Lời ca bay trong lửa đạn
Trong hành trang của bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, bên cạnh sức trẻ, niềm tin còn có tiếng hát. Trong bom rơi lửa đạn, những lời ca, tiếng hát chính là 'liều thuốc tinh thần' động viên, khích lệ mọi người cùng vượt qua khó khăn nơi chiến trường khắc nghiệt.
Tràn niềm tin trong muôn gian lao
Đường Trường Sơn - con đường huyền thoại ghi dấu ấn những năm tháng thanh xuân bất khuất không thể nào quên của hàng triệu người con đất Việt trên đường vào chiến trường đánh Mỹ. Ở đó hình ảnh những anh bộ đội khoác ba lô vượt núi băng rừng, những người lính lái xe, giao liên, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến… làm nhiệm vụ mở đường xuất hiện trong nhiều tác phẩm âm nhạc. Nhớ lại thời gian hơn hai năm thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đường này, bà Thân Thị Tiến ở tổ dân phố 2A, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) nói: “Chúng tôi có một quá khứ rất tự hào, nhắc đến là rơi nước mắt”.
Bà kể: "Tháng 8/1973, khi ấy tôi vừa tròn 18 tuổi, chưa chồng, xin đi vào Trường Sơn. Đợt ấy cả tỉnh Hà Bắc có 500 nữ thanh niên xung phong, riêng huyện Việt Yên có hẳn một tiểu đoàn nữ Trường Sơn với 50 người. Đúng là “Miền Nam tha thiết gọi cả nước ta lên đường”, với tinh thần phơi phới, chúng tôi vượt núi rừng tiến vào Trường Sơn, hành quân đến tỉnh Quảng Trị, tôi được biên chế vào Binh chủng công binh mở Con đường 20 Quyết thắng. Khó mà tả hết nỗi gian khổ, chúng tôi ngày đêm bám trụ, đội bom hứng đạn với đầy ắp những chiến tích và cả những hy sinh không sao diễn tả hết để giữ cho “mạch máu” giao thông trên đường Trường Sơn được thông suốt".
Bom đạn gian khổ là một lẽ, mưa rừng dai dẳng, những con vắt khát máu bò lên người khiến chị em vô cùng sợ hãi. Công việc mở đường, san lấp hố bom khó khăn, mỗi chị em chỉ có 2 bộ quần áo, đói lấy măng, rau rừng để ăn, cơm chan với nước mưa, vừa làm vừa tránh bom đạn của kẻ thù. “Khó khăn là thế nhưng chúng tôi tự nhủ phải vượt qua. Ai cũng chuẩn bị cho mình một cuốn nhật ký và một quyển sổ hát, cứ có thời gian là chép bài hát vào sổ để rồi cùng hát. Hát để quên đi nỗi nhớ gia đình, hát để quên đi những nỗi vất vả, hiểm nguy, hát để át đi tiếng bom đạn và hát để lạc quan tin tưởng vào ngày miền Nam giải phóng” - bà Tiến xúc động nói.
Tôi gặp bà Dương Thị Quang ở tổ dân phố Cung Nhượng 2, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) trong một hội diễn văn nghệ do Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức. Ở tuổi 70, bà vẫn giữ được giọng ca “vàng”, sôi nổi như thời thanh niên xung phong. Gợi lại những kỷ niệm, bà kể: “Tôi và bà Tiến cùng đi thanh niên xung phong một ngày, cùng lên chuyến tàu xuất phát từ ga Sen Hồ ngày ấy. Trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, thời tiết khắc nghiệt, chúng tôi kiên cường bám trụ để mở, giữ đường cho xe lăn bánh hướng tới chiến trường miền Nam.
Thời ấy, đơn vị ban ngày đi làm nhưng cứ tối đến là họp (trừ Chủ nhật), mà họp là phải có văn nghệ. Tôi là người đam mê ca hát nhưng lúc đó nhạc cụ thiếu thốn, nhiều bữa tình nguyện nhịn ăn để đến trước “giành” lấy cây đàn rồi nghêu ngao học hát. Sinh hoạt chi đoàn, chị em hào hứng lấy thìa, lấy 2 vung xoong đập vào nhau làm nhạc cụ, vui lắm!". Gắn bó tuổi xuân ở đây bằng tấm lòng yêu nước, sau này khi hoàn thành nhiệm vụ trở về quê nhà, từng cung đường, ngọn núi, dòng sông trên đường Trường Sơn lịch sử luôn hiện hữu trong trái tim bà.
