Lời Đức Phật dạy về việc xây dựng sự cường thịnh của một quốc gia

c Phật hết sức tinh tế khi nhận ra rằng bất kỳ một quốc gia nào, song hành bên cạnh Luật còn có Lệ. Lệ chính là một thứ 'luật bất thành văn' được mọi người tuân thủ như những 'quy tắc truyền thống'.

Đức Phật hết sức tinh tế khi nhận ra rằng bất kỳ một quốc gia nào, song hành bên cạnh Luật còn có Lệ. Lệ chính là một thứ “luật bất thành văn” được mọi người tuân thủ như những “quy tắc truyền thống”.

Tác giả: Cư sĩ Đào Văn Bình

Theo các sử gia, các nhà nhân chủng học và khảo cổ học, cách đây khoảng 5000 năm, ở nền văn minh tối cổ, một số thủ lĩnh đã thống nhất được các bộ tộc, hình thành những vương quốc hùng mạnh.

Trung Hoa có vua Hoàng Đế (5000 năm) (1), Việt Nam có lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm (2). Ai Cập có vua Thinite King Den (4800 năm) (3). Còn tại Ấn Độ, nền văn mình đã có cách đây 4500 năm nhưng phải đợi tới năm 298 trước Tây lịch, Đế Quốc Maurya mới hình thành và từ 273-232 trước Tây lịch với Đế Quốc Khổng Tước của Asoka Đại Đế (4)

Tại Hy Lạp nền văn minh hình thành năm 2500 trước Tây lịch và tới năm 400 trước Tây lịch, Athens trở thành một đô thị dân chủ với mọi nam công dân có quyền phục vụ thường trực tại nghị viện, nơi biểu quyết các đạo luật và chính sách của quốc gia (5)

Thế nhưng phải mất gần 4500 năm, tức khoảng từ 500 tới 400 năm trước Tây lịch, tư tưởng và học thuật “trị quốc” mới nở rộ từ Đông sang Tây trong đó Khổng Tử, Mạnh Tử chủ trương Đức Trị, Hàn Phi Tử, Thương Ưởng chủ trương Pháp Trị, Mặc Tử chủ trương Kiêm Ái “đó là tình thương bình đẳng và phổ cập” bởi vì ”Loạn từ đâu sinh? Sinh ra bởi không yêu nhau” (5) từ đó nước Trung Hoa hình thành một lớp sĩ phu gọi là quân tử với kim chỉ nam: Cách vật Trí Tri, Chính Tâm, Thành Ý, Tu (thân), Tề (gia), Trị (quốc). Bình (thiên hạ).

Còn tại Hy Lạp năm 428-348 trước Tây Lịch, Plato đã nổi tiếng với tác phẩm The Republic (Nền Cộng hòa) có thể liên quan tới ý tưởng “Một cộng đồng được tổ chức chặt chẽ của những nhà tư tưởng có cùng chí hướng” (6).

Cùng thời với đức Phật hoặc sau đức Phật khoảng hơn 100 năm, không một triết gia hoặc một nhà tư tưởng Đông-Tây nào có một cái nhìn quán triệt, bao quát về sự thái bình và cường thịnh của một quốc gia. Khổng Tử chủ trương tu thân, Mặc Tử chủ truơng tình thương. Đồng ý tu thân và tình thương là căn bản, nhưng còn tương quan xã hội giữa con người và con người như thế nào? Vấn đề văn hóa như thế nào? Thế nào là tâm linh của cộng đồng dân tộc? Còn Pháp Gia chủ trương lấy hình pháp để trị dân.

Đồng ý luật pháp là điều kiện ắt có để ổn định xã hội, nhưng ngoài luật pháp, quốc gia còn cần những gì nữa? Những yếu tố nào tạo đoàn kết và đâu là điểm hội tụ của đất nước? Plato chủ trương đất nước cần được cai trị bởi những nhà trí thức, đúng ra là các triết gia – vì lúc đó họ quan niệm rằng triết gia là những người hiểu biết, thành thực và sáng suốt nhất. Từ đó mà có danh từ hiền triết. Thế nhưng còn khối đông quần chúng bình thường không phải là “triết gia” thì sao?

