Lời cảnh tỉnh về kỹ năng lái xe số tự động, tai nạn không chừa một ai
Theo các chuyên gia về lái xe, việc đạp nhầm chân ga trên xe số tự động có thể đến với bất kỳ ai, dù là phụ nữ, nam giới, người mới tập lái hay ngay cả những 'tài già'.
Vụ tai nạn xảy ra sáng 9/7 trên phố Trần Đại Nghĩa (Hà Nội), khi một chiếc Toyota Corolla Cross bất ngờ lao vọt lên vỉa hè, tông mạnh vào gốc cây lớn khiến đầu xe hư hỏng nặng, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về kỹ năng vận hành ô tô nói chung và xe số tự động nói riêng.
(Clip vụ tai nạn xảy ra trên phố Trần Đại Nghĩa, Hà Nội vào sáng 9/7)
Trong thời gian gần đây, không ít vụ tai nạn xảy ra với kịch bản tương tự: xe di chuyển chậm, bất ngờ vọt ga rồi tông vào tường, cột điện, cây xanh, thậm chí lao vào các phương tiện khác trên đường gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng.
Đáng nói, không chỉ với những người thiếu kinh nghiệm mà ngay cả những "tài già" nếu xử lý không đúng cách cũng hoàn toàn có thể gây ra tai nạn không mong muốn.
Có thể nhắc tới vụ tai nạn khi xe ô tô 4 chỗ hiệu KIA Forte vượt đèn đỏ, đâm vào đoàn xe máy đang di chuyển ở ngã tư Võ Chí Công - Xuân La xảy ra vào chiều 5/4/2023.
Sau tai nạn, góc ngã tư la liệt phương tiện, giày dép, vật dụng của nạn nhân và mảnh vỡ vương vãi khắp mặt đường trong bán kính khoảng 200m. Tổng cộng 17 xe máy bị đâm hỏng và 22 người bị thương phải đưa đến bệnh viện sau vụ tai nạn này.
Người đàn ông điều khiển chiếc ô tô tên V. - 63 tuổi, đã có kinh nghiệm lái xe hàng chục năm khai nhận với cơ quan công an rằng, có lẽ ông bị nhầm chân ga với chân phanh nên dẫn tới sự việc kinh hoàng nói trên.
Hay vụ tai nạn xảy ra vào chiều ngày 16/3/2025, khi một nữ tài xế điều khiển ô tô Mercedes lưu thông trên đường Võ Nguyên Giáp, hướng từ TP. Thủ Đức đi tỉnh Đồng Nai đã đạp nhầm chân ga, tông liên hoàn vào 10 xe máy đang dừng đèn đỏ phía trước.
Cú va chạm mạnh khiến nhiều phương tiện hư hỏng nặng, có tổng cộng 6 người bị thương được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, và 1 người trong số đó đã không qua khỏi.

Hiện trường vụ tai nạn ở Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HD
Trao đổi với VietNamNet, anh Nguyễn Thanh Tùng – giảng viên một trung tâm dạy lái xe ở Hà Nội cho biết, trong các vụ tai nạn như trên, một phần nguyên nhân đến từ tâm lý hoảng loạn khi xe có dấu hiệu không kiểm soát được, người lái lại đạp mạnh xuống bàn đạp bên phải – vốn tưởng là phanh nhưng lại là ga.
Theo anh Tùng, việc đạp nhầm chân ga không chỉ ở lái mới hay phụ nữ mà có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, giới tính, không chỉ ở Việt Nam mà còn phổ biến trên thế giới.
(Một nam tài xế đạp nhầm chân ga, lao xe vào cửa hàng vừa xảy ra vào ngày 6/7 tại thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Video: Newsflare)
“Thói quen dùng cả hai chân hoặc tư thế ngồi không chuẩn có thể khiến tài xế mất cảm giác điều khiển. Trong trường hợp bất ngờ, não bộ sẽ theo phản xạ đạp mạnh xuống bàn đạp, và nếu lúc đó chân tài xế để ở vị trí chân ga thì rất nguy hiểm. Đây là lỗi thường gặp ở cả tài xế mới nhưng không ít người dù lái xe lâu năm cũng mắc phải”, anh Tùng nói.
Theo vị chuyên gia này, với xe số tự động, người lái tuyệt đối chỉ nên dùng một chân (chân phải) để điều khiển cả ga và phanh, tránh tình trạng “lú lẫn” giữa hai bàn đạp. Ngoài ra, việc giữ tư thế ngồi đúng, luyện tập phản xạ chân trong điều kiện mô phỏng thực tế ngay từ lúc học lái xe cũng rất quan trọng.
Cụ thể, khi đạp phanh, bàn chân phải của người lái phải ở phương thẳng đứng, tức là gót chân để ngay phía dưới pedal phanh. Khi cần tăng tốc và chuyển sang chân ga, chân phải xoay gót kiểu "chữ V" sang bàn đạp ga, tuyệt đối không nhấc hẳn chân lên cao làm mất điểm tì xuống sàn.

Tư thế để chân và chuyển giữa bàn đạp ga - phanh đúng cách. Ảnh minh họa: CarandDriver
"Mấu chốt là phải đặt gót chân đúng chỗ và xoay cổ chân khi chuyển từ ga sang phanh thay vì nhấc cả bàn chân lên cần được luyện tập. Trong mọi trường hợp giảm tốc độ hoặc khi dừng xe, chân phải cần chuyển sẵn sang để ở vị trí đạp phanh chứ không phải để ở chân ga", giảng viên đào tạo lái xe này nói.
Anh Nguyễn Thanh Tùng cũng khuyến cáo, trong điều kiện đô thị đông đúc, tài xế cần hạn chế đạp ga mạnh khi đang ở gần vỉa hè hoặc khu vực có nhiều chướng ngại vật. Nếu cần tiến hoặc lùi xe trong không gian hẹp, nên để xe "bò" từ từ bằng lực máy, đồng thời kiểm soát xe bằng phanh, chỉ mớm ga khi thực sự cần thiết.
Lái xe không chỉ là chuyện điều khiển phương tiện mà còn là trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Sự thành thạo kỹ năng, kết hợp với thói quen đúng sẽ giúp người lái làm chủ mọi tình huống, thay vì trở thành nạn nhân của chính chiếc xe mình đang lái.