'Lời chào cao hơn mâm cỗ'

Sau một thời gian tổ chức cuộc thi, mới đây, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã chính thức công bố biểu trưng (logo) và tiêu ngữ (slogan) du lịch Gia Lai. Việc công bố biểu trưng và tiêu ngữ du lịch Gia Lai là rất kịp thời khi phát triển du lịch được xem là 1 trong 3 'trụ cột' của nền kinh tế tỉnh nhà trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Ngoài ra, việc công bố biểu trưng và tiêu ngữ du lịch cũng là lời chào thân thiện của Gia Lai trước chuỗi sự kiện liên quan đến du lịch diễn ra vào dịp cuối năm nay như: sự kiện TechDemo, Ngày hội Cà phê Việt Nam, kỷ niệm 90 năm thành lập đô thị Pleiku, xa hơn là Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Việc công bố biểu trưng và tiêu ngữ du lịch cũng là lời chào thân thiện của Gia Lai.

Phân tích nội hàm biểu trưng và tiêu ngữ du lịch Gia Lai, chúng ta thấy nó ẩn chứa nhiều ý nghĩa, trong đó nổi bật là sự nồng hậu, thân thiện của con người nơi đây đối với du khách. Lâu nay, người dân Gia Lai “đốn tim” du khách bằng sự nồng hậu, thân thiện và tâm hồn phóng khoáng như thảo nguyên bao la. Điều đó thể hiện trong từng lời nói, cử chỉ, cách giao đãi cũng như lối sống và phong cách ứng xử. Tất cả mọi phẩm chất tốt đẹp của người dân Gia Lai được bộc lộ thông qua sự hiếu khách. Nếu ai đó hỏi người Gia Lai hiếu khách như thế nào thì xin thưa đó là việc không phải mang đến cho khách cái gì mình có mà là những điều người phương xa cần. Nếu sự hiếu khách của người miền Tây lai láng như dòng Cửu Long mùa nước nổi thì tấm lòng người Gia Lai rộng mở như ngọn gió trên cao nguyên.

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, bà Đoàn Ngọc Thảo-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Go Travel-một cái tên khá nổi trên thị trường dịch vụ du lịch-cho biết: “Điều quan trọng nhất tạo nên thành công trong lĩnh vực du lịch là yếu tố con người. Dịch vụ du lịch chỉ có sự tìm tòi học hỏi, sáng tạo và nhiệt huyết phát huy hết tiềm năng của bản thân thì khi đó mới đạt được kết quả như ý muốn”. Không chỉ bà Thảo, nhiều chuyên gia hàng đầu cũng thừa nhận rằng con người là nhân tố quyết định đến sự phát triển của du lịch. Như vậy, vô hình trung Gia Lai đã nắm trong tay khối “tài sản” rất lớn là con người, ngoài hệ thống cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ gắn với bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Mặc dù đặc điểm cư dân rất phù hợp để phát triển du lịch nhưng người Gia Lai vẫn chưa có “thương hiệu” riêng. Vì vậy, trong tương lai, ngành du lịch Gia Lai cũng cần khơi gợi tính tự tôn và quảng bá những phẩm chất tốt đẹp của con người nơi đây, kiểu như: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” của Hà Nội hoặc tính cách an nhiên, hiếu khách, nhiệt tình của người Đà Nẵng. Thiển nghĩ, muốn xây dựng được “thương hiệu” con người Gia Lai, có lẽ ngành du lịch cần đi đầu trong việc vận động người dân ứng xử có văn hóa với du khách. Bên cạnh đó là tôn vinh kịp thời những việc làm tốt đẹp của mỗi cá nhân trong mối quan hệ với du khách và với cộng đồng.

Trong lộ trình xây dựng hình ảnh con người Gia Lai thân thiện, hiếu khách, trước mắt, ngành chức năng và các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng đội ngũ làm công tác du lịch một cách chuyên nghiệp, thân thiện. Chính đội ngũ làm du lịch là đại sứ quảng bá hình ảnh thiên nhiên và con người Gia Lai đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Dân gian có câu: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Tất nhiên “mâm cỗ” cũng rất quan trọng nhưng “lời chào” của chính người dân Gia Lai đối với du khách lại có tính quyết định đến sự thành-bại của ngành du lịch. Hy vọng, trong chuỗi các sự kiện quan trọng tới đây, Gia Lai sẽ trình làng nhiều hơn những “lời chào” thân thiện đối với du khách gần xa!

DUY LÊ

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12436/201911/loi-chao-cao-hon-mam-co-5658527/