Thật lạ lùng, chỉ riêng đức Phật đã có một cái nhìn toàn diện, tổng hợp mọi lĩnh vực như luật pháp, văn hóa, xã hội, chính trị và tâm linh. Đó không phải là thuật “trị quốc” nhưng là những thành tố không thể thiếu vắng cho sự đoàn kết và từ đó đi đến phát triển và cường thịnh của bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta hãy thử đọc mẩu đối thoại dưới đây: (7)

“Cuộc hành trình cuối cùng của đức Phật bắt đầu từ thành Vương Xá (Rajagaha) kinh đô xứ Ma Kiệt Đà (Magadha). Trước khi Ngài rời thành Vương Xá (Rajagaha), Vua A Xà Thế (Ajatasattu), vị vua giết cha, có sai viên đại thần đại thần của mình có tên Vassakara đề dò ý kiến Ngài về mưu định của nhà vua muốn gây chiến với nước Cộng hòa Vajjian (8), thuở ấy rất trù phú. Điều kiện thịnh suy.

Đức Phật dạy:

1) Ngày nào mà người dân Vajjian còn thường gặp gỡ và tụ họp đông đảo với nhau;

2) Ngày nào mà người dân Vajjian còn tụ họp trong tinh thần đoàn kết, còn vươn mình tiến triển trong tinh thần đoàn kết và làm tròn nhiệm vụ trong tinh thần đoàn kết.

3) Ngày nào mà người dân Vajjian không ban hành những đạo luật mới mẻ chưa từng được ban hành, không hủy bỏ những đạo luật sẵn có, và sống thích hợp với những quy tắc cổ truyền;

4) Ngày nào mà người dân Vajjian còn hộ độ, tôn sùng, kính trọng và đảnh lễ các bậc trưởng thượng trong xứ, và còn nghe những lời dạy thích nghi của các vị này;

5) Ngày nào mà người dân Vajjian không còn một người đàn bà hay con gái nào bị quyến rũ hay cưỡng ép phải sống với kẻ ngoại nhân;

6) Ngày nào mà người dân Vajjian còn bảo trì, tôn trọng, kính nể và làm vẻ vang các tôn miếu của họ, dù ở trong hay ở ngoài tỉnh thành, và không sao lãng những nghi lễ cổ truyền;

7) Ngày nào mà người dân Vajjian còn bảo bọc, bênh vực, và nhiệt thành ủng hộ các vị A La Hán, khiến các vị nào chưa đến sẽ đến trong xứ và vị nào đã đến, được sống an lành.

Ngày nào mà bảy điều kiện trên còn được thực hiện, thì dân tộc Vajjian không thể suy đồi, trái lại còn cường thịnh hơn trước.”

Khi nghe chính đức Phật giảng dạy bảy điều kiện thịnh suy của người dân Vajjian, vị đại thần Vassakara nhận thức chắc chắn rằng vua xứ Ma Kiệt Đà (Magadha) không thể chiến thắng dân tộc Vajjian. “ (Trang 240 &241)

Cuộc vấn đáp này diễn ra vào lúc đức Phật đã 80 tuổi, cơ thể Ngài đã suy yếu, cơ hồ như một “chiếc xe đã quá cũ”. Thế nhưng với nghị lực và trí tuệ minh mẫn phi thường, với lòng từ bi, hằng ngày Ngài vẫn tiếp khách không từ chối một người nào từ vua quan đến thứ dân để trả lời những thắc mắc của họ và Ngài luôn giảng giải cặn kẽ.

Trong cuộc đối thoại nói trên, đức Phật không đứng về phe nào, cũng không hề lên tiếng ngăn cản Vua A-Xà-Thế tiến hành cuộc chiến tranh. Mà bằng sự phân tích khách quan, mà tự thân sự trình bày khách quan đã có sức thuyết phục, khiến đại thần Vassakara tự tìm thấy câu trả lời. Mẩu đối thoại trên, ngày nay vẫn còn được coi như là những tiêu chuẩn mẫu mực đánh giá sự cường thịnh của một quốc gia cho dù hơn 2500 năm đã qua.

Dưới đây chúng ta sẽ phân tích cặn kẽ từng điểm một:

Về điều kiện thứ nhất: Khi mà “Người dân thường gặp gỡ và tụ họp đông đảo với nhau” thì đó là dấu hiệu của thái bình, tin cậy và chia sẻ. Ngược lại, khi một cộng đồng mà “chó không dám sủa, gà không dám kêu” nhà nhà đóng cửa im ỉm, người ra đường len lén nhìn nhau nghi ngại rồi vội vã, ai về nhà nấy là một cộng đồng “chết”.