Mỗi lời ca tiếng hát cất lên đều là tinh thần yêu nước, là lý tưởng của tuổi trẻ. Hình ảnh những cô gái giao liên trẻ trung, những thanh niên xung phong yêu đời và những đoàn quân nối tiếp những đoàn quân hừng hực khí thế được hiện rõ.
Mỗi lời ca tiếng hát cất lên đều là tinh thần yêu nước, là lý tưởng của tuổi trẻ. Hình ảnh những cô gái giao liên trẻ trung, những thanh niên xung phong yêu đời và những đoàn quân nối tiếp những đoàn quân hừng hực khí thế được hiện rõ.
“Dừng ở chân đèo mà nghe suối hát. Ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi"; “Ơi cô gái Trường Sơn. Bao đêm em đi mở đường. Cho từng chuyến xe anh qua. Vang giọng hát em ngân xa...". Chính những hình ảnh đẹp ấy, lời ca tiếng hát ấy đã tiếp thêm tinh thần cho người chiến sĩ để rồi: "Đi ta đi những trai làng Phù Đổng, còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân"; “Tràn niềm tin trong muôn gian lao. Đường tiền phương xe anh thẳng tới”…
Vang mãi bản hùng ca Trường Sơn
Nhằm ôn lại những ký ức của một thời hoa lửa và giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, theo nguyện vọng của nhiều nữ thanh niên xung phong Bắc Giang trên con đường Trường Sơn huyền thoại, năm 2007, “Đội văn nghệ xung kích nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Bắc Giang” được thành lập với 12 hạt nhân. Các thành viên có mặt biểu diễn miễn phí ở hầu hết các cuộc gặp mặt, các đại hội, hội diễn, liên hoan văn nghệ liên quan đến cựu chiến binh các cấp trong tỉnh. Các ca khúc đều là những bài ca đi cùng năm tháng, những câu chuyện lịch sử gắn liền với con đường Trường Sơn huyền thoại, đến cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam.
Tự hào khoác lên mình bộ quân phục trang nghiêm, dù đứng trên sân khấu hoành tráng hay biểu diễn giữa Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị), Nhà tù Phú Quốc, Bến phà Long Đại (Quảng Bình) lịch sử hay ven đường Trường Sơn huyền thoại… thì chị em vẫn tự tin say sưa cất những lời ca, tiếng hát ca ngợi sự trẻ trung, yêu đời, yêu nước của bộ đội Trường Sơn năm nào.
Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh bộc bạch: "Thời bom đạn đã qua, có lẽ những người trong cuộc mới bộc lộ được hết nỗi niềm, cảm xúc thông qua lời ca, tiếng hát. Vì vậy, các tiết mục biểu diễn của Đội văn nghệ đa phần là những bài ca đi cùng năm tháng được dàn dựng công phu, có minh họa, gây xúc động mạnh cho người xem và cả người diễn". Tất nhiên, những ca khúc về Trường Sơn sẽ không thể thiếu trong mỗi chuyến lưu diễn của Đội văn nghệ như: "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân", "Đêm Trường Sơn nhớ Bác", "Cô gái mở đường", "Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây", "Bài ca bên cánh võng", "Đường Trường Sơn xe anh qua"…
Mới đây vào ngày 14/4/2024, lần đầu tiên Hội truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Giang tổ chức liên hoan chủ đề “Tiếng hát Trường Sơn” quy tụ hàng trăm cựu chiến binh, thanh niên xung phong đến từ 10 huyện, thị xã, TP trên địa bàn tỉnh tham gia biểu diễn. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam (30/4), 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5).
Họ hát cho nhau nghe, cháy hết mình trong các giai điệu về một thời hoa lửa. Thông qua các tiết mục, khán giả đã được sống lại ký ức hào hùng với những ca khúc đi cùng năm tháng, để cùng tìm về "một thời đạn bom, một thời hòa bình”. Chính những lời ca, hình ảnh đẹp ấy đã tiếp thêm tinh thần, nâng bước chân người chiến sĩ Trường Sơn năm xưa cũng như trong cuộc sống hòa bình hôm nay.
Bài, ảnh: Phong Thu
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/loi-ca-bay-trong-lua-dan-102443.bbg