Lời Bác sáng trong lòng dân: Kỳ cuối: Mãi xứng đáng với lời khen của Bác
BHG - Qua bao thăng trầm của lịch sử, ngày nay trên những vùng quê cách mạng, cùng hành trình xây dựng Nông thôn mới không có điểm dừng, bằng bàn tay, khối óc, sức sáng tạo trong lao động, sản xuất của người dân, các xã Vĩ Thượng, Xuân Giang, Tiên Yên, Bằng Lang đang kiến tạo những ngôi làng kiểu mẫu với gam màu của sự no ấm, trù phú, xứng tầm vùng động lực của huyện Quang Bình.
Những điểm sáng toàn diện
Đi thăm cánh đồng Hạ Thành, vùng sản xuất lương thực trọng điểm của xã Bằng Lang, lúa đang kỳ đẻ nhánh, thêm những cơn mưa càng xanh tốt. Ông Nguyễn Văn Ty, Trưởng thôn say xưa kể rằng: “Từ đời xa xưa, người dân ở đây đã trồng lúa nước nhưng diện tích không đáng kể. Sau Cách mạng Tháng Tám, người nông dân được làm chủ ruộng đất đã khai hoang, phục hóa, qua từng năm đất trồng lúa tăng dần. Ngoài trồng lúa, người dân còn làm thêm các nghề khác như đan lát, dệt vải, chăn nuôi gia súc, gia cầm, song cây lúa vẫn được xác định là chủ lực, việc đầu tư, thâm canh tăng năng suất lúa là nhiệm vụ quan trọng của địa phương”.
Nhớ lời Bác dặn: “Muốn sản xuất tốt phải có đủ nước, nhiều phân bón và cải tiến nông cụ”, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh, Hạ Thành đã xung phong đi đầu trong chương trình dồn điền, đổi thửa. Các hộ có ruộng dồn điền đều được phân chia công bằng, ưu tiên xây dựng nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng, các công trình kênh mương thủy lợi, đảm bảo tưới, tiêu khoa học. Trên cánh đồng lớn sử dụng cùng một giống lúa chất lượng cao, cùng một thời điểm gieo cấy, thu hoạch. Nhờ các biện pháp đồng bộ, đến nay năng suất lúa tăng cao vượt trội, ước đạt 62 - 65 tạ/ha. Sau những mùa vàng bội thu, người dân ngày thêm gắn bó với đồng ruộng, một số xã vùng thấp của huyện Quang Bình đã nhân rộng mô hình dồn điền, đổi thửa, áp dụng mạ khay, máy cấy, liên kết cung ứng, xây dựng thương hiệu lúa, gạo trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng.
Không chỉ là vựa lúa, đánh thức tiềm năng, khát vọng làm giàu, người nông dân đã mạnh dạn làm đẹp khu vườn của mình bằng những cây, con có giá trị kinh tế cao hơn. Miền quê Yên Thượng (Vĩ Thượng) là một điển hình. Đến nay, thôn trở thành điểm cải tạo vườn tạp của huyện với trên 150 hộ tham gia phát triển kinh tế vườn hộ. Trên mảnh đất không nghỉ, các loại cây như: Cam, bưởi, nhãn, Thanh long bốn mùa xanh ngát, xum xuê, trĩu quả, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Ấn tượng là nhà vườn trồng hoa, cây cảnh của anh Nguyễn Xuân Hải; vườn Thanh long ruột đỏ của ông Phạm Công Vĩnh; gia trại nuôi lợn, gà của anh Nguyễn Xuân Nhất. Những khu vườn kiểu mẫu đầy sức sống vừa làm đẹp cho Nông thôn mới, vừa mang đến triển vọng phát triển các mô hình canh tác theo hướng nông nghiệp sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với lộ trình phát triển nông nghiệp bền vững, nhằm đa dạng sinh kế cho người dân, các địa phương đã quan tâm, chú trọng hơn đến đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Chì, xã Xuân Giang là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố văn hóa của đồng bào dân tộc Tày. Bên những nếp nhà sàn xinh xắn nằm xen giữa núi rừng hoang sơ và những cánh đồng lúa xanh mướt, vùng đất này đã lôi cuốn du khách bằng nét đẹp văn hóa riêng biệt, mộc mạc, bình dị. Để giữ nguyên vẹn nét văn hóa đó, thôn Chì hiện duy trì rất tốt câu lạc bộ hát Then, đàn Tính, nghề đan lát, thêu dệt, gian hàng trưng bày trang phục, nhạc cụ, nông cụ, trò chơi dân gian nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh với du khách. Một điều nữa khiến du khách nhớ mãi đó chính là những món ăn truyền thống như: Cơm lam, rêu đá, thịt lợn hun khói, mang hương vị đậm đà không thể thiếu của người Tày.
