Lối đi nào cho Fed khi phải cân bằng giữa chính sách tiền tệ và áp lực chính trị?

Trong nhiều năm qua, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã coi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là 'biểu tượng của sự ổn định'. Tuy nhiên hiện tại, họ đang phải đối diện với một giai đoạn đầy bất định, khi các quyết sách tiền tệ của Fed bị 'giằng xé' giữa nhiều mục tiêu trái chiều, và nguy cơ tổn hại đến tính độc lập của thể chế này ngày càng rõ nét.

Chủ tịch Fed Jerome Powell

Chủ tịch Fed Jerome Powell

Một trong những thách thức chính là định hướng chính sách tiền tệ sắp tới của Fed sẽ theo lối đi nào. Trong khi nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thì Fed lại có thể buộc phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát phát sinh từ các biện pháp thuế quan mới của chính quyền Tổng thông Donald Trump. Sự lệch pha này có thể gây áp lực lên các thị trường tài trợ bằng USD và khiến chi phí vay mượn trở nên đắt đỏ hơn, đặc biệt đối với các nền kinh tế đang phát triển.

Thách thức mang tính nền tảng hơn là khả năng duy trì tính độc lập của Fed trước áp lực chính trị, đặc biệt từ Tổng thống Donald Trump. Ông Trump nhiều lần công khai chỉ trích chính sách tiền tệ của Fed và Chủ tịch Jerome Powell.

Nếu Fed đánh mất tính độc lập, vai trò của một thể chế từng được xem là "hàng hóa công toàn cầu" từ thập niên 1980 đến nay sẽ bị suy yếu nghiêm trọng. Fed đã đóng vai trò trụ cột trong việc duy trì lạm phát ổn định, lãi suất thấp, cũng như giữ cho dòng tiền toàn cầu không bị tắc nghẽn trong các cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 và đại dịch COVID-19.

Tại các cuộc họp của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) diễn ra tuần này, các nhà hoạch định chính sách, vốn đang lo lắng trước nỗ lực của ông Trump nhằm tái cấu trúc hệ thống thương mại toàn cầu và nguy cơ tăng trưởng suy giảm, cũng đồng thời bày tỏ lo ngại về khả năng những nguyên tắc cốt lõi của trật tự kinh tế hậu Thế chiến II sẽ bị bỏ qua.

“Điều quan trọng là các ngân hàng trung ương phải có khả năng hành động độc lập để giữ vững kỳ vọng lạm phát. Muốn vậy, công chúng cần hiểu và tin rằng họ sẽ hành động đúng”, chuyên gia kinh tế trưởng IMF, Pierre-Olivier Gourinchas chia sẻ với Reuters và nói thêm: “Uy tín của ngân hàng trung ương là tối quan trọng, và sự độc lập chính là yếu tố then chốt làm nên uy tín ấy”.

Các ngân hàng trung ương độc lập có khả năng kiềm chế lạm phát hiệu quả hơn, vì họ có thể nâng lãi suất và siết tín dụng khi cần thiết, ngay cả khi điều đó làm chậm tăng trưởng, tăng thất nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của các chính trị gia đương nhiệm.

Khi được hỏi về nguy cơ Fed mất độc lập, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho rằng mối quan hệ hợp tác giữa Fed và ECB - hai tổ chức kiểm soát gần 40% GDP toàn cầu - là yếu tố then chốt giúp duy trì hạ tầng tài chính vững chắc.

“Chúng tôi đã chứng minh trong quá khứ rằng có thể phối hợp hiệu quả dựa trên tham vấn và hiểu biết lẫn nhau về rủi ro tài chính. Tôi tin rằng điều đó sẽ tiếp tục được duy trì một cách kiên định và không thay đổi”, bà khẳng định.

Thị trường thêm bất ổn

Trước thời điểm ECB cắt giảm lãi suất vào tuần trước, Tổng thống Trump từng ám chỉ ông có thể sa thải Chủ tịch Powell vì không hạ lãi suất như mong muốn.

Chưa rõ liệu ông Trump có đủ quyền pháp lý để cách chức ông Powell nếu không có lý do ngoài yếu tố chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, vào tối thứ Ba, ông Trump đã rút lại phát biểu và nói rằng “không có ý định” sa thải Chủ tịch Fed.

Dù vậy, khả năng này cũng đủ để làm thị trường tài chính thêm chao đảo, vốn đã bị ảnh hưởng bởi các kế hoạch áp thuế, và nhấn mạnh rằng dù ông Powell vẫn giữ chức đến hết nhiệm kỳ vào tháng 5/2026, quá trình lựa chọn người kế nhiệm vẫn sẽ là một điểm rủi ro đáng kể.

