Thấy gì từ 4 ngày nóng lịch sử của Trái Đất chỉ trong một tuần

Thế giới đã chứng kiến 4 ngày nóng nhất được ghi nhận chỉ trong vòng một tuần, làm dấy lên nỗi lo ngại về một hành tinh đang tiến gần đến 'điểm tới hạn'.

Khi nhiệt độ toàn cầu tăng vọt lên mức cao nhất trong lịch sử được ghi nhận vào ngày 22/7, xe cứu thương đã hú còi inh ỏi trên các đường phố ở Tokyo (Nhật Bản), chở theo hàng chục người ngất xỉu giữa sóng nhiệt.

Giữa lúc đó, một cơn bão lớn đang nổi lên từ vùng biển của Thái Bình Dương, khu vực ấm hơn bình thường vài độ C. Hàng nghìn du khách cũng tháo chạy khỏi thị trấn miền núi Jasper (Canada) vì cháy rừng. Trong 7 ngày kết thúc vào hôm 28/7, Trái Đất đã ghi nhận 4 ngày nóng nhất mà giới khoa học từng quan sát được, theo Washington Post.

 Một người đi bộ sử dụng quạt cầm tay khi băng qua ngã tư trong đợt nắng nóng ở Tokyo hôm 4/7. Ảnh: CFP.

Một người đi bộ sử dụng quạt cầm tay khi băng qua ngã tư trong đợt nắng nóng ở Tokyo hôm 4/7. Ảnh: CFP.

Hàng chục người đã thiệt mạng trong trận lũ dữ dội và lở đất lớn do bão Gaemi gây ra, trong khi một nửa Jasper đã biến thành tro bụi. Và khoảng 3,6 tỷ người trên khắp hành tinh đã phải chịu đựng nhiệt độ rất hiếm thấy nếu không có tác động của con người, chẳng hạn việc đốt nhiên liệu hóa thạch, theo phân tích của các nhà khoa học tại tổ chức Climate Central.

Mức nhiệt bất thường

Nhiệt độ bất thường này trên toàn cầu đánh dấu đỉnh điểm của một đợt nắng nóng chưa từng có, khiến ngay cả các nhà nghiên cứu đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình để nghiên cứu về biến đổi khí hậu cũng phải kinh ngạc.

Kể từ tháng 7 năm ngoái, nhiệt độ trung bình của Trái Đất liên tục vượt ngưỡng 1,5 độ C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp. Dù đó chỉ là sự vượt ngưỡng trong thời gian ngắn, các nhà khoa học cho rằng nhiệt độ không thể vượt qua ngưỡng này nếu muốn tránh được hậu quả tồi tệ nhất của tình trạng nóng lên toàn cầu.

Johan Rockström, Giám đốc Viện nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam tại Đức, nhận định “mùi vị” mà Trái Đất phải nếm trải khi nhiệt độ vượt ngưỡng 1.5 độ C cho thấy các hệ thống tự nhiên mà con người phụ thuộc có thể sụp đổ như thế nào khi nhiệt độ tăng cao.

Rừng cho thấy khả năng hấp thụ carbon từ khí quyển kém hơn. Băng biển quanh Nam Cực giảm xuống gần mức thấp kỷ lục. Hiện tượng tẩy trắng san hô trở nên cực đoan đến mức các nhà khoa học phải thay đổi thang đo lường.

 Trẻ em chơi đùa dưới nước dưới cái nóng thiêu đốt tại một bãi biển ở Tokyo vào ngày 7/7. Ảnh: Kyodo.

Trẻ em chơi đùa dưới nước dưới cái nóng thiêu đốt tại một bãi biển ở Tokyo vào ngày 7/7. Ảnh: Kyodo.

Ngay cả khi các nhà khoa học dự báo về sự kết thúc của đợt nắng nóng kỷ lục hiện tại, họ cảnh báo rằng có thể sẽ rất khó để một số khu vực trên hành tinh phục hồi sau đợt nắng nóng của năm ngoái.

Kỷ lục bị phá vỡ trong tuần qua diễn ra sau 13 tháng liên tiếp chứng kiến nhiệt độ chưa từng có. Điều này một phần là do việc Trái Đất chuyển sang kiểu khí hậu El Ninõ - có xu hướng làm ấm các đại dương, cũng như ô nhiễm từ việc đốt than, dầu và khí đốt.

Dữ liệu từ Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus, đơn vị giám sát khí hậu châu Âu, ngày 21/7 cho thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu đã vượt qua kỷ lục được thiết lập hơn một năm trước đó một chút.

Tuy nhiên, ngay trong ngày 22/7, nhiệt độ đạt mức kỷ lục mới 17,16 độ C. Ngày 23/7 chứng kiến ngày nóng thứ hai trong lịch sử, trong khi nhiệt độ ngày kế tiếp ngang bằng với nhiệt độ hôm 21/7.

Mặc dù những con số này có vẻ không quá khắc nghiệt, chúng là giá trị trung bình của hàng nghìn điểm dữ liệu được lấy từ Bắc Cực đến Nam Cực, ở những nơi đang trải qua mùa đông cũng như những nơi đang giữa mùa hè. Giới nghiên cứu nhận định phương pháp đo lường của Copernicus có độ tin cậy cao.

Các đại dương cũng đang chứng kiến nhiệt độ lịch sử. Dữ liệu của Copernicus cho thấy vùng nước xung quanh Đài Loan nóng hơn bình thường 2-3 độ C, góp phần thúc đẩy sự tàn phá của bão Gaemi. Nghiên cứu cũng cho thấy nhiệt độ đại dương cao hơn khiến các cơn bão nhiệt đới trở nên mạnh hơn, trong khi bầu khí quyển ấm hơn có thể chứa nhiều nước hơn, do đó gây mưa nhiều hơn.

