Lockheed Martin giúp Nhật Bản chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình
Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm thứ Sáu (18/12) cho biết, tập đoàn vũ khí hàng đầu của Mỹ Lockheed Martin sẽ hợp tác với tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi Heavy Industries (MHI), nhằm phát triển dòng máy bay chiến đấu thế hệ mới cho Nhật Bản trong những năm tới.
Máy bay F-35, sản phẩm nổi bật của tập đoàn vũ khí Lockheed Martin Corp - Ảnh: Reuters
Mỹ và Nhật Bản từng phối hợp phát triển dòng máy bay chiến đấu có tên gọi F-2 của Nhật Bản cách đây 3 thập kỷ.
Dự án mới giữa Lockheed Martin Corp, nhà sản xuất máy bay phản lực F-35 và đối tác Nhật Bản hứa hẹn sẽ tạo ra một thế hệ máy bay chiến đấu tàng hình mới, có thể đưa vào sử dụng giữa những năm 2030, nhằm bắt kịp những tiến bộ trong công nghệ máy bay của nước láng giềng Trung Quốc.
“Để đảm bảo khả năng tương tác với Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ bắt đầu dự án này cùng nhau từ năm sau”, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết.
Dự án chế tạo máy bay chiến đấu mới, được gọi là F-3 hoặc F-X và có trị giá khoảng 40 tỷ USD, sẽ thay thế dòng máy bay tiêm kích hạng nhẹ F-2 đang được sử dụng trong lực lượng phòng vệ Nhật Bản.
Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, Lockheed đã đề xuất một thiết kế lai dựa trên các máy bay phản lực F-35 và F-22 của họ, nhưng Nhật Bản bác bỏ điều đó để ủng hộ một thiết kế nội địa.
Ngoài Lockheed Martin Corp, nhiều công ty nước ngoài khác đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia vào quá trình phát triển dòng máy bay chiến đấu thế hệ mới F-3 của Nhật Bản, bao gồm hãng chế tạo F-18 Super Hornet Boeing Co và Northrop Grumman Corp từ Hoa Kỳ, cũng như BAE Systems Plc của Anh và nhà sản xuất động cơ Rolls-Royce Holdings Plc.
Nhật Bản cho biết họ sẽ tiếp tục tìm kiếm hợp tác về F-3 với cả Anh và Mỹ để tiếp cận công nghệ và giúp giảm chi phí phát triển.
Những năm gần đây, Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của ông Shinzo Abe đã có những thay đổi trong chính sách quốc phòng, đi theo hướng tăng cường khả năng quân sự, với nhiều dự án đầu tư cho việc phát triển động cơ phản lực, chế tạo máy bay, đóng thêm tàu.
Sau khi lên thay ông Abe từ 16/9/2020, Thủ tướng Yoshihide Suga cam kết duy trì chính sách đối ngoại và quốc phòng như người tiền nhiệm.
Ngày 21/9, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đề nghị một khoản tiền kỷ lục đến 5,4 nghìn tỷ yen (51,6 tỷ USD) cho ngân sách tài khóa 2021 và là năm thứ 9 liên tiếp tăng, nhằm phù hợp với bối cảnh an ninh khu vực Đông Á đang thay đổi nhanh chóng, bao gồm việc Trung Quốc lấn lướt tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như chương trình hạt nhân của Triều Tiên.