Lý do khiến nhiều người níu kéo tình cũ
Ám ảnh mất mát trong chuyện tình cảm là lý do khiến nhiều người níu kéo tình cũ, dù biết có thể không được như ý. Họ coi mối tình đó như một vụ làm ăn và không chấp nhận thua lỗ.

Một số người coi chuyện tình cảm giống như một thương vụ làm ăn, chia tay đồng nghĩa với thua lỗ. Ảnh minh họa: tVN.
Tại sao những đau khổ trong quá khứ không biến mất mà cứ đeo bám chúng ta? Tại sao hiện tại hạnh phúc như vậy vẫn chẳng thể khiến chúng ta quên đi quá khứ đau khổ?
Xét từ góc độ kinh tế học, điều này là bởi mọi người đều có xu hướng sợ mất mát. Theo lý thuyết triển vọng của kinh tế học hành vi mà chúng ta đã đề cập ở phần trước, con người có độ nhạy cảm khác nhau đối với được và mất, nỗi đau do mất mát gây ra lớn hơn hạnh phúc cùng một lượng đó mang lại.
Tương tự với đồ vật, niềm vui có được nó không thể sánh bằng nỗi đau khi mất đi nó. Đây gọi là ám ảnh mất mát (loss aversion), con người thường cảm thấy khó chấp nhận mất mát hơn, nỗi đau do mất mát có sức ảnh hưởng gấp 2,5 lần so với niềm vui đạt được.
Ám ảnh mất mát phản ánh sự bất đồng trong sở thích mạo hiểm của mỗi người. Khi liên quan đến lợi ích, chúng ta ghét rủi ro; khi liên quan đến mất mát, chúng ta lại có nhu cầu mạo hiểm. Hãy thử làm một thí nghiệm để hiểu rõ hơn:
Tình huống 1: Đưa cho bạn một quả táo.
Tình huống 2: Đưa cho bạn hai quả táo, khi bạn ăn hết quả đầu tiên và chuẩn bị ăn quả tiếp theo thì nói rằng đã đưa thừa một quả cho bạn, nên lấy lại quả bạn đang định ăn.
Trong hai tình huống này, bạn thích tình huống nào hơn?
Tôi đoán đa phần mọi người đều chọn tình huống 1 và rất ghét tình huống 2. Kết quả của cả hai tình huống đều là bạn chỉ có được một quả táo. Tuy nhiên trong tình huống 2, mất đi một quả táo đã ảnh hưởng nghiêm trọng và kéo tụt cảm giác hạnh phúc khi có được một quả táo của bạn.
Nói một cách đơn giản, ám ảnh mất mát chính là cảm giác mất mát ảnh hưởng đến tâm lý con người nhiều hơn cảm giác có được. Giả sử bạn cố gắng hoàn thành đơn hàng để kiếm 100.000 tệ tiền mặt, bỏ nó vào túi và chuẩn bị đi ngân hàng gửi tiền. Trong quá trình đếm tiền, bạn phát hiện bên kia đã đưa thiếu 100 tệ mà khi giao dịch bạn không chú ý. Cảm xúc lúc này của bạn như thế nào?
Tôi đoán đa số mọi người sẽ đều nhớ đến sự kiện thiếu 100 tệ khiến mình không vui, thậm chí “ghim” đối phương vì thiếu trung thực, bất kể người ta cố ý hay vô tình, mà quên rằng nhờ giao dịch với đối phương nên mình mới kiếm được 100.000 tệ.
Tại sao lại xuất hiện xu hướng ám ảnh mất mát?
Các nhà tâm lý học tiến hóa cho rằng xu hướng ám ảnh mất mát có liên quan đến quá trình tiến hóa của con người. Sợ rắn hoặc sợ không gian rộng là những nỗi sợ phổ biến của con người. Thực tế chúng nằm trong cơ chế thích ứng nhằm giúp con người tăng tỷ lệ sống sót trong quá trình tiến hóa. Ám ảnh mất mát cũng tương tự như vậy.
Từ thời xa xưa con người đã phải đối mặt với rất nhiều điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và đấu tranh sinh tồn rất tàn khốc. Các đối tượng sợ mất mát cho thấy khả năng thích ứng tốt hơn so với các đối tượng không sợ mất mát.
Biểu hiện của ám ảnh mất mát trên phương diện tình cảm là khi một mối quan hệ kết thúc, mọi người thường quan tâm thái quá đến những gì mình đã bỏ ra như thời gian, sức lực, tiền bạc, không chấp nhận sự “đầu tư” vào nửa kia biến thành “tổn thất”, vì thế không thể buông bỏ.
Để thuyết phục bản thân, nội tâm chúng ta vẫn luôn cho rằng mình còn tình cảm với đối phương và có thể tái hợp, từ đó lựa chọn cố gắng níu kéo mối quan hệ này. Tiếc thay, tâm lý ám ảnh ấy sẽ chẳng giúp ta “gỡ gạc” được gì mà còn khiến ta mất nhiều hơn.
Thật ra bạn nên biết ơn vì bản thân đã sớm đưa ra lựa chọn quyết đoán và hợp lý, kịp thời dành thời gian, sức lực và tiền bạc cho đối tượng khác. Chẳng qua bạn chưa thoát khỏi ám ảnh mất mát thôi. Dù có một người yêu ưu tú hơn và không còn yêu người kia nữa, bạn vẫn không thể chấp nhận những gì mình đã mất đi (người mình từng dành nhiều tình cảm và quãng thời gian tươi đẹp).
Nguồn Znews: https://znews.vn/ly-do-khien-nhieu-nguoi-niu-keo-tinh-cu-post1544610.html