Lối đi riêng trên con đường ngoại giao kinh tế

Bài 2:
DỒN LỰC PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP SẠCH

BPO - Nhiệm kỳ 2020-2025 đã đi được nửa chặng đường, Bình Phước vẫn xem ngoại giao kinh tế (NGKT) là đòn bẩy để bứt phá đi lên. Bình Phước nhất quán trong cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính và tăng cường kết nối vùng... Đồng thời, chuyển đổi tư duy từ quản lý sang hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp (DN) với cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể. Hiện có 378 dự án thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD, NGKT vẫn đang khẳng định vai trò trung tâm trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh.

"Bàn tiệc" không chỉ đẹp mà còn hợp "khẩu vị"

Nếu ví các khu công nghiệp (KCN) là những bàn tiệc thì lãnh đạo tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành hữu quan phải dựa trên lợi thế của tỉnh để tạo nên những bàn tiệc sạch, có khẩu vị riêng, được nhiều DN yêu thích. Bình Phước vẫn đang thực hiện nhất quán mục tiêu: Đẩy nhanh quá trình hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, dân cư đô thị, thương mại - dịch vụ. Hiện nay, dư địa để thực hiện mục tiêu vẫn rất rộng mở...

Ưu thế để thu hút FDI ở Bình Phước là cơ sở hạ tầng đồng bộ, đầu tư chỉn chu ngay từ đầu, ứng dụng công nghệ để quản lý với mô hình: xanh - thương mại - dịch vụ và hiện KCN Minh Hưng - Sikico là một điển hình. Theo Nghị quyết số 01-NQ/HĐND ngày 17-1-2023 thông qua quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh quy hoạch 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.827,41 ha, phân bố tại các huyện trên địa bàn tỉnh; hình thành ít nhất 3 cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến nông sản: hạt điều, tiêu, cà phê, trái cây.... Dự kiến đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 27 KCN với tổng diện tích hơn 18.100 ha. Đưa Bình Phước thành tỉnh công nghiệp có vị trí quan trọng đặc biệt trong khu vực Đông Nam Bộ.

Khu công nghiệp Minh Hưng - Sikico với những lợi thế là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư - Ảnh: Anh Ngọc

Theo số liệu từ Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Bình Phước hiện có 15 KCN và 1 khu kinh tế được cấp phép hoạt động. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy các KCN của tỉnh ở mức cao so với bình quân chung. Lợi thế cạnh tranh, tiềm năng và thế mạnh trong thu hút đầu tư của tỉnh tập trung ở lực lượng lao động trẻ dồi dào, cơ sở hạ tầng giao thông thuận tiện, điều kiện an sinh xã hội tốt; sự quan tâm, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất của tỉnh dành cho DN.

Đoàn công tác tỉnh Bình Phước do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn thực hiện xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc - Ảnh: Nguyễn Hằng

Bên cạnh hạ tầng sạch, để cải cách thủ tục hành chính, quyết liệt trong đổi mới phương thức phục vụ DN thì chuyển đổi số là khâu then chốt. Ngày 18-5-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, với quan điểm lấy người dân và DN làm động lực kiến tạo, phát triển của quá trình chuyển đổi số. Cụ thể hóa chủ trương, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 312/KH-UBND ngày 13-10-2021; thành lập Ban chỉ đạo ngày 26-11-2021 do Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền làm Trưởng ban. Đây cũng chính là bước quan trọng để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, tỉnh Bình Phước còn có chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Tại Kết luận số 993-KL/TU ngày 21-4-2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 về các nội dung hội nghị lần thứ 13 nêu rõ: Tỉnh ủy yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục đề cao trách nhiệm, nỗ lực, nêu gương với quyết tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có NGKT; đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng KCN, các dự án trọng điểm, thu hút đầu tư...

...và vốn FDI đổ về

Đầy đủ “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” nên những năm gần đây, Bình Phước tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp mũi nhọn đẩy nhanh quá trình NGKT, đưa Bình Phước thành điểm đến lý tưởng, thu hút đầu tư FDI. Sau hơn 26 năm tái lập, Bình Phước vẫn nhất quán quan điểm chỉ đạo, điều hành: Lấy tiêu chí thân thiện với môi trường ưu tiên hàng đầu, đồng nghĩa không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Theo đó, Bình Phước luôn tạo ra hạ tầng các KCN sạch để thu hút đầu tư. Các KCN luôn được đầu tư bài bản, quy mô, đồng bộ và hướng đến nhu cầu thực của các DN theo hướng phát triển bền vững.

