Lợi dụng Black Friday để 'chạy' hàng tồn, hàng ế, hàng lỗi mốt?
Một số quan điểm cho rằng, ngày Black Friday là thời điểm 'vàng' để các thương hiệu 'chạy' hàng tồn. Nói một cách đơn giản, việc các thương hiệu áp dụng các chương trình giảm giá 'khủng' là để thanh lý nhanh các sản phẩm tồn kho, sản phẩm hết thời, lỗi mốt.
5 năm gần đây, vào ngày thứ 6 cuối cùng của tháng 11, hay còn gọi là ngày “thứ 6 đen tối”, ngày Black Friday đã trở thành “lễ hội mua sắm” trên cả nước. Vào ngày này, hầu hết các thương hiệu của nhiều ngành hàng đều mạnh tay giảm giá, để kích cầu thị trường.
Các cửa hàng “khô máu” với Black Friday
Trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, ngày Black Friday được rất nhiều địa phương hỗ trợ quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, ngày Black Friday dường như ít “kèn trống” hơn mọi năm.
Ngày Black Friday đã trở thành “lễ hội mua sắm” trên cả nước. (Ảnh: Việt Vũ)
Anh Vũ Tùng Sơn, chủ thương hiệu bán lẻ mỹ phẩm Hàn Quốc tại Hà Nội chia sẻ: “Mọi năm, trước ngày Black Friday khoảng nửa tháng, chúng tôi đã đăng tải các chương trình khuyến mại, giảm giá nhiều loại sản phẩm. Thế nhưng, 2 năm nay, nhất là năm 2021, do tình hình kinh tế rất khó khăn, nên không “a-dua” được như các năm trước”.
Theo anh Sơn, trong 2 tháng giãn cách xã hội, thương hiệu này gần như đứng trên bờ vực phá sản, vì không thể kham nổi chi phí thuê mặt bằng. Do đó, trong thời gian này, thương hiệu của anh Sơn cần phải “hồi phục” và chờ đợi giai đoạn cận Tết Nguyên đán mới có chương trình khuyến mại “khủng”.
Tương tự, bà Bích Ngọc, đại diện của một thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam chia sẻ: Khó khăn lớn nhất trong mùa Black Friday năm nay, chính là việc chưa thể có những sản phẩm mới cung ứng ra thị trường.
“Trong thời gian giãn cách, chúng tôi phải làm việc online, nên rất khó để tạo ra những sản phẩm mới ra mắt trong ngày Black Friday. Bên cạnh đó, vấn đề vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu cũng nhiều trở ngại, nên nguồn hàng có hiện nay rất hạn chế”, bà Ngọc chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, bà Linh Thùy, CEO của thương hiệu thời trang nữ Peggy nhấn mạnh: Sau nhiều năm, ngày Black Friday đã rất quen thuộc với người tiêu dùng. Nhiều thương hiệu cũng tranh thủ ngày này để đưa ra các chương trình ưu đãi, chấp nhận giảm lãi nhưng để tăng doanh số bán hàng.
Lợi dụng Black Friday để “chạy” hàng tồn?
Trong những ngày cận kề Black Friday, khắp các đường phố Hà Nội đều thấy các cửa hàng treo biển khuyến mại, giảm giá tới 40%, 50%, thậm chí lên tới 80%.
Trong 2 năm gần đây, ngày Black Friday dường như ít “kèn trống” hơn mọi năm. (Ảnh: Việt Vũ)
Tuy nhiên, chính vì giảm giá quá sâu, một số quan điểm cho rằng, ngày Black Friday lại là thời điểm “vàng” để các thương hiệu “chạy” hàng tồn. Nói một cách đơn giản, việc các thương hiệu áp dụng các chương trình giảm giá “khủng” là để thanh lý nhanh các sản phẩm tồn kho, sản phẩm hết thời, lỗi mốt.
Thừa nhận có hiện tượng này, ông Huy Nguyễn, đại diện chuỗi bán lẻ Cellphones cho biết: Nhiều nhà bán lẻ, hoặc website bán hàng online có hiện tượng nâng giá lên rồi đặt sale rất cao, hoặc sale các sản phẩm ế tồn, lâu. Tuy nhiên, các hành động này không thể qua mắt được người tiêu dùng.
Khắp các đường phố Hà Nội đều thấy các cửa hàng treo biển khuyến mại, giảm giá tới 40%, 50%, thậm chí lên tới 80%.
Theo đại diện của Cellphones, người tiêu dùng hiện nay rất thông thái, họ biết so sánh sản phẩm giữa nhà bán lẻ này, với nhà bán lẻ khác. Từ đó, người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm có giá bán phù hợp nhất.
Người tiêu dùng hiện đại cũng biết sản phẩm nào là hàng tồn, hàng lỗi mốt. Có thể, các nhà bán lẻ chơi chiêu trong ngày Black Friday, nhưng qua thời gian, họ sẽ mất niềm tin của người tiêu dùng.
“Ví dụ như trong ngành bán lẻ sản phẩm công nghệ, người tiêu dùng sẽ biết ngay những mẫu iPhone 12 mini, hoặc các mẫu Apple Watch đời cũ được giảm giá là hàng tồn, phải sale gấp để “đẩy hàng”. Trong khi đó, nếu thương hiệu nào chấp nhận sale những sản phẩm mới nhất, như iPhone 13 series chẳng hạn, thì rõ ràng thương hiệu đó chấp nhận cuộc chơi trong ngày Black Friday”, ông Huy nói.
PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Ngày càng nhiều doanh nghiệp, ngành hàng đẩy mạnh các hoạt động giảm giá kích cầu tiêu dùng cuối năm là bước đi rất đúng hướng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chia sẻ lợi nhuận với người tiêu dùng, triển khai các chương trình giảm giá thực chất, nhằm giữ niềm tin của người tiêu dùng với hàng Việt”.