Lời cảnh báo cho toàn thế giới từ vụ vòi rồng đánh chìm siêu du thuyền

Vụ vòi rồng đánh chìm du thuyền ngoài khơi biển Sicily diễn ra đột ngột và khiến ít nhất 5 người tử vong. Các nhà khoa học cảnh báo thời tiết ở Địa Trung Hải ngày càng khắc nghiệt.

Sáng sớm 19/8, siêu du thuyền Bayesian bị một vòi rồng đánh chìm. Có 22 người đang ở trên tàu, bao gồm tỷ phú Mike Lynch - nhà đầu tư công nghệ 59 tuổi người Anh - và gia đình. Vòi rồng cướp đi sinh mạng của ít nhất 5 người và làm du thuyền chìm sâu 50 m dưới đáy biển.

Vụ việc gây sốc cho nhiều người trên thế giới vì Địa Trung Hải vốn nổi tiếng với những làn nước yên tĩnh, trong vắt. Vùng biển này còn là điểm nghỉ mát lý tưởng của giới siêu giàu và du thuyền của họ.

Các chuyên gia cho rằng đây là một lời cảnh báo đối với khí hậu toàn cầu. Nhất là khi hiện tượng nóng lên toàn cầu tạo ra những cơn bão ngày càng mạnh và dữ dội.

Vòi rồng

Cơ quan điều tra đang xác định nguyên nhân chính xác đánh chìm tàu Bayesian. “Con thuyền bị chìm khi trời tối nên không có hình ảnh chính xác nào được ghi lại”, ông Luca Mercalli, chủ tịch Hiệp hội Khí tượng Italy, cho biết.

Nhiều thông tin cho thấy một “vòi rồng biển” đã tấn công du thuyền. Thông tin ban đầu của lực lượng cảnh sát biển cho thấy một vòi rồng đã xuất hiện trên biển Địa Trung Hải. Cơ sở dữ liệu khí tượng châu Âu ghi nhận một hiện tượng thời tiết tương tự. Những cơn bão hôm 19/8 dẫn đến ít nhất 20 báo cáo về vòi rồng trên khắp Italy.

Vòi rồng biển là một loại lốc xoáy. Loại vòi rồng này là một cột khí hẹp, xoay tròn với tốc độ nhanh phía dưới cơn bão giữa biển.

 Một hình ảnh được ghi lại của hiện tượng vòi rồng biển ở khu vực Michigan. Ảnh: CNN.

Một hình ảnh được ghi lại của hiện tượng vòi rồng biển ở khu vực Michigan. Ảnh: CNN.

Hầu hết vòi rồng khá yếu “với vài giây gió giật mạnh, thường tự biến mất sau một thời gian di chuyển”, Peter Inness, nhà khí tượng học tại Đại học Reading, cho biết. “Nhưng vẫn có những vòi rồng nguy hiểm”.

Vòi rồng biển là hiện tượng thời tiết chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng vì thường xảy ra ngoài khơi. Song một nghiên cứu của Đại học Barcelona cho thấy vòi rồng có nhiều khả năng xuất hiện hơn khi đại dương nóng lên.

“Việc xác định mối quan hệ giữa vòi rồng và biến đổi khí hậu là hành động quá vội vàng vào lúc này”, Inness cho biết. “Chúng ta cần nghiên cứu kỹ về nhiệt độ, sức gió, áp suất trước khi đưa ra kết luận”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Inness, rõ ràng là biến đổi khí hậu có thể dẫn đến những cơn bão dữ dội, khắc nghiệt hơn trước đây. “Nhiều cơn bão lớn là do nước biển ấm gây ra”, ông nói. “Và Địa Trung Hải đang rất, rất nóng”.

“Điểm nóng của biến đổi khí hậu”

Ông Mercalli cho biết nhiệt độ nước ở khu vực Sicily đang ở mức 30 độ C - ấm hơn 3 độ so với cùng kỳ 2023. “Đây là một mức nhiệt nóng đến cực đoan”, ông nói.

Các nhà khoa học khẳng định hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng là nguyên nhân của những cơn bão dữ dội trên biển.

 Dữ liệu cho thấy những khu vực có nhiệt độ cao bất thường ở Địa Trung Hải. Ảnh: CNN.

Dữ liệu cho thấy những khu vực có nhiệt độ cao bất thường ở Địa Trung Hải. Ảnh: CNN.

“Khi đại dương ấm lên, chúng sẽ truyền nhiều năng lượng hơn vào khí quyển. Từ đó, gió mạnh và không khí nóng bốc lên thường xuyên hơn, gây ra giông bão”, nhà nghiên cứu Inness cho biết. “Giông bão được tạo ra bởi không khí nóng cũng nặng nề và dữ dội hơn”.

Cơn bão tấn công Sicily vào đầu tuần đã tiến vào Địa Trung Hải từ phía tây - một vùng biển có nhiệt độ cao hơn các khu vực khác, Justino Martinez, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Biển Tây Ban Nha, cho biết.

Quần đảo Balearic của Tây Ban Nha là khu vực bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Tuần trước, một trận mưa đã làm ngập đường, buộc người dân phải sơ tán và nhiều chuyến bay bị hủy bỏ. Không ít du thuyền đang đậu trên hòn đảo Formentera cũng bị lật úp.

 Tàu thuyền mắc kẹt ở Tây Ban Nha sau cơn bão tuần trước. Ảnh: Shutterstock.

Tàu thuyền mắc kẹt ở Tây Ban Nha sau cơn bão tuần trước. Ảnh: Shutterstock.

Sau đó, cơn bão ngày càng mạnh mẽ và di chuyển đến Italy, nhà nghiên cứu Martinez nói với CNN. Ngoài vòi rồng, những cơn bão khác đã tấn công khu vực Sicily và đổ hơn 100 mm nước mưa xuống khu vực này trong vòng chưa đầy 4 giờ.

Địa Trung Hải là “khu vực tuyến đầu” của cuộc khủng hoảng khí hậu. Vùng biển này đang nóng lên nhanh hơn 20% so với mức trung bình toàn cầu. Thực tế cho thấy các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra liên tục ở Địa Trung Hải và dẫn đến nhiều hậu quả thảm khốc cho người dân địa phương.

“Hiện tượng nóng lên toàn cầu - và cụ thể là hiện tượng Địa Trung Hải nóng lên - có thể hình thành một hệ thống thời tiết cực đoan làm khu vực này trở thành điểm nóng của biến đổi khí hậu”, ông Inness nhấn mạnh.

Đông Tùng

Theo CNN

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/loi-canh-bao-cho-toan-the-gioi-tu-vu-voi-rong-danh-chim-sieu-du-thuyen-post1493603.html