Khi mọi người ra đường mà thiếu vắng tiếng chào hỏi “cụ, ông bà, thầy, chú, bác, cô, các cháu… có mạnh khỏe không?“ là dấu hiệu của một cộng đồng chia rẽ và thiếu tình thương. Từ tình lân lý, xóm giềng, quen biết mà đẻ ra tình non tình nước là như thế.

Ngày xưa dân tộc ta sống bao bọc trong lũy tre làng, lúc đó làm gì có báo chí, TV, điện thoại, Internet … Thậm chí chuyện xảy ra ở làng bên cũng không hề hay biết – mà tại sao có thể đoàn kết để đánh thắng bao nhiêu cuộc xâm lăng hùng mạnh từ phương Bắc? Bởi vì đình làng là chỗ người dân tụ hội để bàn chuyện làng, chuyện nước.

Hội làng là chỗ trăm họ vui chơi, gái trai hò hẹn. Đầu trên xóm dưới không bao giờ vắng tiếng chào hỏi. Ngả nón chào nhau một tiếng là nề nếp gia phong là văn hóa và thể hiện tinh thần cảm thông và chia sẻ.

Về điều kiện thứ hai:“Tụ họp trong tinh thần đoàn kết, vươn mình tiến triển trong tinh thần đoàn kết và làm tròn nhiệm vụ trong tinh thần đoàn kết.” Xin thưa rằng: “Vươn mình tiến triển trong tinh thần đoàn kết và làm tròn nhiệm vụ trong tinh thần đoàn kết” có nghĩa là không tị nạnh, ghen ghét khi làm công việc chung.

Tại Hoa Kỳ, ngoài những hình ảnh xấu phơi bày trước mắt mà cả thế giới đều thấy, tiềm tàng trong tâm thức của người dân là tinh thần phục vụ và thiện nguyện rất đáng kính phục. Cứ thử nhìn vào Hoa Kỳ mỗi khi có thiên tai như lụt lội, bão tố, cuồng phong, hỏa hoạn. Không cần đợi chính quyền kêu gọi, người dân tự động bảo nhau thành lập các toán cấp cứu, các đoàn cứu trợ.

Họ làm việc trong tinh thần yêu thương, chan hòa, vui vẻ. Khi thiên tai đã qua thì ai về nhà nấy, không cần huy chương hay khen thưởng. Có lẽ điều này đã thấm vào máu dân tộc Hoa Kỳ hơn 200 năm rồi.

Chính vì thế mà khi nhìn vào sinh hoạt của người dân Vajjian, đức Phật thấy ngay dân tộc này thực sự có đoàn kết. Mà khi đã có đoàn kết rồi thì như người Hoa Kỳ nói “United We Stand” (Đoàn Kết Thì Sống). Khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) thì họ đã đánh giá sai lầm tiềm năng và tinh thần đoàn kết của người dân Hoa Kỳ.

Cuối cùng Nhật Bản đã thua. Cũng như người Trung Hoa- nói đúng ra những người cầm quyền ở Trung Hoa – luôn luôn đánh giá sai lầm tinh thần đoàn kết của Đại Việt ta. Triều đại Trung Hoa sau không bao giờ học được bài học thất bại ô nhục của triều đại đi trước và luôn có tham vọng thôn tính và nô lệ hóa dân tộc Việt Nam.

Cho nên đoàn kết đối với dân tộc Việt Nam, không phải chỉ là nhu cầu phát triển, mà còn là nhu cầu sống còn trước mối đe dọa thường xuyên từ phương Bắc.

Về điều kiện thứ ba:“Không ban hành những đạo luật mới mẻ chưa từng được ban hành mà không làm lợi lạc cho xã hội, không hủy bỏ những đạo luật sẵn có, sống thích hợp với những quy tắc cổ truyền”. Đây là vấn đề tạo ổn định đời sống cho cả cộng đồng dân tộc bởi vì – muốn xã hội ổn cố, luật pháp phải ốn cố trước đã. Người dân sẽ vô cùng bối rối, mất tin tưởng, từ mất tin tương đi đến hỗn loạn khi luật pháp thay đổi như chong chóng.

Dĩ nhiên khi cuộc sống đổi thay và xã hội tiến lên thì luật pháp cũng phải thích nghi với hoàn cảnh mới. Nhưng không vì thế mà hủy bỏ những đạo luật tốt đẹp đã có trong quá khứ.