Trong khi đó, gần 2.000 trạm thời tiết trên khắp hành tinh đã ghi nhận nhiều ngày có nhiệt độ cao kỷ lục trong 7 ngày qua, theo Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia Mỹ.

Mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa định lượng được vai trò của sự nóng lên toàn cầu trong tất cả sự kiện cực đoan của năm nay, có rất nhiều bằng chứng cho thấy các đợt nắng nóng, bão và hỏa hoạn xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn do biến đổi khí hậu.

"Chúng ta đang cạn kiệt phép ẩn dụ" để mô tả tốc độ không ngừng và quy mô mà thế giới đang phá vỡ các kỷ lục, Giám đốc Copernicus Carlo Buontempo chia sẻ.

Tiệm cận điểm tới hạn

Nhân loại phải đối mặt với những điều kiện không giống bất kỳ điều gì từng biết trước đây. Theo phân tích của Climate Central về giai đoạn 5 ngày kết thúc vào ngày 26/7, gần một nửa hành tinh đã trải qua ít nhất một ngày "nhiệt độ bất thường" - nhiệt độ sẽ rất hiếm hoặc thậm chí là không thể xảy ra trong một thế giới không có biến đổi khí hậu.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã kêu gọi cải thiện hệ thống cảnh báo, tăng cường bảo vệ người lao động và nhiều chính sách khác để bảo vệ người dân khỏi nhiệt độ thiêu đốt này.

"Nhiệt độ cực đoan không còn là hiện tượng chỉ xảy ra trong một ngày, một tuần hay một tháng nữa", ông cho biết.

Trong khi đó, ông Buontempo hy vọng rằng chuỗi kỷ lục về nhiệt của Trái đất có thể sớm kết thúc. Tháng trước, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ đã tuyên bố chính thức chấm dứt hiện tượng El Ninõ. Mùa hè kết thúc ở Bắc bán cầu - nơi tập trung phần lớn khu vực đất liền của hành tinh - cũng có xu hướng làm giảm nhiệt độ chung trên toàn cầu.

Tuy nhiên, lượng carbon giữ nhiệt chưa từng có trong khí quyển Trái Đất - đang ở mức cao nhất trong hơn 3 triệu năm - sẽ đồng nghĩa ngay cả khi không có El Ninõ, thế giới vẫn sẽ ấm lên một cách nguy hiểm. Nhiều nhà nghiên cứu dự đoán rằng khi năm 2024 kết thúc, đây sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử, vượt qua mức được thiết lập vào năm 2023.

Một đợt cháy rừng ở California (Mỹ). Ảnh: New York Times.

Một đợt cháy rừng ở California (Mỹ). Ảnh: New York Times.

Trong tuần qua, nhiệt độ ở Nam Cực đã cao hơn bình thường tới 12 độ C. Lynne Talley, một nhà nghiên cứu tại Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California tại San Diego (Mỹ), cho biết hiện tượng bất thường này có thể là sản phẩm của gió mạnh đẩy không khí ấm vào lục địa. Những điều kiện đó sẽ khiến đại dương khó đóng băng hơn trong thời điểm thường lý tưởng để hình thành băng biển.

"Có vẻ như hiện tượng nóng lên toàn cầu cuối cùng cũng đang bắt kịp Nam Cực. Điều đó khá đáng sợ", bà nói.

Còn đối với ông Rockström, sự suy giảm của băng biển Nam Cực là một dấu hiệu cho thấy nhiệt độ toàn cầu gần đây có thể đang làm suy yếu khả năng của hành tinh trong việc giảm thiểu một số tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Ông cũng chỉ ra một phân tích mới cho thấy những khu rừng ở Amazon, châu Á và Canada đã mất đi phần lớn khả năng hấp thụ lượng carbon dioxide dư thừa do hoạt động của con người tạo ra. Nghiên cứu - vẫn chưa được bình duyệt - tập trung vào dữ liệu từ năm 2023. Điều này đồng nghĩa giới khoa học vẫn chưa chắc chắn liệu phát hiện này có phải là sự thay đổi tạm thời hay là sự thay đổi lâu dài hơn hay không.

Năm nay, các khu rừng trên thế giới lại một lần nữa phải vật lộn. Tính đến hôm 24/7, chính quyền Canada đã phải chiến đấu với 310 vụ cháy rừng không kiểm soát, bao gồm cả vụ cháy đã tàn phá thị trấn Jasper. Rừng Amazon đang chuẩn bị cho năm thứ hai liên tiếp hứng chịu hạn hán khắc nghiệt. Các nhà nghiên cứu nhận định đó là do biến đổi khí hậu.

Robert Rohde, nhà khoa học trưởng của tổ chức phi lợi nhuận về dữ liệu khí hậu Berkeley Earth, gọi những sự kiện cực đoan này là "gợi ý" về những gì sẽ xảy ra với hành tinh nếu nhiệt độ toàn cầu liên tục vượt ngưỡng 1,5 độ C.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc vượt qua ngưỡng đó có thể gây ra những thay đổi không thể đảo ngược trong các hệ thống chính của Trái Đất: Sự sụp đổ của lớp băng Greenland, mất hoàn toàn các rạn san hô nhiệt đới, sự tan chảy đột ngột của một số lớp đất đóng băng vĩnh cửu.

Ông Rockström nhận định những gì thế giới đang chứng kiến hiện nay là "dấu hiệu đáng lo ngại về khả năng những điểm tới hạn đang tiệm cận".

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://znews.vn/thay-gi-tu-4-ngay-nong-lich-su-cua-trai-dat-chi-trong-mot-tuan-post1488815.html