Đi lên từ làm du lịch, ông Hoàng Văn Mới, thôn Chì cho hay: “Gia đình làm dịch vụ du lịch từ năm 2009 với các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi cho du khách. Những năm gần đây, khách du lịch trong và ngoài nước đến thôn Chì đông hơn. Để đáp ứng sự phát triển du lịch, chúng tôi được tham gia các lớp tập huấn, tham quan, học tập kinh nghiệm tại nhiều nơi, được tham gia trưng bày các sản phẩm nông sản và du lịch tại các triển lãm, hội chợ. Với cách làm bài bản, cộng đồng dân cư đều có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên cũng như nét văn hóa độc đáo để mở rộng loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, đem đến lợi ích lâu dài, bền vững cho người dân”.
Xứng đáng là vùng động lực huyện Quang Bình
Là chiếc nôi quê hương cách mạng, trong từng giai đoạn xây dựng, trưởng thành và phát triển, cả 4 xã nói trên đều để lại những dấu ấn quan trọng, thu được nhiều thành tựu vẻ vang toàn diện trong các lĩnh vực. Đồng chí Vũ Mạnh Tiềm, Chủ tịch UBND xã Bằng Lang cho biết: “Tính đến nay, tốc độ tăng giá trị sản xuất trên địa bàn xã luôn ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển. Toàn xã có trên 80 hộ sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng hóa. Dự kiến đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/năm. Xác định từng nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá, xã đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, du lịch, dịch vụ; từng bước xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng Nông thôn mới”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhận diện những hạn chế, thách thức cơ bản về sản xuất nông nghiệp còn thấp, quy mô nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng, giá trị chưa cao, chưa tương đồng với đặc điểm tự nhiên, điều kiện phát triển. Cùng với đó, thu hút đầu tư, sự liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác còn yếu, năng lực tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất còn chậm. Thực tế đã chứng minh, muốn đi xa phải đi cùng nhau, các xã mong muốn cần những giải pháp mang tầm chiến lược cho những năm tiếp theo theo hướng đồng bộ, kết nối hài hòa để thực sự là điểm sáng dẫn dắt các vùng lân cận phát triển.
Đồng chí Nguyễn Công Sự, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quang Bình khẳng định: Thư khen của Bác gửi 4 xã của huyện Quang Bình được Bác viết ngắn gọn, hàm xúc, dễ hiểu, dễ nhớ, bao gồm 103 chữ thể hiện tình cảm của Đảng, của Bác ghi nhận sự đóng góp, ủng hộ kháng chiến của nhân dân. Vẹn nguyên lời khen và những lời căn dặn của Người khi lên thăm Hà Giang, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện luôn coi đây là “kim chỉ nam”, niềm tin, chân lý, có ý nghĩa lịch sử và giá trị vĩnh cửu cho muôn đời sau. Vang mãi lời kêu gọi thi đua yêu nước và những điều mong mỏi, kỳ vọng của Bác, trong ngôi nhà chung của 12 dân tộc, với sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết, toàn huyện sẽ quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao; không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với khẩu hiệu “Mỗi người hãy hành động vì huyện Quang Bình phát triển”.