Lợi dụng chuyện nghệ sĩ Việt bị nạn để quyên góp từ thiện
Theo luật sư, người giả mạo thân nhân của nghệ sĩ để kêu gọi đóng góp tiền có thể bị xử lý hình sự.
Chia sẻ với Zing, người thân của ca sĩ Phi Nhung cho biết bức xúc khi trên mạng xuất hiện một tài khoản đăng tin kêu gọi ủng hộ cô chữa bệnh. Phía gia đình khẳng định không hề có mối liên hệ với tài khoản này và cũng không có ý định kêu gọi giúp đỡ.
Nghệ sĩ bị lợi dụng để trục lợi
"Việc lợi dụng nghệ sĩ đang bị bệnh để lừa đảo tiền bạc của người khác là việc làm thất đức, không thể chấp nhận. Họ đã giả mạo lệnh chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản của quản lý Phi Nhung để đánh lừa khán giả", người thân của Phi Nhung nói.
Người nhà của nữ ca sĩ khẳng định từ khi cô nhập viện điều trị Covid-19, điều gia đình mong muốn duy nhất là được mọi người cầu nguyện cho Phi Nhung vượt qua giai đoạn khó khăn này.
"Không chỉ có người lợi dụng kêu gọi từ thiện, xung quanh việc điều trị của Phi Nhung cũng có nhiều tin đồn. Gia đình khẳng định cô ấy đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy", phía gia đình nữ ca sĩ chia sẻ thêm.
Trước Phi Nhung, một số người còn lợi dụng việc nghệ sĩ Việt qua đời để trục lợi. Cụ thể, khi người mẫu Đức Long qua đời vào tháng 7, có tài khoản cũng mạo danh gia đình, kêu gọi đóng góp để lo hậu sự cho anh. Khi đó, Cao Thái Hà - bạn thân của Đức Long - khẳng định gia đình và bạn bè lo đám tang cho anh. Gia đình anh cũng không khó khăn đến mức phải kêu gọi quyên góp.
Nữ diễn viên đã đăng thông tin trên trang cá nhân sau khi xuất hiện các tài khoản kêu gọi đóng góp. "Hà xin đính chính, Hà và gia đình Long không kêu gọi quyên góp. Gia đình Long cũng không quá khó khăn, cuộc sống ổn định. Mọi thông tin khác đều là sai lệch", nữ diễn viên chia sẻ.
Trong đám tang của Chí Tài vào cuối năm 2020, một tài khoản đã mạo danh ca sĩ Phương Loan, vợ nam nghệ sĩ, kêu gọi đóng góp tiền để đưa thi hài anh về Mỹ. Trong lúc tang gia bối rối, Phương Loan đã nhờ Việt Hương lên tiếng.
Diễn viên hài khẳng định toàn bộ chi phí tang lễ của Chí Tài ở Việt Nam đều do cô và nghệ sĩ Hoài Linh lo đầy đủ. Cả hai cũng không nhận bất cứ khoản đóng góp nào từ khán giả.
Mạo danh quyên góp từ thiện có thể bị xử lý hình sự
Trao đổi với Zing về vấn đề này, luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng hành vi mạo danh người khác, lợi dụng nghệ sĩ bị bệnh hoặc qua đời để trục lợi là phản cảm, đáng bị lên án. Hành vi sai trái này cũng sẽ bị pháp luật xử lý.
Luật sư Nam cho rằng khi cá nhân kêu gọi quyên góp cho người khác, trong hoàn cảnh người đó bị bệnh hoặc qua đời, cần phải có sự đồng ý, ủy quyền từ thân nhân của họ.
"Nếu mạo danh, kêu gọi tiền quyên góp để trục lợi là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hành vi này có thể bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự 2015. Trong trường hợp này, không cần đơn tố giác, Cục An ninh mạng cũng có thể chủ động điều tra", luật sư cho hay.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm.
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
a) Có tổ chức.
b) Có tính chất chuyên nghiệp.
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
d) Tái phạm nguy hiểm
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức.
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.