“Chúng ta từng có nhiều đời Chủ tịch Fed rất xứng đáng với vị trí của mình”, Ed Al-Hussainy, chuyên gia phân tích cấp cao tại Columbia Threadneedle nói và thêm rằng: “Hy vọng lớn nhất là người kế nhiệm cũng sẽ tiếp bước truyền thống đó. Nhưng rõ ràng, trò chơi giờ đã căng thẳng hơn và kết quả có thể trở nên khó lường”.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích vĩ mô toàn cầu Dario Perkins từ TSLombard viết trong một bản tin: “Làm sao chúng ta không nghi ngờ về người sẽ được bổ nhiệm thay thế ông Powell vào năm 2026? Ông Trump rõ ràng muốn kiểm soát chính sách tiền tệ một cách gián tiếp. Lịch sử chỉ vinh danh những nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương dám đối đầu với áp lực chính trị, không phải những người thỏa hiệp. Ai hiểu điều đó hẳn sẽ phải thận trọng cao độ”.

Ông Powell khẳng định rằng tính độc lập của Fed được bảo vệ theo luật pháp Mỹ và có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ lưỡng đảng chiếm đa số trong Quốc hội - cơ quan có quyền phê chuẩn các đề cử nhân sự của Tổng thống đối với Fed.

Ông cho biết, các chương trình then chốt như cung cấp các khoản vay USD có thế chấp cho ngân hàng trung ương khác vẫn sẽ được duy trì vì điều này giúp bảo đảm hoạt động bình thường của thị trường tài sản định danh bằng USD - điều mang lại lợi ích cho chính nước Mỹ.

Mối quan tâm của Fed đối với các vấn đề kinh tế, tài chính toàn cầu cũng xuất phát từ logic tương tự. Dù các nhà hoạch định chính sách Fed luôn nhấn mạnh rằng quyết sách được đưa ra dựa trên các điều kiện kinh tế nội địa, họ cũng đồng thời tính đến những tác động từ thị trường quốc tế có thể quay trở lại ảnh hưởng đến tăng trưởng, việc làm và lạm phát tại Mỹ.

Trong khi đó, Tổng thống Trump lại dường như muốn tạo ra khoảng cách lớn hơn giữa nền kinh tế Mỹ với phần còn lại của thế giới - yếu tố có thể tác động đến việc chọn người kế nhiệm ông Powell và định hình lại thị trường tài chính toàn cầu.

Khi kế hoạch áp thuế của ông Trump được công bố, sự đồng thời sụt giảm của đồng USD và thị trường chứng khoán Mỹ, cùng với việc lợi suất trái phiếu kho bạc tăng vọt, đã cho thấy vị thế “trú ẩn an toàn” của tài sản Mỹ có thể đã bị tổn hại.

Trong một báo cáo gần đây, các chuyên gia kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết họ dự báo một “cuộc suy thoái nhẹ” sẽ xảy ra tại Mỹ vào cuối năm nay, chủ yếu do tác động từ các chính sách của chính quyền Trump.

“Trong trường hợp của Mỹ, ranh giới giữa suy giảm chu kỳ và những can thiệp có chủ đích từ chính sách đang trở nên mờ nhạt”, Marcello Estevao, Giám đốc điều hành kiêm Kinh tế trưởng IIF và Jonathan Fortun, chuyên gia kinh tế cao cấp nhận định và thêm rằng: “Thay vì chịu tác động từ một cú sốc bên ngoài truyền thống, nước Mỹ hiện đang trải qua một giai đoạn giảm tốc được thiết kế có chủ ý”.

Trong khi đó, Fed có thể bị kẹt giữa hai "gọng kìm": tăng trưởng chậm lại nhưng lạm phát vẫn cao, buộc cơ quan này phải cân nhắc kỹ lưỡng liệu áp lực giá có thể tự điều chỉnh hay không.

Tổng Giám đốc IMF, Kristalina Georgieva nhận định tuần trước rằng sau giai đoạn phối hợp chặt chẽ để chống dịch và sau đó là kiềm chế lạm phát, các ngân hàng trung ương toàn cầu hiện đang đứng trước bước ngoặt chính sách.

“Chúng ta đang bước vào giai đoạn mà mỗi nền kinh tế phải đi theo một con đường riêng. Một số quốc gia đang chịu áp lực lớn từ tăng trưởng chậm, trong khi ở những nơi khác tình trạng khan hiếm hàng hóa và giá cả tăng cao có thể làm lạm phát bùng phát trở lại”, bà nói.

Đại Hùng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/loi-di-nao-cho-fed-khi-phai-can-bang-giua-chinh-sach-tien-te-va-ap-luc-chinh-tri-163270.html