Ngày 26-5-2023, đoàn công tác tỉnh Bình Phước do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn thăm, làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Tây Australia - Ảnh: Nguyễn Hằng

Việc Nhà máy Hayat Kimya của Công ty TNHH Hayat Việt Nam (thuộc Tập đoàn Hayat Thổ Nhĩ Kỳ) xây dựng tại KCN Becamex - Bình Phước năm 2022 là điển hình rõ nét về thu hút FDI theo hướng bền vững. Nhà máy có thiết kế giảm thiểu tác động đến môi trường, tiết kiệm nước, nguyên vật liệu với mức phát thải bằng 0. Công ty cũng đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời 5,3MWp để tận dụng tối đa khả năng vận hành của dây chuyền sản xuất. Hayat đặt mục tiêu tiết kiệm 6,5MWh điện như một phần của cam kết phát triển bền vững tại Việt Nam.

Sự có mặt của Hayat là minh chứng thuyết phục cho sự hấp dẫn của Bình Phước trong thu hút đầu tư đối với các tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới. Bình Phước sẽ luôn coi sự thành công của DN là thành công của tỉnh. Với nền tảng "4 tốt" của Bình Phước (hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt, dịch vụ công tốt), tỉnh luôn hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư tại tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN TUỆ HIỀN phát biểu tại lễ khánh thành Nhà máy Hayat Kimya

Nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đi được nửa chặng đường. 2023 là năm bản lề hết sức quan trọng để Bình Phước tăng tốc. Dù điều kiện không thuận lợi, bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng GRDP Bình Phước tăng trưởng khá cao, năm 2021 GRDP của tỉnh đạt 7,34% và 2022 là 8,42%, vượt chỉ tiêu đề ra đã tiếp thêm động lực cho tỉnh bứt phá. Riêng FDI năm 2021, tỉnh thu hút 70 dự án với số vốn 600 triệu USD, tăng gấp 2 lần về số dự án và 3 lần số vốn so với năm 2020. Những tháng đầu năm 2023, thu hút FDI khởi sắc với 15 dự án, nâng tổng số lên 378 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD. Các dự án của Trung Quốc với tổng vốn hơn 500 triệu USD là một điển hình.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh tiếp, làm việc với đoàn công tác thuộc Tập đoàn đa quốc gia John Swire & Sons tại Việt Nam - Ảnh: Thanh Mảng

Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh tiếp và làm việc với đoàn công tác thuộc Tập đoàn đa quốc gia John Swire & Sons tại Việt Nam - Ảnh: Thanh Mảng

Đoàn công tác của Tập đoàn đa quốc gia John Swire & Sons tại Việt Nam khảo sát tại dự án Khu du lịch hồ Suối Cam, TP. Đồng Xoài - Ảnh: Thanh Mảng

Gần đây nhất là buổi làm việc của tỉnh do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường chủ trì tiếp đoàn công tác thuộc Tập đoàn đa quốc gia John Swire & Sons tại Việt Nam do Trưởng đại diện Josh Williams làm trưởng đoàn vào ngày 5-6 cũng hứa hẹn nhiều cơ hội cho các DN đến đầu tư tại tỉnh. Đó là những minh chứng rõ nét về NGKT của tỉnh qua lợi thế đặc thù và tầm nhìn chiến lược.

Những tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế bằng sự đầu tư đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm nên nhiều năm trở lại đây, Bình Phước luôn giữ vị trí top đầu trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khẳng định tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, tỉnh vẫn tích cực thay đổi cơ chế, chính sách theo hướng khuyến khích, ưu đãi, có lợi cho DN. Tập trung thu hút mạnh FDI, xem đây là yếu tố then chốt, tin chắc mục tiêu phát triển Bình Phước trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại vào năm 2030 sẽ thực hiện thành công.

Ngọc Tú

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/145228/loi-di-rieng-tren-con-duong-ngoai-giao-kinh-te