Logistics xanh là yêu cầu tất yếu
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã và đang phát triển mạnh vận tải đường thủy để giảm phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số để tối ưu hóa hoạt động, giảm thời gian chờ đợi và giao nhận vận tải cho khách hàng. Phát triển logistics xanh không còn là xu hướng mà dần trở thành yêu cầu tất yếu đối với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đã quan tâm tới logistics xanh
Tại tọa đàm "Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh" do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) phối hợp Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức chiều 9.7, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh cho biết: Theo kết quả khảo sát của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của VCCI, chuyển đổi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị theo hướng bền vững hơn là xu thế cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đang rất quan tâm và dành nhiều ưu tiên.
Quản lý chuỗi cung ứng xanh gắn liền với quản trị các mắt xích, bao gồm thiết kế xanh, sản xuất xanh, vận hành xanh, thu mua xanh, logistics xanh… sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, năng lực vận hành, đồng thời hình thành nên hệ sinh thái xanh, tạo lợi thế cạnh tranh và gia tăng khả năng thích ứng, phục hồi của doanh nghiệp trước các cú sốc của thị trường.
Phát triển logistics xanh không còn là xu hướng mà dần trở thành yêu cầu tất yếu, ông Vinh nhấn mạnh. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đặt mục tiêu “xanh hóa” các ngành kinh tế, trong đó giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan phát triển logistics xanh. Nghị quyết 163/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam cũng xác định “phát triển logistics gắn với chuỗi cung ứng bền vững”.
Hiện, trên thế giới, nhiều doanh nghiệp logistics lớn như các hãng tàu, doanh nghiệp cảng biển… đã có lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh sớm hơn lộ trình của các quốc gia đã cam kết. Tại Việt Nam, phát triển chuỗi cung ứng xanh, logistics xanh đã được cụ thể hóa trong hoạt động của doanh nghiệp.
Đơn cử, tại Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Giám đốc marketing Trương Tấn Lộc cho biết, doanh nghiệp đã phát triển mạnh vận tải đường thủy, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi số để tối ưu hoạt động, giảm thời gian chờ đợi và giao nhận vận tải cho khách hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn chuyển đổi năng lượng từ sử dụng nguồn điện truyền thống sang điện mặt trời. Với việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, Tân Cảng Sài Gòn đang hướng đến xây dựng cảng bán tự động và tự động.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Logistics Hải Phòng, Giám đốc Công ty CP Vận tải container ven biển Macstar (Macstar Lines) Lê Mạnh Cương chia sẻ, thời gian qua, hiệp hội đã tiên phong chuyển đổi mô hình vận tải từ đường bộ sang đường thủy nội địa bằng việc đóng hai phương tiện đặc thù để thực hiện chạy đường ven biển. Biện pháp này không những cắt giảm quãng đường di chuyển mà còn hỗ trợ giảm phát thải. Bên cạnh đó, hiệp hội nghiên cứu phát triển trồng rừng để thu tín chỉ carbon nhằm bù đắp lại các chi phí trong chuyển đổi xanh…
Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi
Theo Phó Chủ tịch Thường trực VLA Đào Trọng Khoa, ngành vận tải đóng góp 24% lượng khí thải toàn cầu. Trong bối cảnh đó, hành trình tiến tới logistics xanh và thích ứng nhanh sẽ đóng góp vào quá trình giảm thải carbon của ngành logistics, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn cam kết của Chính phủ Việt Nam về hành trình tiến tới phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Mặc dù xác định chuyển đổi xanh mang tính tất yếu, không còn là lựa chọn mà là bắt buộc cho các doanh nghiệp logistics trong bối cảnh mới, song, với đại đa số doanh nghiệp trong ngành có quy mô nhỏ và vừa, điều này không đơn giản.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Trần Thanh Hải lưu ý, ngành logistics cần hướng tới việc chuyển đổi năng lượng các phương tiện vận tải sử dụng. Hiện nay, các phương tiện vận tải hành khách cỡ nhỏ đã bước đầu sử dụng năng lượng tái tạo, song các phương tiện vận tải hàng hóa, vận tải lớn vẫn chưa chuyển đổi.
Cùng với đó, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm năng lượng bằng cách sử dụng các phương tiện có hiệu suất cao hơn và năng cao hiệu suất, hiệu quả trong quy trình làm việc. Các cơ quan quản lý cần tạo thuận lợi thương mại, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Theo Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh, Chính phủ cần xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường. Chính phủ cũng cần có thêm chính sách khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, như: ưu đãi về thuế; khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải đường bộ; khuyến khích thay đổi phương thức vận tải theo mô hình vận tải đa phương thức; xây dựng tín dụng carbon để bảo vệ và kiểm soát lượng khí thải nhà kính… Những doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư phát triển logistics xanh, thậm chí đã xác định mục tiêu phát triển logistics xanh trong chiến lược của mình, cần thường xuyên rà soát nội dung chiến lược và tình hình phát triển để có điều chỉnh phù hợp.