Hoa Kỳ trải qua hơn 200 năm lập quốc, chỉ có một bản hiến pháp duy nhất ban hành vào năm 1787. Đã có rất nhiều bản tu chính hiến pháp nhưng những điều căn bản vẫn còn được giữ nguyên, điều này chứng tỏ Hoa Kỳ không bao giờ có bất ổn chính trị.

Trái hẳn với Thái Lan từ năm 1932 tới nay, đã thay đổi hiến pháp tới 16 lần do những cuộc đảo chính liên miên của nhóm quân phiệt. Rất may, đức Vua Bhumibol vẫn còn đó như là một tụ điểm của dân tộc và Phật Giáo là biểu tượng tâm linh để nối kết. Nếu không thì đất nước Thái Lan đã tan nát bởi nạn kiêu binh và sứ quân rồi.

Đức Phật cũng hết sức tinh tế khi nhận ra rằng bất kỳ một quốc gia nào, song hành bên cạnh Luật còn có Lệ. Lệ chính là một thứ “luật bất thành văn” được mọi người tuân thủ như những “quy tắc cổ truyền”. Không phải chỉ Việt Nam ta mới sống bằng lệ qua câu nói “Phép vua thua lệ làng” mà cả các nước Âu Tây cũng sống bằng Lệ – tức là những quy tắc cổ truyền hay truyền thống.

Chính những quy tắc cổ truyền này đã tạo nên tính độc đáo cho từng dân tộc, cũng là cách bày tỏ lòng tôn kính di sản văn hóa cha ông để lại. Việt Nam chúng ta có nhiều truyền thống tốt đẹp vẫn còn được tuyệt đại đa số quần chúng yêu mến và giữ gìn từ thời đại Hùng Vương cho tới ngày nay. Nó chính là sự thuần nhất về văn hóa. Khác biệt về truyền thống dân tộc và xung đột văn hóa là nguyên do chính gây chia rẽ, suy yếu dân tộc và có thể đưa đến chia cắt đất nước.

Về điều kiện thứ tư: Hộ độ, tôn sùng, kính trọng và đảnh lễ các bậc trưởng thượng trong xứ, và còn nghe những lời dạy thích nghi của các vị này” Đây chính là sức mạnh văn hóa của một dân tộc và cũng là nấc thang giá trị của xã hội.

Trên bình diện luật pháp và nhân quyền, mọi người: nam- phụ- lão- ấu, bất kể sang hèn, giầu nghèo, địa vị xã hội, lành mạnh hay khuyết tật…đều có phẩm giá, nhân cách và được đối xử ngang nhau. Thế nhưng trên bình diện văn hóa và đạo đức, những người có công lao với đất nước, những người tận tụy hy sinh cả đời mình cho nhân quần xã hội, những nhà trí thức – mà ở đây đức Phật gọi là các bậc trưởng thượng – họ phải được quần chúng kính nể và lắng nghe.

Khi mà những kẻ côn đồ, dao búa, những kẻ sống thác loạn, trụy lạc, những kẻ trọc phú, những kẻ vô phẩm hạnh mà được TV, báo chí tới phỏng vấn, bốc lên như một thứ “role model” – khuôn mẫu cho mọi người vươn tới – thì đó là một xã hội hư đốn đồi trụy, một xã hội không còn coi học vấn và phẩm hạnh là những gì tôn quý.

Rất may mà xã hội ta, dù hội nhập với trào lưu Toàn Cầu Hóa nhưng vẫn còn biết quý trọng các nhà trí thức, những nhà người đạo đức và những người giàu lòng nhân ái. Một tấm gương sáng ngời còn lưu lại trong sử Việt là sự kiện Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, dù đã cáo lão từ quan, về sống ẩn dật tại làng quê mà lúc nào cũng được vua nhà Mạc, Chúa Nguyễn và Chúa Trịnh tôn kính, vấn hỏi.

Và ngay tại các quốc gia Âu-Mỹ, nơi mà các tài tử ci-nê, các siêu mẫu, ca sĩ, cầu thủ football nổi tiếng như cồn và được nhiều triệu người ái mộ, nhưng khi cần phải tham khảo ý kiến về những vấn đề trọng đại của đất nước thì không phải là những người này…mà là các nhà trí thức, các chuyên viên thượng thặng, các cựu tổng thống, thủ tướng… Điều này chứng tỏ xã hội Âu Tây, bên cạnh cái đà cực kỳ nhố nhăng, vẫn có một dòng chính (mainstream) để bảo tồn giá trị văn hóa của họ.

