Loét thực quản: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

Loét thực quản là tình trạng tổn thương làm mất liên tục lớp niêm mạc thực quản. Nếu không can thiệp kịp thời, bệnh sẽ kéo theo nhiều biến chứng phức tạp, thậm chí đe dọa tính mạng của người bệnh.

1. Nguyên nhân gây loét thực quản

Thực quản là đoạn đầu của ống tiêu hóa, dẫn thức ăn từ hầu họng xuống đến dạ dày. Giống như những cơ quan khác trong cơ thể, thực quản cũng đối diện nhiều nguy cơ bị tổn thương.

Loét thực quản xảy ra khi lớp niêm mạc của thực quản bị ăn mòn. Lớp nhầy bảo vệ mất đi tạo điều kiện cho acid dạ dày và những dịch vị khác kích thích thành thực quản, gây viêm hoặc thậm chí hình thành vết loét ở thực quản.

Nguyên nhân gây loét thực quản chủ yếu là do trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ra bệnh loét thực quản. Những người bị trào ngược dạ dày thực quản thường xuyên bị trào ngược acid dạ dày. Trào ngược acid xảy ra khi dịch dạ dày di chuyển ngược vào thực quản. Điều này có thể xảy ra khi cơ vòng dưới thực quản (cơ có nhiệm vụ co chặt để ngăn thức ăn trong dạ dày di chuyển ngược) bị suy yếu hoặc hư hỏng nên không đóng khít thực quản được.

Nội dung

1. Nguyên nhân gây loét thực quản

2. Triệu chứng của loét thực quản

3. Loét thực quản có lây không?

4. Phòng ngừa loét thực quản

5. Điều trị loét thực quản

Vi khuẩn H. pylori cũng là nguyên nhân gây loét, do vi khuẩn tấn công trực tiếp vào các tế bào niêm mạc thực quản gây loét.

Việc dùng thuốc không đúng cách cũng gây tình trạng loét thực quản, vấn đề này thường xảy ra ở người cao tuổi. Nhiều người uống thuốc với ít nước hoặc không cần nước; uống thuốc ở tư thế nửa nằm nửa ngồi hoặc uống thuốc xong đi nằm ngay. Khi thuốc bị dính lại ở thực quản, nồng độ thuốc tan rã tại chỗ cao sẽ gây ảnh hưởng tới thành thực quản, làm bỏng thực quản và gây ổ viêm loét.

Viêm loét thực quản cũng hay gặp ở nữ, do các thuốc điều trị da liễu hoặc phụ khoa.

Ngoài ra, viêm loét thực quản còn có thể do nhiễm trùng, do mắc bệnh viêm thực quản trào ngược hoặc viêm thực quản dị ứng.

Những người có hệ miễn dịch suy yếu, thừa cân, béo phì, nghiện thuốc lá và bia rượu… cũng có thể mắc loét thực quản.

Theo thống kê tổn thương loét thực quản thường do bệnh trào ngược thực quản (chiếm tỉ lệ khoảng 2 - 7%) hay viêm thanh quản kéo dài do nấm, vi khuẩn... gây ra.

Loét thực quản là tình trạng tổn thương làm mất liên tục lớp niêm mạc thực quản.

Loét thực quản là tình trạng tổn thương làm mất liên tục lớp niêm mạc thực quản.

2. Triệu chứng của loét thực quản

Các triệu chứng phổ biến của loét thực quản là:

Đau, nóng rát sau xương ức.
Ợ nóng, ợ hơi.
Nuốt khó, đau khi nuốt.
Buồn nôn và nôn, đôi khi có thể nôn ra máu.
Đau bụng thượng vị.
Chán ăn, sụt cân.

Ngoài các triệu chứng trên có thể gặp các triệu chứng khác khi tình cờ phát hiện qua nội soi dạ dày thực quản.

Các biến chứng có thể phát sinh do bị loét thực quản bao gồm:

Chảy máu đường tiêu hóa trên do xuất huyết hoặc thủng loét dạ dày tái phát.
Hẹp thực quản.
Ung thư thực quản.
Vỡ thực quản.

Mặc dù bệnh loét thực quản không phải là vấn đề hiếm gặp, nhưng thực tế các vết loét trên thành thực quản không được điều trị có thể dẫn đến hàng loạt biến chứng sức khỏe nguy hiểm. Không những vậy sự hình thành của vết loét có thể để lại sẹo trên thành thực quản, từ đó làm thu hẹp con đường vận chuyển thức ăn xuống dạ dày.

