Logistics chuyển đổi xanh bằng xe tải điện mặt trời, robot
Các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tái cấu trúc mô hình kinh doanh để bắt kịp xu hướng phát triển toàn cầu.
Hàng loạt doanh nghiệp logistics triển khai chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đã bắt đầu thu được kết quả tích cực giúp vừa tăng khả năng cạnh tranh, vừa tiết kiệm chi phí.
Vận tải bằng xe điện mặt trời, robot
Ông Đinh Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel Post chia sẻ tại Hội nghị Logistics Việt Nam năm 2024 tổ chức mới đây (31-10), công ty đặt mục tiêu chuyển phát 20 triệu đơn hàng mỗi ngày, kết hợp phát triển bền vững thông qua việc trang bị xe tải điện mặt trời và ứng dụng công nghệ trong giám sát, vận hành kho thông minh.
Theo ông Sơn, trong bối cảnh hiện nay, nếu không thực hiện nhanh và ngay các tiêu chí để chuyển đổi xanh ngành logistics thì trong tương lai, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, dần bị đào thải khỏi các hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu.
"Công ty cũng đưa hệ thống robot vào hoạt động, từ đó năng suất của khu vực lựa chọn tăng lên đáng kể. Bởi hiệu quả của robot có thể làm đêm làm ngày trong các nhà kho, tiết giảm được chi phí giao phát khoảng 40%. Việc số hóa, tự động hóa, tối ưu quy trình sẽ cắt giảm được đáng kể chi phí giao hàng để phục vụ khách hàng tốt hơn"- ông Sơn chia sẻ.
Công ty PPL cũng đã đầu tư trang thiết bị vận tải đặc chủng từ châu Âu để đáp ứng năng lực vận chuyển các cấu kiện siêu trường, siêu trọng đặc thù như chân đế điện gió ngoài khơi, tuabin và các linh kiện điện gió, máy biến áp…
PPL đã đầu tư thiết bị vận tải hàng siêu trường, siêu trọng tiên tiến nhất thế giới, năng lực vận chuyển các cấu kiện hàng rất lớn, để đón đầu nhu cầu vận tải của ngành năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, PPL đã và đang thực hiện đào tạo chuyên sâu, hợp tác chuyển giao công nghệ vận tải.
Đại diện Tập đoàn ITL cho biết, doanh nghiệp đã có giải pháp logistics chuyển đổi xanh như sử dụng phương tiện vận tải bằng điện, điện mặt trời, điện gió hoặc các phương tiện có hiệu suất cao hơn chuẩn Euro 5.
Cụ thể, nhờ tối ưu hóa công nghệ tiên tiến vào vận hành, lắp đặt hệ thống điện mặt trời, kết hợp vận chuyển bằng xe tải và sà lan... mà tập đoàn ITL đang thực hiện không chỉ giúp giảm khí thải, mà còn tăng tính cạnh tranh.
Theo ông Ben Anh, CEO tập đoàn ITL, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần chuyển đổi số lẫn chuyển đổi xanh, đầu tư các công nghệ như IoT, AI, blockchain hay Big data sẽ giúp theo dõi và quản lý hàng hóa, tăng tính minh bạch và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
"Sự kết hợp giữa logistics xanh và logistics thông minh không chỉ góp phần xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả, mà còn tạo ra giá trị bền vững lâu dài cho ngành logistics Việt Nam, mở rộng cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu”- ông Anh chia sẻ.
Cần tiếp sức
Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics (VLA), cho biết các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và tái cấu trúc mô hình kinh doanh để bắt kịp xu hướng phát triển toàn cầu. Đầu tư vào công nghệ mới, cải tiến quy trình vận hành và tăng cường liên kết trong hệ sinh thái logistics là yếu tố quyết định để các doanh nghiệp bứt phá. Chuyển đổi xanh để tăng tốc, bứt phá logistics là xu thế tất yếu.
Theo ông Khoa, Chính phủ cần đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, thông qua việc đẩy nhanh quá trình số hóa trong quản lý logistics, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng hạ tầng. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp logistics trong nước có thêm động lực và điều kiện để phát triển mạnh mẽ hơn.
Chia sẻ bài học chuyển đổi xanh phát triển logistics của Trung Quốc, Tiến sĩ Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPortTM, cho biết từ năm 2000, tới năm 2008, Trung Quốc đã cho thấy bức tranh rất phát triển. Cách tiếp cận của họ là tăng cường “kết nối” toàn cầu thông qua hệ thống giao thông đường thủy, hàng hải, đường bộ… chiến lược rất rõ ràng để thúc đẩy cơ sở hạ tầng quan trọng khắp Đông Nam Á. Có ba động lực để thúc đẩy sự phát triển ngành logistic của Trung Quốc, đó là tốc độ tăng tốc, tăng cường công nghệ và tính mở rộng.
Trong đó, chuyển đổi công nghệ cung cấp giải pháp tạo hiệu quả cao tạo đòn bẩy hữu hiệu cho logistics cắt giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh. Về tính mở rộng, Tiến sĩ Yap Kwong Weng thông tin, bên cạnh nguồn lực khổng lồ để có thể mở rộng doanh nghiệp, Chính phủ Trung Quốc còn đưa ra nhiều nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp, từ đó tăng khả năng đạt mục tiêu chiến lược trong các ngành.
Nguồn PLO: https://plo.vn/logistics-chuyen-doi-xanh-bang-xe-tai-dien-mat-troi-robot-post817765.html