Lối đi nào cho bảo tồn và phát triển nghề truyền thống ở Bình Dương?

Do tác động của thị trường, sự thay đổi thị hiếu, việc quy hoạch đô thị, mở rộng các khu công nghiệp và tình hình kinh tế chung khó khăn nên nhiều làng nghề truyền thống ở Bình Dương đang bị thu hẹp.

Bộ sản phẩm Hoàng Liên do Minh Long chế tác được chọn phục vụ tiệc chiêu đãi cấp nhà nước tại sự kiện APEC Việt Nam 2017. (Nguồn: TTXVN)

Bộ sản phẩm Hoàng Liên do Minh Long chế tác được chọn phục vụ tiệc chiêu đãi cấp nhà nước tại sự kiện APEC Việt Nam 2017. (Nguồn: TTXVN)

Bình Dương được biết đến như cái nôi của làng nghề thủ công mỹ nghệ ở Nam Bộ, tuy nhiên, trong hơn chục năm trở lại đây, những nghề truyền thống này có xu hướng giảm và hiện nay nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của tình hình kinh tế chung.

Đa dạng làng nghề

Trong tiến trình phát triển vùng đất mang đậm nét văn hóa làng nghề truyền thống, Bình Dương tạo dấu ấn sâu sắc với các sản phẩm thủ công được chế tác từ những làng nghề nổi tiếng đã định vị trên địa bàn hơn 300 năm.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, hiện trên địa bàn tỉnh có 32 làng nghề với 9 nghề truyền thống.

Các làng nghề truyền thống ở Bình Dương nổi tiếng với các sản phẩm như sơn mài, chạm trổ điêu khắc, gốm sứ, làm heo đất, mây tre đan, sản xuất nhang, làm bánh tráng, sản xuất guốc … không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới.

Hiện các làng nghề truyền thống vẫn còn đang hoạt động và duy trì được hiệu quả ở Bình Dương là làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, gốm sứ Tân Phước Khánh, điêu khắc-chạm gỗ An Thạnh, Phú Thọ, làng lợn đất Lái Thiêu…

Các làng nghề đã sản xuất ra các sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước như gốm sứ Minh Long I, gốm sứ Cường Phát, sơn mài Tư Bốn, sơn mài Định Hòa, lò lu Đại Hưng,… Mỗi sản phẩm do nghệ nhân tạo ra là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, thu hút du khách.

Lãnh đạo Công ty Minh Long I cho biết sản phẩm của Minh Long không chỉ khẳng định vị trí vững chắc tại thị trường trong nước mà đã vươn ra thị trường thế giới, chinh phục được các thị trường khó tính như Pháp, Đức, Italy, các nước Đông Âu…

Đối với làng nghề sơn mài truyền thống, ông Thái Kim Điền - Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài, Điêu khắc tỉnh Bình Dương chia sẻ làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp là một "đặc sản" của Bình Dương.

Với hơn 100 năm giữ gìn và phát huy, nghệ nhân sơn mài Bình Dương đã không ngừng tìm tòi nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo được khách trong và ngoài nước ưa chuộng.

Các thể loại sơn mài như cẩn ốc, cẩn trứng, thiếp vàng vẽ nối, khắc trũng… của sơn mài Bình Dương đã làm rạng danh địa phương qua các sản phẩm như bàn ghế án gió, bàn phấn, tranh ảnh, bình soa, liễn đối trang trí nhà cửa, cơ quan, đình chùa, thờ cúng trang hoàng các buổi tiếp nguyên thủ quốc gia đến các sản phẩm ứng dụng như bình hoa, guốc, lược…

Nghề truyền thống gặp khó

Những nghề truyền thống như gốm sứ, sơn mài đã ghi lại nhiều dấu ấn quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, trong hơn chục năm trở lại đây, những nghề truyền thống này có xu hướng giảm và hiện nay doanh nghiệp gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của tình hình kinh tế chung.

Sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp gốm sứ, ông Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, cho biết các doanh nghiệp gốm sứ trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp gia đình nên mô hình quản lý còn theo kiểu truyền thống, chưa bắt kịp xu hướng, dễ chịu tác động bởi thị trường.

Sáu tháng đầu năm 2023 các doanh nghiệp hầu như không có đơn hàng mà chỉ có một số đơn từ năm trước; quý 3 bắt đầu có đơn hàng nhưng số lượng chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm 2022, kéo theo số lượng lao động trong ngành gốm sứ giảm khoảng 30%, trong đó có nhiều lao động có tay nghề.