Do đó bác sĩ khuyến nghị mọi người nên đến bệnh viện để kiểm tra ngay lập tức nếu bất kỳ biểu hiện khác thường nào dưới đây xuất hiện:

Sốt.
Ớn lạnh.
Nhịp tim nhanh.
Khó thở.
Nôn ra máu.
Đột ngột đau, tức ngực hoặc hụt hơi.

Mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm loét thực quản cũng như cơ địa ở mỗi người không giống nhau. Vì vậy tham vấn cùng bác sĩ sẽ giúp lựa chọn được phương pháp điều trị hiệu quả và thích hợp nhất.

3. Loét thực quản có lây không?

Loét thực quản không phải là bệnh lây nhiễm nên không lây, tuy nhiên tác nhân vi khuẩn H. pylori cũng là nguyên nhân gây loét, do vi khuẩn tấn công trực tiếp vào các tế bào. Vi khuẩn Hp là loại vi khuẩn có thể lây nhiễm từ người sang người. Và khả năng lấy nhiễm của vi khuẩn Hp rất cao. Tất cả mọi người trên thế giới đều có nguy cơ bị nhiễm loại vi khuẩn này nếu không cẩn thận phòng ngừa.

4. Phòng ngừa loét thực quản

Áp dụng một lối sống, sinh hoạt lành mạnh sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc phải tình trạng loét thực quản, cụ thể. Hạn chế căng thẳng, lo âu kéo dài bằng cách thường xuyên rèn luyện thể chất; Ngủ đúng giờ và đủ giấc; Chia nhỏ những bữa ăn, tuy nhiên cần đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất mỗi ngày cho cơ thể.

Cần chú ý uống thuốc với lượng nước đủ, tránh uống quá ít nước hoặc uống khi nằm, không uống thuốc xong rồi đi nằm ngay.

Lên kế hoạch giảm cân nếu đang trong tình trạng thừa cân, béo phì.

Uống nhiều nước: Bạn nên uống nhiều nước lọc, nước trái cây (hạn chế dùng nước ép đóng hộp) thay vì uống bia rượu để giải khát.

Không hút thuốc lá.

Tránh nhiễm vi khuẩn Hp, có thể chủ động phòng tránh cho bản thân và gia đình bằng các biện pháp dưới đây: Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi cầm nắm thức ăn. Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, bát, đũa… với người bị nhiễm Hp. Vệ sinh nhà cửa, diệt côn trùng (gián, ruồi, chuột...) thường xuyên để phòng tránh vi khuẩn lây lan. Không ăn thức ăn ngoài vỉa hè không đảm bảo vệ sinh, không ăn đồ ăn sống tái...

5. Điều trị loét thực quản

Điều trị loét thực quản hiệu quả ngay từ đầu là yếu tố then chốt trong việc ngăn ngừa các biến chứng nặng phát sinh. Những phương pháp điều trị có thể được chỉ định như:

Thuốc: Thuốc kháng acid, thuốc ức chế bơm proton (PPI), thuốc chẹn thụ thể H2, thuốc kháng sinh, thuốc kháng nấm, kháng virus…

Phẫu thuật: Phương pháp điều trị này chủ yếu dành cho các trường hợp nghiêm trọng hay người bệnh không đáp ứng tốt với điều trị nội khoa.

Người bệnh cần có chế độ ăn uống phù hợp: Điều này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi, cải thiện chức năng thực quản, hạn chế tái phát bệnh. Người bệnh nên tìm hiểu những loại thực phẩm nào gây dị ứng hoặc gây trào ngược acid, khó tiêu; xây dựng chế độ ăn đủ dưỡng chất gồm tinh bột, đạm, chất béo tốt, vitamin, khoáng chất nhằm tăng cường sức khỏe và sức đề kháng cho người bệnh.

Lưu ý, khi dùng thuốc chữa viêm loét thực quản, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định từ bác sĩ để đảm bảo vết loét được chữa lành hoàn toàn. Không tự ý mua thuốc và sử dụng tại nhà, vì có thể khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn.

ThS.BS Hà Mạnh Hùng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/loet-thuc-quan-nguyen-nhan-bieu-hien-cach-dieu-tri-va-phong-benh-16925040116240959.htm