Về điều kiện thứ năm:“Không còn một người đàn bà hay con gái nào bị quyến rũ hay cưỡng ép phải sống với kẻ ngoại nhân.” Đây là vấn đề nhân phẩm của phụ nữ và vai trò của phụ nữ trong xã hội.

Đức Phật là vị giáo chủ duy nhất trên thế giới chủ trương “nam nữ bình quyền”. Ngài đã thu nhận làm đệ tử, truyền giới tỳ kheo ni và cho phép nhập Tăng Già rất nhiều phụ nữ.

Theo đức Phật, một xã hội lành mạnh không phải là một xã hội mà đàn bà bị đối xử bất công hay đối xử như một thứ nô lệ. Người đàn bà có một vai trò rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái và xây dựng hạnh phúc gia đình. Danh từ mẫu giáo phát sinh từ đó. Khi nhìn vào sinh hoạt của phụ nữ tại Vajjian, đức Phật tiên đoán rằng đây là một xứ sở cường thịnh.

Giống như ngày hôm nay, có thể nói trên thế giới, tại tất cả các quốc gia văn minh tiến bộ, quyền lợi của phụ nữ đều được bảo vệ và phụ nữ đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hành và phát triển xã hội.

Về điều kiện thứ sáu: “Bảo trì, tôn trọng, kính nể và làm vẻ vang các tôn miếu của họ, dù ở trong hay ở ngoài tỉnh thành, và không sao lãng những nghi lễ cổ truyền” Truyền thống dân tộc không phải là một cái gì trừu tượng, khơi khơi, chỉ nằm trong sách vở mà nó phải được nhìn thấy, cảm thấy, nhớ tới, tôn kính, bảo bọc, giữ gìn. Hai chữ “tôn miếu” mà đức Phật dùng ở đây chính là đình, chùa, lăng, miếu và văn miếu.

Nó là những biểu hiện sống động của văn hóa, lịch sử, niềm tự hào hay khí phách của dân tộc. Khi mà Đền Thờ Quốc Tổ không nhang khói, khi mà Đền Thờ Thánh Gióng, Thánh Trần, Hai Bà Trưng, Bà Triệu hoang phế, khi Văn Miếu không được bảo bọc trùng tu, giới thiệu cho khách ngoại quốc và thế hệ trẻ biết thì đất nước Đại Việt suy vong hoặc đang lâm vào vòng nô lệ. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta bảo thủ.

Hãy cứ thử nhìn vào đất nước Hoa Kỳ mà xem. Nghĩa Trang Arlington tại Hoa Thịnh Đốn xây dựng năm 1802 tức đã hơn 200 năm và có gì đâu mà sao được cả thế giới biết tới?

Tôi đã từng thăm viếng Nghĩa Trang Arlington và đã chứng kiến cảnh một đoàn sinh viên nam nữ Nhật Bản ăn mặc đồng phục xinh đẹp, xếp hàng để vào thăm viếng nghĩa trang này. Tại sao vậy? Thực ra đây chỉ là nơi chôn cất các chiến binh Hoa Kỳ tử trận hoặc các vị có công với đất nước như tổng thống Kennedy chẳng hạn.

Thế nhưng Nghĩa Trang Arlington lại được thiết trí thành thắng cảnh, có viện bảo tàng, có phòng chiếu phim, có nơi tiếp đón và hướng dẫn du khách. Để tạo cơ hội cho sinh nghiên cứu lịch sử, hầu như vào dịp Nghỉ Hè, các em được nhà trường khắp các tiểu bang sắp xếp cho thăm viếng thắng tích này. Và điểm quan trọng hơn nữa, mỗi năm vào Ngày Chiến Sĩ Trận Vong (Memorial Day) các Tổng Thống Hoa Kỳ đều đến đây dự lễ và đọc diễn văn, dù bận bịu lắm cũng phải cử phó tổng thống.

Trong suốt nhiệm kỳ 4 năm, chỉ cần thiếu sót một lần thăm viếng nghĩa trang Arlington, là báo chí và các sử gia đã ghi chép và đánh giá rồi. Cứ thử tưởng tượng mình là nguyên thủ quốc gia- kiêm tổng chỉ huy tối cao quân đội – mà ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong lại không đến nghĩa trang anh hùng tử sĩ để nghiêng mình kính cẩn thắp một nén nhang…thì toàn dân sẽ nghĩ thế nào? Thứ nữa, “không sao lãng các nghi lễ cổ truyền” là gì? Ý đức Phật muốn dạy gì đây? Xin thưa rằng mỗi quốc gia, mỗi bộ tộc đều có những “nghi lễ cổ truyền”.