Bên cạnh đó, việc di dời các doanh nghiệp gốm sứ vào khu, cụm công nghiệp theo chủ trương của tỉnh gặp khó khăn hơn nhiều so với các ngành nghề khác như thiếu thợ có tay nghề cao (do lao động lành nghề sinh sống, gắn bó lâu năm tại nơi sản xuất cũ). Thêm vào đó, doanh nghiệp thiếu nguồn vốn để di dời, xây dựng nhà máy mới.

Do tác động của thị trường, sự thay đổi thị hiếu người tiêu dùng, việc quy hoạch đô thị, mở rộng các khu công nghiệp… nên các làng nghề truyền thống ở Bình Dương đang có chiều hướng bị thu hẹp sản xuất.

Ví dụ như làng nghề truyền thống mây tre đan ở xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên, vào thời hưng thịnh có hơn 50 hộ tham gia, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 15 hộ.

Trên địa bàn thị xã Thuận An do phải thực hiện công tác quy hoạch phát triển đô thị và triển khai chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương về việc di chuyển các ngành nghề ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, nghề truyền thống gốm sứ, lợn đất cũng thu hẹp dần.

Đối với ngành sơn mài, vào thời kỳ phát triển, toàn tỉnh có 900 hộ với khoảng 3.000 lao động tham gia, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 30 hộ gắn bó với nghề.

Phát huy các ngành nghề truyền thống

Tại buổi khảo sát, làm việc với các doanh nghiệp gốm sứ, cơ sở sơn mài trên địa bàn tỉnh ngày 15/9 vừa qua, ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đã yêu cầu Văn phòng Tỉnh ủy nghiêm túc tiếp thu tất cả các ý kiến, kiến nghị tại buổi làm việc; đề nghị Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành phối hợp nghiên cứu hệ thống luật, quy định để tham mưu chủ trương, chính sách đặc thù bảo tồn và phát huy các ngành nghề truyền thống.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các ngành rà soát, xây dựng chính sách cụ thể hỗ trợ phát triển các nghề truyền thống. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Bình Dương)

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các ngành rà soát, xây dựng chính sách cụ thể hỗ trợ phát triển các nghề truyền thống. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Bình Dương)

Cụ thể là các chính sách hỗ trợ của tỉnh cho doanh nghiệp về đất đai, lao động, xúc tiến đầu tư, nguồn vốn. Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh dành nguồn vốn để cho vay lĩnh vực này.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Công Thương cùng bàn chính sách riêng, đặc thù để hỗ trợ các ngành nghề truyền thống về đất đai, vốn, xúc tiến thương mại và đầu tư… để duy trì các ngành nghề truyền thống.

Đặc biệt cần tổ chức các buổi làm việc, thông tin với doanh nghiệp để tổ chức di dời doanh nghiệp vào khu, cụm công nghiệp một cách chặt chẽ, thân trọng.

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi mong muốn phát triển các showroom, phòng trưng bày của doanh nghiệp trở thành "bảo tàng" sản phẩm truyền thống; đồng thời nghiên cứu ý tưởng đầu tư con đường gốm sứ, sơn mài góp phần giới thiệu quảng bá các công trình, tác phẩm nghề truyền thống của tỉnh.

Đối với Đề án "Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn Thành phố Thủ Dầu Một", Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, ông Nguyễn Văn Lợi đề nghị các sở ngành, Thành phố Thủ Dầu Một rà soát lại Đề án để đảm bảo đầu tư có hiệu quả, trong đó chú ý đến các nội dung chính sách phát triển nghề truyền thống, để chính những người làm nghề truyền thống vừa sản xuất, vừa bảo tồn và phát huy.

Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị chú trọng đưa các ngành nghề truyền thống vào trường học; kết hợp chặt chẽ giữa các cơ sở với các trường nghề trong công tác đào tạo.

Trường Trung cấp Mỹ thuật-Văn hóa Bình Dương tiếp tục quan tâm lưu giữ, phát triển các ngành nghề này, đồng thời tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm, giáo dục ngoại khóa tại các trường, doanh nghiệp để giáo dục truyền thống, lịch sử, hình thành nhận thức và lòng yêu thích các ngành nghề truyền thống đặc sắc của tỉnh./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/loi-di-nao-cho-bao-ton-va-phat-trien-nghe-truyen-thong-o-binh-duong/895224.vnp