Logistics xanh: Chuỗi cung ứng thực phẩm cần làm gì?

Logistics xanh đang là xu hướng và sẽ trở thành yêu cầu của chuỗi cung ứng ngành thực phẩm. Tuy nhiên việc đáp ứng các tiêu chuẩn logistics xanh ở Việt Nam hiện gặp nhiều thách thức.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Logistics xanh từ xu hướng đến thực tiễn vai trò trong sản xuất - xuất khẩu thực phẩm do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức, chiều 28/6.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó giám đốc ITPC phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Ông Nguyễn Tuấn, Phó giám đốc ITPC phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Ông Nguyễn Tuấn, Phó giám đốc ITPC cho biết, năm 2023, ngành logistics phải đối mặt với những hệ lụy do ảnh hưởng của áp lực lạm phát và rủi ro suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, tác động mạnh mẽ đến tình hình xuất nhập khẩu và hoạt động logistics.

Bên cạnh đó, xu hướng xanh hóa hoạt động thương mại, xanh hóa logistics... dần trở thành yêu cầu tất yếu, tạo ra tiêu chuẩn cao hơn, đồng nghĩa với việc thêm chi phí nhiều hơn cho hoạt động thương mại và logistics.

Các chuyên gia trao đổi thông tin tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Các chuyên gia trao đổi thông tin tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Theo ông Nguyễn Tuấn, hiện nay logistics xanh là mắt xích quan trọng để "xanh hóa" chuỗi cung ứng, hướng tới lộ trình phát triển bền vững. Trước bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thân thiện môi trường và xu hướng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đang diễn ra trên toàn cầu, logistics xanh cũng ngày càng được doanh nghiệp quan tâm và đầu tư một cách chuyên nghiệp.

Với ngành công nghiệp thực phẩm tại Việt Nam, logistics xanh đóng một vai trò quan trọng giúp đảm bảo việc vận chuyển sản phẩm thực phẩm hiệu quả và bền vững, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Việc "xanh hóa" ngành logistics và ứng dụng logistics xanh cũng như đa dạng các giải pháp "xanh hóa" logistics trên các phương diện như vận tải xanh, bao bì xanh, kho bãi xanh, quản lý dữ liệu logistics xanh... vào kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng trưởng bền vững...

Tiến sĩ Tôn Thất Tú, chuyên gia tư vấn quốc tế về logistics thông tin về xu hướng logistics xanh tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Tiến sĩ Tôn Thất Tú, chuyên gia tư vấn quốc tế về logistics thông tin về xu hướng logistics xanh tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Tuy nhiên, ông Tôn Thất Tú, chuyên gia tư vấn quốc tế về logistics cho rằng, hiện tại để phát triển logistics xanh ở Việt Nam còn rất nhiều thách thức. Cụ thể, vận tải đường bộ đang chiếm tỷ trọng cao lên đến 74,4% tổng khối lượng vận tải, xu hướng chuyển dịch sang các phương tiện khác như đường sắt, đường thủy chưa rõ nét. Phần lớn doanh nghiệp trong ngành logistics Việt Nam đều có quy mô vừa và nhỏ hoạt động độc lập, thiếu sự phối hợp và tiêu chuẩn hóa trong các dịch vụ logistics.

Nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics tại Việt Nam thiếu các năng lực công nghệ và chuyên môn cần thiết để cung cấp các dịch vụ logistics chất lượng cao, quản lý tồn kho kém và chậm giao hàng dẫn đến hiệu quả thấp và tăng chi phí. Mặt khác, dù Việt Nam đã đầu tư đáng kể vào phát triển hạ tầng, tuy nhiên vẫn còn những khu vực hạ tầng không đủ hoặc cần cải thiện.

Hội thảo “Logistics xanh: Từ xu hướng đến thực tiễn và vai trò trong sản xuất - xuất khẩu thực phẩm”. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Hội thảo “Logistics xanh: Từ xu hướng đến thực tiễn và vai trò trong sản xuất - xuất khẩu thực phẩm”. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Theo ông Tôn Thất Tú, với ngành thực phẩm, logistics xanh có thể giúp cải thiện an toàn và chất lượng thực phẩm. Điều này đặc biệt quan trọng ở Việt Nam, nơi an toàn thực phẩm vẫn còn là một vấn đề lớn đối với cả người tiêu dùng và nhà sản xuất.

Hơn nữa, logistics xanh có thể giúp giảm chi phí vận chuyển và tăng hiệu quả trong chuỗi cung ứng bằng cách tối ưu hóa tuyến đường giao hàng và giảm số lượng xe tải trống hoặc chở hàng nửa chừng trên đường, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm nhiên liệu và chi phí vận chuyển, đồng thời giảm tắc đường và ô nhiễm do giao thông.

Ông Ngô Quang Trung, Giám đốc các hệ thống vận hành và công nghệ thông tin - Công ty Lineage Logistics Vietnam chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Ông Ngô Quang Trung, Giám đốc các hệ thống vận hành và công nghệ thông tin - Công ty Lineage Logistics Vietnam chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Các chuyên gia cho rằng, để cải thiện ngành logistics tại Việt Nam cần có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng từ đường bộ, đường sắt, sân bay và cảng để tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa trên toàn quốc. Các bộ, ngành cần đơn giản hóa quy định và giảm thủ tục hành chính tạo ra rào cản đối với nhà cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa; khuyến khích các cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa đổi mới, áp dụng các phương thức vận tải thân thiện với môi trường hơn, chẳng hạn như sử dụng các phương tiện điện hoặc giảm thiểu lượng chất thải đóng gói. Điều này sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động logistics bền vững và giảm thiểu tác động của ngành công nghiệp này đến môi trường.

Về phía doanh nghiệp logistics và cả doanh nghiệp thực phẩm, cần chủ động chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ mới như tự động hóa kho, hệ thống quản lý vận tải và trao đổi dữ liệu điện tử (EDI) để cải thiện hiệu quả và độ chính xác của hoạt động vận tải hàng hóa cũng như chuỗi cung ứng mà vẫn tối ưu về chi phí./.

Xuân Anh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/logistics-xanh-chuoi-cung-ung-thuc-pham-can-lam-gi/297297.html