Loét hỏng hết dạ dày vì tự làm bác sĩ

Mặc dù có quy định về mua và bán thuốc kê đơn nhưng thực tế, người dân vẫn có thói quen tự làm 'bác sĩ', đoán bệnh và tự mua thuốc điều trị.

Nhiều người dân tự ý mua thuốc kháng sinh uống khi có dấu hiệu ho, sổ mũi, nhức đầu... (Ảnh: Lâm Ngọc)

Nhiều người dân tự ý mua thuốc kháng sinh uống khi có dấu hiệu ho, sổ mũi, nhức đầu... (Ảnh: Lâm Ngọc)

Người dân vẫn có thói quen tự ý mua thuốc điều trị khi mắc bệnh, nhất là các loại thuốc kháng sinh, thuốc kê đơn, thuốc giảm đau mà không thăm khám và có ý kiến của bác sĩ. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy, gây hậu quả khôn lường tới sức khỏe.

Ngại đến bệnh viện, tự làm “bác sĩ”

Mỗi lần hơi đau lưng, anh Nguyễn Thanh Tùng (33 tuổi, ngụ Quận 3) đều mua thuốc giảm đau để uống. Theo anh Tùng, việc đi khám tốn nhiều thời gian nên anh tham khảo đơn thuốc được bác sĩ kê toa để trị đau lưng của một người đồng nghiệp, sau đó đem đến một nhà thuốc gần nhà để mua uống.

“Thời gian đầu, thuốc bén lắm, uống 1, 2 liều là đỡ đau, 2 ngày sau là hết hẳn. Nhưng thời gian sau chắc lờn thuốc nên uống lâu hết, tôi lại chuyển nhà thuốc khác để mua về tiếp tục tự điều trị”, anh Tùng chia sẻ.

Mới đây, khi bệnh đau lưng tái phát, như một thói quen, anh Tùng tự mua thuốc giảm đau uống, được 2 ngày thì xuất hiện tình trạng chóng mặt, hoa mắt, đại tiện phân màu đen.

Nhất quyết không đến bệnh viện để thăm khám, anh Tùng đến nhà thuốc để hỏi về các triệu chứng của mình. Tại đây, nhân viên nhà thuốc kê lại đơn cũ kèm theo một số thuốc mới, yêu cầu uống trong 5 ngày.

“Uống thuốc hơn 1 ngày, cảm giác mệt xuất hiện nhiều nên quyết định tới bệnh viện khám. Các bác sĩ chẩn đoán tôi bị xuất huyết tiêu hóa do loét hành tá tràng. Ngay lập tức, tôi được tiến hành can thiệp cầm máu cấp cứu, nằm điều trị tại bệnh viện hơn 2 tuần mới hồi phục”, anh Tùng kể.

Cũng như anh Tùng, hiện nhiều bệnh nhân bị đau nhức xương khớp tự ý mua thuốc điều trị không theo toa bác sĩ. Bệnh xương khớp không chữa khỏi hoàn toàn và tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người từ đó có phác đồ điều trị phù hợp. Để cắt cơn đau do căn bệnh này gây nên, nhiều người đã lạm dụng thuốc giảm đau mà không biết rằng việc sử dụng loại thuốc này tuy hiệu quả nhanh nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể.

Nghĩ việc uống thuốc đơn giản, chị Phạm Thị Ngân (28 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) thường xuyên tự mua thuốc efferalgan sử dụng để cắt cơn đau khớp gối. Sau 3 năm, cơn đau khớp gối của chị Ngân tăng dần, cơ thể gầy yếu, khó di chuyển, không tự đứng lên, ngồi xuống. Gia đình đưa chị Ngân đến bệnh viện thăm khám, phát hiện chị Ngân bị tràn dịch khớp gối.

