Lợi cả đôi đường
Với việc chấp nhận bồi thường tổng cộng 335 triệu USD cho các nạn nhân người Mỹ và thân nhân của họ, Mỹ sẽ đưa Sudan ra khỏi danh sách 'đen' các nước tài trợ khủng bố.
Tuyên bố trên của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mở cánh cửa vốn khép chặt từ 27 năm qua giữa Sudan với thế giới, đồng thời cũng ghi điểm cho ông chủ Nhà Trắng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào đầu tháng 11 tới.
Nước cờ cao tay
Trong một tuyên bố ngày 19-10, giờ Washington, Tổng thống Donald Trump cho biết, ông sẵn sàng đưa Sudan ra khỏi danh sách đen các nước tài trợ khủng bố do Mỹ liệt kê, sau khi đạt thỏa thuận bồi thường liên quan các vụ tấn công trước đây của Sudan. Theo ông Trump, chính phủ chuyển tiếp ở Sudan đã đồng ý bồi thường tổng cộng 335 triệu USD cho các nạn nhân người Mỹ và thân nhân của họ trong các vụ đánh bom do tổ chức khủng bố Al-Qaeda thực hiện nhằm vào Đại sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania hồi năm 1998 làm hơn 200 người thiệt mạng. Đăng tải trên Twitter, ông Donald Trump hoan nghênh đây là "công lý cho người Mỹ và là bước đi lớn đối với Sudan". Tổng thống Mỹ cho biết, ngay khi Sudan bắt đầu giải ngân khoản bồi thường, Washington sẽ đưa Khartoum khỏi danh sách đen nói trên.
Mỹ đưa Sudan vào danh sách nhà nước tài trợ khủng bố từ năm 1993 với cáo buộc nước này hỗ trợ cho mạng lưới Al-Qaeda tiến hành các vụ tấn công nhằm vào công dân Mỹ ở nước ngoài. Điều này khiến Chính phủ Sudan gặp khó khăn trong việc tiếp cận đầu tư nước ngoài và các thỏa thuận giãn nợ khẩn cấp. Ngoài Sudan, trong danh sách này của Mỹ còn 3 nước khác là Iran, Triều Tiên và Syria.
Việc ông Trump “bật đèn xanh” để rút Sudan khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố là kết quả sau nhiều năm đàm phán. Các nhà phân tích cho rằng, ông chủ Nhà Trắng đã đi một nước cờ cao tay trong bối cảnh chỉ còn 2 tuần nữa là diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Đưa Sudan ra khỏi danh sách “đen” không chỉ giúp người thân của các nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố năm 1998 nhận lại khoản bồi thường 335 triệu USD mà còn giúp ông Trump kiếm thêm nhiều phiếu ủng hộ trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới.
Ngoài ra, theo một số quan chức Sudan, trong các cuộc đàm phán, Washington đã tăng cường gây áp lực buộc Khartoum phải bình thường hóa quan hệ với Israel-một tiến trình do Mỹ làm trung gian-như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Bahrain đã làm gần đây. Tướng Abdel Fattah al-Burhane, người đứng đầu Hội đồng chủ quyền ở Sudan, đã từng có cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào tháng 2-2020, trước khi tiến hành thảo luận với một phái đoàn Mỹ hồi tháng 9 về vai trò của Sudan trong tương lai hòa bình Arab-Israel.
Bước tiến lớn của Sudan
Dù thế nào đi chăng nữa, với Khartoum, việc Washington có ý định đưa Khartoum ra khỏi danh sách này là bước tiến lớn, có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế Sudan đang gặp khủng hoảng. “Nợ của chúng tôi đã lên tới 60 tỷ USD”, Thủ tướng Sudan Abdallah Hamdok cho hay. Ông Abdalla Hamdok cũng bày tỏ mong muốn Tổng thống Mỹ sớm công bố quyết định chính thức trước Quốc hội Mỹ.
Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), suy thoái kinh tế của Sudan năm 2020 sẽ ở mức 8,4%. Tuy nhiên, con số này có thể lùi về mức 0,8% vào năm 2021 khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. “Nếu được đưa ra khỏi danh sách “đen”, Sudan sẽ có thể gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), yêu cầu được xóa nợ thông qua Sáng kiến giảm nợ đa phương cho các nước nghèo có nợ cao (HIPC) và các tổ chức tài chính của Sudan có thể giao dịch với các đối tác quốc tế”, Bộ trưởng Tài chính Sudan Heba Mohamed nhấn mạnh. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Sudan Omar Kamar Eldin tin tưởng, việc được rút ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố không phải là giải pháp cho mọi vấn đề của Sudan, nhưng đây sẽ là sự khởi đầu tốt đẹp nhất là trong bối cảnh Sudan đang tăng cường hội nhập với cộng đồng quốc tế và khả năng tiếp cận với nền kinh tế thế giới.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/loi-ca-doi-duong-641621