: “2 cậu lùi về phía sau đi, để mình yểm trợ cho”. Câu nói ấy còn mãi khắc ghi trong trái tim cựu chiến binh Nguyễn Xuân Hòa. Bởi thời điểm đó, người thủ trưởng của ông đã nhận trách nhiệm ở lại chặn địch để anh em rút lui an toàn.

Những năm tháng hào hùng ấy vẫn còn đọng lại trong tâm khảm của Đại tá Hoàng Đình Xuất, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Giang. Đại tá Hoàng Đình Xuất nhớ lại: “Lúc ấy, tôi ở Đại đội 7 cơ động, Công an nhân dân vũ trang Hà Tuyên. Lực lượng tăng viện hành quân cả ngày mới tới đồn, đến nơi thì muộn quá rồi!”.

Hiện nay, gần Đồn Biên phòng Lũng Làn vẫn còn nguyên bia ghi tên 18 cán bộ, chiến sĩ của đồn hy sinh trong những năm bảo vệ biên giới, từ năm 1979 cho đến năm 1987. Trong đó, người đứng số 1 là Thượng úy, Đồn trưởng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Lộc Viễn Tài. Các anh nằm xuống khi tuổi đời còn rất trẻ.

Thượng úy Lộc Viễn Tài sinh năm 1940, là người dân tộc Tày, quê ở xã Vĩ Thượng, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Tính chung trong các trận chiến đấu bảo vệ biên giới tại mặt trận Hà Giang, Thượng úy Lộc Viễn Tài đã diệt 91 tên địch, thu nhiều vũ khí. Nhờ những chiến công hiển hách đó, Thượng úy Lộc Viễn Tài đã được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba; ngày 19-12-1979, liệt sĩ Lộc Viễn Tài được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Để ghi nhớ chiến công, thành tích của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lộc Viễn Tài, tháng 5-2011, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang đã phối hợp với UBND huyện Quang Bình, UBND xã Vĩ Thượng tiến hành bàn giao nhà Tình nghĩa cho bà Lộc Thị Bạch (vợ liệt sĩ Lộc Viễn Tài). Công trình được hoàn thành với tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 220 triệu đồng, trong đó, kinh phí do Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang hỗ trợ là 110 triệu đồng; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang hỗ trợ 20 triệu đồng; huyện Quang Bình hỗ trợ 40 triệu đồng.

Hiện nay, tên của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lộc Viễn Tài đã được UBND tỉnh Hà Giang đặt cho con đường dẫn vào Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang.

Kim Nhượng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/loc-vien-tai-ten-anh-con-mai-post430233.html