Ngoài những nghi lễ có tính cách gia đình như lễ Gia tiên, lễ cưới, đối với xã thôn, cộng đồng còn có nghi lễ thờ phượng các bậc anh hùng dân tộc. Bên cạnh đó lại còn có những Lễ trên qui mô quốc gia – chẳng hạn như Việt Nam dưới thời quân chủ có lễ Nam Giao do đích thân nhà vua chủ tế, không ngoài mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, bá tánh an cư lạc nghiệp. Ngày nay ý nghĩa của Tế Nam Giao được chuyển hóa thành Lễ Cầu Cho Quốc Thái Dân An do hằng trăm, có khi hằng ngàn chư tăng/ni vân tập chí tâm cầu nguyện.

Vì tuyệt đại đa số dân Việt không tôn thờ Thần Giáo cho nên không thể nói đây chuyện mê tín dị đoan, cứ cầu nguyện van vái rồi về nhà gác chân ngủ thì Thần và Mẹ Của Thần sẽ ban “quốc thái dân an” cho chúng ta.

Chúng ta thừa thông minh để hiểu rằng, bằng oai lực của Chư Phật, Chư Vị Bồ Tát, Tiên Hiền Liệt Sĩ, bằng tâm nguyện chí thành của chư tăng ni, qua nghi lễ này, từ chính quyền đến thứ dân, trăm họ sẽ cùng cảm thông, cùng chia sẻ vinh dự, trách nhiệm và đóng góp hết sức mình vào – như là một Tổng Lực Của Quốc Gia để xây đắp sự cường thịnh và thái hòa cho đất nước:

Thái bình nghi nỗ lực
Vạn cổ thử giang san
(Thượng tướng Trần Quang Khải)

Về điều kiện thứ bảy: “Bênh vực, và nhiệt thành ủng hộ các vị A La Hán, khiến các vị nào chưa đến sẽ đến, vị nào đã đến, được sống an lành”. Hiển nhiên đây là vấn đề tâm linh và đạo đức của cộng đồng dân tộc. Theo kinh điển Phật Giáo thì A La Hán (Arhat) là những vị đã đoạn trừ hết phiền não, không còn bị nhiễm ô bởi trần cấu và dĩ nhiên các ngài “hiền như Bụt”. Các vị A La Hán theo đức Phật, xứng đáng thụ nhận đồ cúng dường của phật tử.

Tại các chùa, đặc biệt là Trung Hoa và Việt Nam, ngoài việc thờ phượng các đức Phật, còn thờ các vị Bồ Tát và A La Hán, chẳng hạn Chùa Bái Đính ở Ninh Bình đã tạc 500 tượng A La Hán bằng đá để tôn trí.

Thời đức Phật tại thế, rất nhiều vị đã chứng quả A La Hán. Nhưng ngày nay, A La Hán có thể hiểu là các vị “chân tu, đạo hạnh” mà đức độ tỏa sáng thấy rõ qua ngôn ngữ, cử chỉ, hành động và lối sống thanh tịnh, đạm bạc. Đức Phật dạy rằng chúng ta cần phải “bênh vực và nhiệt tình ủng hộ” các vị này. Đó là dấu hiệu của một đất nước có mẫu mực đạo đức cao, sống bằng thân ái và nhường nhịn nhau qua Tứ Vô Lượng Tâm: Từ-Bi-Hỉ-Xả..

Kết luận: Mẫu đối thoại trên đây đã giúp chúng ra rút được ba điều lý thú:

1) Đây chỉ là một trong rất nhiều điều mà đức Phật đã giảng dạy cho hàng đệ tử hoặc khuyên răn các hàng vua chúa, quý tộc, đại thần là không nên gây chiến tranh để tổn hại sinh linh.

Vì giáo pháp của đức Phật là giáo pháp hòa bình cho nên tự thân đức Phật đã là sứ giả của hòa bình. Do đó giáo đoàn hay tăng đoàn của đức Phật là một giáo đoàn (nay là Giáo Hội) hòa bình. Tín đồ tuân thủ giáo pháp của Ngài luôn luôn là những kẻ yêu chuộng hòa bình.

