'Logic đáy' và mối quan hệ âm dương của vạn vật
Nhiều sự vật, sự việc, quan niệm trong thế giới này đều có bản chất giống nhau, nó chính là ý nghĩa sâu nhất của sự vật, hay logic đáy. Hiểu được bản chất, ta mới tỏ tường mọi sự.

Sự hài hòa âm dương là khởi sinh của vạn vận. Ảnh minh họa: S.R.
Warren Buffett từng nói có một cách để bạn thấu hiểu tường tận thế giới này, đó là: Trước tiên hãy nghiên cứu kỹ mọi yếu tố trong lĩnh vực hiện tại của mình và tìm ra logic đáy của nó. Chỉ cần làm được điều này, bạn sẽ dễ dàng nắm bắt được vấn đề trong các lĩnh vực khác.
Logic đáy là quy luật vận hành cơ bản của sự vật, chính là “Đạo” mà Lão Tử đã nói đến.
Mỗi lĩnh vực trên thế giới lại có kiến thức chuyên môn riêng, nhưng logic đáy của tất cả các lĩnh vực đều giống nhau, càng đào sâu càng chạm đến tầng cuối cùng, càng gần logic đáy thì càng đơn giản, bởi chạm đến logic đáy là đã tìm ra quy luật. Quy luật thì không phân biệt ngành nghề, nó là chìa khóa đa năng có thể áp dụng được với tất cả các lĩnh vực.
Hãy nhớ rằng, chỉ cần nắm vững logic đáy của ngành nghề mình đang làm việc, bạn có thể hiểu rõ nhiều ngành khác. Kiến thức và kỹ năng có thể được chia thành các lĩnh vực, nhưng quy luật và bản chất thì không.
Một khi nắm bắt được logic đáy của sự vật, bạn có thể nhìn thấy cả một vùng biển lớn qua một giọt nước, một cánh rừng qua một cái cây và một sa mạc qua một hạt cát. Nếu nắm trong tay khả năng này, bạn có thể nhìn thấu bản chất của nhiều sự việc và tự do chuyển đổi giữa nhiều lĩnh vực.
Điều Buffett muốn nói là: Nếu bạn không thể hiểu được thế giới này thì đó là vì bạn vẫn chưa hiểu rõ lĩnh vực của mình. Chỉ cần đào sâu đến logic đáy của lĩnh vực mình đang làm, bạn sẽ nhìn thấy bản chất của cả thế giới.
Những người nắm vững logic đáy sẽ có mô hình tư duy lành mạnh và cởi mở. Có một câu nói: “Nếu không suy nghĩ thấu đáo thì mọi nỗ lực đều chỉ là vô ích.”
Tương tự, nếu không có tư duy lành mạnh, mọi suy nghĩ sâu sắc đều là vô nghĩa. Phương thức tư duy lành mạnh nhất được gói gọn trong bốn từ: “Tư duy biện chứng”.
Vậy tư duy biện chứng là gì?
Trong Kinh dịch có viết: “Một âm - một dương, gọi là Đạo”, nghĩa là một mặt âm và một mặt dương mâu thuẫn đối lập, chuyển hóa lẫn nhau, gọi là quy luật.
Mô hình tư duy của các bậc cao nhân giống như Thái cực đồ, nửa âm nửa dương. Nghĩa là họ rất giỏi nắm bắt hai mặt mâu thuẫn của sự vật, cũng có khả năng tìm ra sự đối lập và thống nhất giữa hai mâu thuẫn này. Ví dụ như:
Thế nào là tình yêu? Là thể hiện mặt tốt của bạn theo cách đối phương cần, chứ không phải áp đặt đối phương theo cách bạn cho là tốt.
Thế nào là giao tiếp? Là diễn đạt suy nghĩ của bạn theo ngôn ngữ của đối phương, chứ không phải bằng ngôn từ của chính bạn.
Thế nào là tranh luận? Là chứng minh quan điểm của bạn theo logic của đối phương, chứ không phải theo logic của bạn.
Thế nào là ấn tượng tốt? Là để người khác đánh giá bạn xuất sắc như thế nào, chứ không phải tự chứng minh bản thân xuất sắc.
Thế nào là thấu hiểu? Là đứng trên lập trường của đối phương để nhìn lại quan điểm mình đưa ra, chứ không phải dựa vào lập trường của bản thân để nhấn mạnh cảm nhận của mình.
Nguồn Znews: https://znews.vn/logic-day-va-moi-quan-he-am-duong-cua-van-vat-post1545514.html