“Tôi được điều trị theo phác đồ thích hợp nên tình trạng đau khớp gối có giảm nhưng do thời gian tự ý sử dụng thuốc giảm đau lâu, dạ dày tôi bị viêm loét nặng phải nhập viện theo dõi, điều trị kết hợp 2 bệnh”, chị Ngân tâm sự.

Nhân viên nhà thuốc tự chẩn bệnh, kê đơn

Về vấn đề này, BS.CKII Kiều Mạnh Hà, Chủ nhiệm khoa Thần Kinh, Bệnh viện Quân y 7A, TPHCM, cho biết, hiện nhiều người vẫn sử dụng thuốc không theo toa của bác sĩ. Khi có các triệu chứng bệnh như cảm sốt, đau đầu, mệt mỏi, phù nề, dị ứng... người bệnh ngại đi khám ở các cơ sở y tế nên tự ý đi mua thuốc uống.

 BS.CKII Kiều Mạnh Hà, Chủ nhiệm khoa Thần Kinh, Bệnh viện Quân y 7A (TPHCM) đang thăm khám cho bệnh nhân. (Ảnh: Lâm Ngọc)

BS.CKII Kiều Mạnh Hà, Chủ nhiệm khoa Thần Kinh, Bệnh viện Quân y 7A (TPHCM) đang thăm khám cho bệnh nhân. (Ảnh: Lâm Ngọc)

“Mặt khác, các nhân viên nhà thuốc tự chẩn bệnh, kê đơn là không đúng vì việc sử dụng thuốc kháng sinh không qua thăm khám, kê đơn của bác sĩ chuyên khoa, không uống đúng chỉ định, liều lượng và tự ý chuyển loại thuốc… là những nguyên nhân làm cho vi khuẩn không bị tiêu diệt hoặc ngăn chặn dẫn đến điều trị thuốc kháng sinh không còn tác dụng”, BS Hà nói.

Theo BS Hà, điều đáng nói, rất nhiều bệnh nhân có thời gian tự dùng thuốc kháng sinh tại nhà không thuyên giảm mới vào viện gây khó khăn cho các bác sĩ trong lựa chọn kháng sinh điều trị và kéo dài thời gian nằm viện.

Đối với các trường hợp có bệnh lý xương khớp, việc sử dụng thuốc giảm đau phải có chỉ định của bác sĩ. Điều này nhằm đảm bảo an toàn, phù hợp và hiệu quả cho người bệnh. Với các bệnh nhân cao tuổi, nhiều bệnh nền đi kèm, nếu lạm dụng thuốc giảm đau nguy cơ gặp tương tác thuốc và các phản ứng có hại của thuốc cao.

Thống kê tại khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Quân y 7A, có khoảng 50% ca bệnh có liên quan đến lạm dụng thuốc giảm đau. Ngoài ra, còn có các biến chứng khác liên quan đến lạm dụng thuốc giảm đau như biến chứng tim mạch, gan - thận, nội tiết, xương khớp và biến chứng thần kinh.

BS Hà khuyến cáo, để phòng ngừa kháng thuốc kháng sinh, bác sĩ khuyến cáo người dân khi có biểu hiện sốt không nên tự ý mua thuốc sử dụng mà cần đến cơ sở y tế để thăm khám, xác định tình trạng bệnh do vi rút, vi khuẩn, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý cận ung thư… để có chỉ định dùng thuốc thích hợp.

“Khi được kê đơn thuốc, người bệnh cần tuân thủ uống đúng liều lượng, thời gian, không tự ý bỏ sớm hay kéo dài. Lưu ý, trong quá trình dùng thuốc kháng sinh nếu có bất thường, người bệnh phải đến bệnh viện tái khám để bác sĩ thăm khám, điều chỉnh liều lượng kháng sinh, tuyệt đối không tự ý thay đổi, mua thuốc ngoài hiệu thuốc", BS Hà nhấn mạnh.

Lâm Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/loet-hong-het-da-day-vi-tu-lam-bac-si-post692024.html