Lời cảnh báo từ đợt sóng nhiệt ở 'lục địa già'Tin khácBáo chí Lạng Sơn tiếp tục đổi mới, đồng hành cùng sự phát triển của tỉnhPhát huy tiềm năng về năng lượng tái tạo

Cảnh tượng người dân ở nhiều quốc gia châu Âu đổ xô đến các công viên và hồ bơi trong dịp cuối tuần vừa qua có lẽ không làm cho người ta cảm thấy vui vẻ, hào hứng. Trái lại, đó là một trong những dấu hiệu cho thấy 'lục địa già' đang phải đối mặt với đợt sóng nhiệt tiềm ẩn đầy rẫy nguy cơ. Nhiều người dân ở Anh đổ ra các bãi biển trong những ngày nắng nóng cao điểm. Ảnh: The Mirror

Hàng loạt kỷ lục bị xô đổ

Như những gì mà các tờ báo lớn của thế giới đăng tải, trong những ngày gần đây, nhiều quốc gia thuộc khu vực châu Âu phải đối mặt với làn sóng nhiệt cực đoan với nhiệt độ ở nhiều nơi tăng lên mức kỷ lục. Điển hình như tại Đức, nhiều khu vực đã ghi nhận nhiệt độ trên 40 độ C.

Còn tại Pháp, sau khi hàng loạt địa phương ghi nhận kỷ lục mới về nhiệt độ trong tháng 6 này, cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Meteo France cảnh báo nhiệt độ tại Pháp có thể đạt mức 42 độ C, thậm chí là 43 độ C ở một số vùng.

Tại Tây Ban Nha, tình hình thậm chí còn có vẻ nghiêm trọng hơn khi nhiều khu vực trải qua đợt nắng nóng kỷ lục trong tháng 5 vừa qua, với nhiệt độ có nơi lên tới 46 độ C. Trước đó, tháng 8 năm ngoái, thành phố Montoro ở miền nam nước này đã ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục là… hơn 47 độ C.

Trong bối cảnh những đợt nóng gay gắt liên tục tràn về, lãnh đạo các nước đang phải đau đầu tìm cách đối phó với những hệ lụy của hiện tượng này, đặc biệt là nguy cơ thiếu nước và tính mạng của trẻ em, những người cao tuổi hoặc có vấn đề về sức khỏe có thể bị đe dọa bởi thời tiết nắng nóng.

Trong khi giới chức cơ quan quản lý nước ở Pháp đã ban lệnh hạn chế sử dụng nước và kêu gọi người dân, các nhà máy tránh lãng phí nước thì chính quyền một số thị trấn ở miền bắc Italy cũng bắt đầu triển khai chính sách phân phối nước theo định mức.

Bên cạnh đó, nhiệt độ tăng cao và sớm bất thường cũng khiến các đám cháy bắt đầu lan rộng ở châu Âu. Những ngày gần đây, cảnh báo cháy rừng đã được ban bố trên khắp khu vực phía Tây Địa Trung Hải do lo ngại nhiệt độ tăng cao và tình trạng khô hạn kéo dài sẽ khiến rừng dễ bắt lửa.

Chỉ riêng tại Tây Ban Nha, các đám cháy rừng đã thiêu rụi hàng chục nghìn héc-ta tại khu vực Tây Bắc đất nước, khiến nhiều người phải rời bỏ nhà cửa trong khi lực lượng cứu hỏa ở nhiều nơi được điều động khẩn cấp để tham gia ứng phó.

Chương trình quan sát trái đất Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cũng cảnh báo không chỉ Tây Ban Nha mà một số vùng ở Italy hay Pháp cũng đứng trước nguy cơ xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng vì nắng nóng. Thậm chí, EU gần đây phải điều các máy bay cứu hỏa và trực thăng luôn trong tình trạng sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia đang phải đối mặt với những trận hỏa hoạn lớn.

Vẫn là bài toán biến đổi khí hậu

Nếu như trước đây, các đợt nắng nóng ở châu Âu thường xảy ra vào tháng 7 và tháng 8 thì năm nay lại xảy ra ngay từ tháng 6. Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng, đợt nắng nóng sớm và dữ dội này là dấu hiệu của biến đổi khí hậu hay nói cách khác là sự nóng lên toàn cầu.

Matthieu Sorel, nhà khí tượng học tại Meteo France nhận định rằng thời tiết nóng bất thường ở châu Âu có thể được coi là một cột mốc của hiện tượng biến đổi khí hậu. Chuyên gia này cũng cảnh báo nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất lịch sử sẽ bị phá vỡ bởi làn sóng nhiệt đang tràn vào khu vực châu Âu trong đợt này.

Tương tự, bà Clare Nullis, người phát ngôn của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cũng cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính dẫn tới sự xuất hiện ngày càng sớm của các đợt sóng nhiệt. “Những gì chúng ta chứng kiến hôm nay mới là khúc dạo đầu của tương lai”, bà Nullis cảnh báo.

Khẳng định nguyên nhân gây sóng nhiệt là hiện tượng nóng lên toàn cầu, Ruben del Campo, phát ngôn viên Cơ quan Khí tượng Tây Ban Nha (AEMET) cho rằng đợt nắng nóng ở Tây Ban Nha vào giữa tháng 5 vừa qua rất bất thường bởi nó xảy ra ngay trong tiết xuân và có thể trở thành một trong những đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất trong 20 năm qua tại nước này.

“Mùa hè đang nuốt dần mùa xuân… Những gì đang xảy ra hoàn toàn phù hợp với hiện tượng trái đất nóng lên. Nhiệt độ tăng là hệ quả trực tiếp của biến đổi khí hậu. Khí hậu Tây Ban Nha không như xưa, mà trở nên cực đoan hơn”, ông Campo nói.

Trên thực tế, trước đây giới khoa học từng cảnh báo rằng hiện tượng nắng nóng bất thường sẽ xuất hiện sớm hơn do tình trạng nóng lên toàn cầu. Và bởi vậy, những gì đang diễn ra ở châu Âu chính là lời cảnh báo đối với thái độ và trách nhiệm của con người trong việc bảo vệ môi trường trên toàn cầu, chứ không riêng gì ở lục địa này.

Theo Quandoinhandan

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/507690-loi-canh-bao-tu-dot-song-nhiet-o-luc-dia-gia.html