Lời cảnh tỉnh khắc nghiệt

Mỗi mùa mưa bão, chúng ta lại đối mặt với những câu chuyện đau lòng, những thảm kịch không đáng có. Hình ảnh những con tàu chao đảo trong sóng dữ, những mái nhà bị cuốn trôi trong lũ, hay những ánh mắt thất thần của người ở lại sau tai họa không chỉ là nỗi đau mà còn là lời cảnh tỉnh khắc nghiệt về cách chúng ta đối mặt với thiên tai. Thiên nhiên khắc nghiệt là điều bất khả kháng, nhưng mức độ thiệt hại lại phụ thuộc vào thái độ và hành động của con người. Những thảm họa liên tiếp đặt ra một câu hỏi day dứt: tại sao cảnh báo đã được phát đi, nhưng tai họa vẫn xảy ra?

Xã biên giới Nhôn Mai, tỉnh Nghệ An chịu nhiều ảnh hưởng do hoàn lưu bão số 3. Ảnh: Biên Cương

Xã biên giới Nhôn Mai, tỉnh Nghệ An chịu nhiều ảnh hưởng do hoàn lưu bão số 3. Ảnh: Biên Cương

Hãy hình dung hệ thống cảnh báo thiên tai như một dãy đèn giao thông trên con đường đầy hiểm nguy. Đèn chuyển từ xanh sang vàng, rồi đỏ rực, báo hiệu nguy cơ đang đến gần. Các cơ quan khí tượng, với vai trò của mình, thường xuyên phát đi những bản tin dự báo chi tiết, từ mưa dông, lốc xoáy đến bão lớn. Những thông tin này được truyền tải đến các cơ quan chức năng, được công bố trên các kênh truyền thông, như ngọn đèn đỏ chớp nháy giữa cơn bão. Nhưng những gì thực tế xảy ra cho thấy, ánh sáng ấy thường không kịp thời đến được với những người cần nó nhất - những người dân, những người trực tiếp đối mặt với hiểm nguy.

Quá nhiều lần, cảnh báo được phát đi nhưng không dẫn đến hành động cụ thể. Một tin nhắn vội vàng, một thông báo chung chung, hay một bản tin trên sóng radio không đủ để khiến người dân nhận thức được mức độ nguy hiểm hay hành động kịp thời, dẫn đến hậu quả là những con số thương vong đau lòng. Nếu ví cảnh báo như đèn giao thông, thì trong nhiều trường hợp, người dân như những người lái xe, hoặc không thấy đèn đỏ, hoặc không hiểu rằng họ phải dừng lại ngay lập tức. Khoảng trống giữa việc phát đi cảnh báo và việc đảm bảo nó được tiếp nhận, thấu hiểu và chuyển hóa thành hành động cụ thể chính là nguyên nhân khiến những thảm kịch không đáng có vẫn xảy ra.

Những sự kiện đau lòng lặp đi lặp lại qua mỗi mùa mưa bão cho thấy một mẫu số chung là cảnh báo không thiếu, nhưng hành động thì chưa đủ. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận lại cách thức tổ chức và ứng phử với thiên tai. Cảnh báo chỉ là bước đầu tiên; giá trị thực sự của nó nằm ở việc nó dẫn đến những quyết định kịp thời, đúng đắn và đủ sức nặng để bảo vệ sinh mạng. Một thông báo không thể thay thế cho những biện pháp mạnh mẽ. Nếu thiếu đi hành động quyết liệt, cảnh báo chẳng khác gì tiếng kêu vô vọng giữa cơn bão.

Để chấm dứt những thảm kịch không đáng có, chúng ta cần một sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận. Trước hết, cần xây dựng một cơ chế truyền tải cảnh báo trực tiếp, nhanh chóng và dễ hiểu đến từng người dân, thay vì chỉ dừng lại ở các cơ quan chức năng. Một tin nhắn, một cuộc gọi khẩn cấp, hay một lệnh hành chính rõ ràng có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Thứ hai, cần nâng cao năng lực đánh giá nguy cơ, để từ đó đưa ra các quyết định “phòng xa” thay vì chỉ phản ứng khi tai họa đã cận kề. Cuối cùng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, từ cơ quan khí tượng đến chính quyền địa phương và người dân, là yếu tố sống còn để đảm bảo rằng mọi cảnh báo đều được chuyển hóa thành hành động cụ thể.

Như ngọn đèn giao thông chỉ phát huy tác dụng khi người lái xe dừng lại đúng lúc, cảnh báo thiên tai chỉ có ý nghĩa khi nó dẫn đến hành động kịp thời và quyết liệt.

Thái Bình

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/loi-canh-tinh-khac-nghiet-post492518.html