Cho nên từ hơn 2500 năm nay, chúng ta không thấy bất cứ một giáo hội Phật giáo nào, ở bất cứ nơi đâu chủ trương gây chiến, xâm lược, chinh phạt hoặc khích động chiến tranh để bành trướng hay lấy cớ bảo vệ Phật giáo. Ngoài ra cũng không hề có bất cứ một bộ tộc, một cộng đồng Phật Giáo nào đòi chia cắt đất nước, ngưỡng vọng hoặc làm tay sai cho ngoại bang để phản lại đất nước mà mình đang sinh sống, cho dù nơi đó họ là thiểu số và không được ưu đãi.

2) Cũng qua mẩu đối thoại này, hiển nhiên việc quan đại thần Vassakara dẹp bỏ ý định gây chiến, khiến hai xứ Ma Kiệt Đà và Vajjian tránh khỏi thảm họa, không phải do ý chỉ hoặc “phép mầu nhiệm” của Thần Linh mà do sự suy luận sáng suốt trước lời giảng dạy của đức Phật. Vậy thì bằng tình thương và trí tuệ, con người có thể tránh được nạn đao binh từ đó sống trong tình huynh đệ. Cầu nguyện để xin Thần Linh Tối Thượng ban hòa bình cho nhân loại là ảo vọng tức hy vọng hão huyền.

3) Cũng qua cuộc vấn hỏi này, những ai không hiểu biết gì về đức Phật và Phật giáo phải thấy rằng:

Đạo Phật không phải là đạo “ sống trên mây” mà đạo Phật là đạo lấy an lành, hạnh phúc và giải thoát của chúng sinh là cứu cánh, bằng cớ là trong cuộc giảng giải trên, đức Phật nói toàn chuyện “luật pháp, lịch sử, xã hội, văn hóa” chứ đức Phật có nói gì về Niết Bàn, về Tây Phương Cực Lạc đâu? Vốn xuất thân là Đông cung Thái tử, theo đuổi nghiệp kiếm cung từ thuở nhỏ, đức Phật dư biết rằng xứ Vajjian cũng có một quân đội hùng mạnh để bảo vệ đất nước, nhưng đức Phật lại là một vị lương y “tùy bệnh cho thuốc”.

Nói đến cái giàu của một quốc gia không gì bằng nói đến trí tuệ (chất xám) của dân tộc đó. Nói đến Sức Mạnh của một dân tộc không gì bằng nói đến ý chí của dân tộc đó. Kẻ bài xích hoặc không hiểu Phật giáo giống như kẻ ngông cuồng tới chân núi Hy Mã Lạp sơn, cầm một cục đá về nhà rồi hô hoán lên rằng đã nắm cả Hy Mã Lạp sơn trong tay.

Trải qua hơn 2500 năm, những lời giáo huấn của đức Phật cho quan đại thần Vassakara vẫn còn là khuôn vàng thước ngọc để xây dựng một quốc gia cường thịnh và hòa bình, cho dù thế giới ngày hôm nay con người đã đổ bộ lên mặt trăng, bước ra ngoài không gian và thám hiểm Hỏa tinh.

Thật may mắn thay cho nhân loại khi có một bậc thầy vĩ đại giáng sinh tại hành tinh này.

Tác giả: Cư sĩ Đào Văn Bình


(1) Theo Chronicle of the World (Biên Niên Sử Thế Giới) xuất bản năm 1989

(2) Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim

(3) World Book, Volume 10 xuất bản năm 1994

(4) World Book, Volume 8 xuất bản năm 1994 & Wikipedia tiếng Việt

(5) Tài liệu trên Internet

(6) Wikipedia tiếng Việt

(7) Trích trong Đức Phật và Phật Pháp của Ngài Narada Maha Thera, Phạm Kim Khánh dịch từ Anh Ngữ sang Việt Ngữ xuất bản ở Hoa Kỳ năm 2545 (PL) tức năm 2001 (TL). Ngài Narada có đến Nam Việt Nam sau pháp nạn 1963 và lưu lại nhiều ấn tượng và ảnh hưởng đối với tăng ni và phật tử Việt Nam.

(8) Nền cộng hòa ở đây và trong giai đoạn lịch sử này không có nghĩa tổng thống chế do dân bầu như ngày nay – mà người dân Vajjina lúc đó có tiếng nói trong những vấn đề của vương quốc.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/duc-phat-day-cuong-thinh-quoc-gia.html