Lợi gì khi giãn chu kỳ kiểm định phương tiện thủy?
Việc kéo giãn chu kỳ kiểm định phương tiện thủy nội địa đang được nghiên cứu để giúp chủ phương tiện, doanh nghiệp bớt tốn thời gian, chi phí.
Cục Đăng kiểm VN đang nghiên cứu, đề xuất giãn chu kỳ kiểm định phương tiện thủy nội địa nhằm tháo gỡ ách tắc trong đăng kiểm, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Giảm chi phí và thời gian chờ đợi
Chia sẻ với PV, chủ một doanh nghiệp vận tải hành khách đường thủy ở Vũng Tàu cho biết, vừa phải chật vật mất gần 2 tháng để đăng kiểm cho chiếc du thuyền, chi phí tốn cả trăm triệu đồng.
Nguyên nhân là do theo quy định, các đơn vị đăng kiểm không được giám sát đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện thủy tại các cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện.
Do đó, chủ phương tiện buộc phải di chuyển đến các cơ sở đã được Cục Đăng kiểm VN xác nhận đủ năng lực kỹ thuật để kiểm định tàu.
Trong khi đó, do liên quan đến sai phạm, nhiều đăng kiểm viên tại Chi cục đăng kiểm tại Vũng Tàu bị khởi tố, tạm giam khiến năng lực hoạt động bị ảnh hưởng, nhiều phương tiện có nhu cầu kiểm định nhưng không được đáp ứng kịp thời.
“Liên hệ đến các nhà máy kiểm tra ở TP. HCM không khá hơn khi tại đây cũng ách tắc”, chủ doanh nghiệp này nói và cho biết, ngoài phí dịch vụ kiểm định còn mất thêm chi phí đưa tàu lên bờ kiểm tra chạy đà mỗi năm một lần, chi phí di chuyển đến cơ sở được cấp phép tốn hàng trăm triệu đồng. Chưa kể, tình trạng ách tắc còn khiến doanh nghiệp phải gánh thêm khoản phí lưu kho bãi.
Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc một công ty chuyên sản xuất tàu, cano cũng cho biết, hiện nhiều phương tiện đến hạn kiểm định của các doanh nghiệp khu vực miền Trung đang loay hoay tìm nơi để kiểm tra.
“Việc đưa phương tiện lên bờ rất khó khăn do mỗi chiếc tàu nặng hàng chục tấn, mỗi lần đưa lên tốn cả trăm triệu. Gần đây, số lượng phương tiện thủy nội địa gia tăng, nhu cầu kiểm định lớn nhưng do một số sai phạm liên quan đến đăng kiểm thủy dẫn đến tâm lý sợ sai nên công tác kiểm tra diễn ra lâu hơn”, ông Đảo nói.
Theo ông Đảo, đối với các phương tiện thủy mới, trước khi xuất xưởng đã được kiểm tra theo tiêu chuẩn của cơ sở sản xuất, tuy nhiên theo quy định, trước khi sử dụng vẫn phải kiểm định. Đây chính là lần đăng kiểm đầu tiên, giống với thông lệ quốc tế.
“Đối với các tàu mới, thông thường trong vòng 1 năm các bộ phận như vỏ, máy (động cơ) vẫn hoạt động tốt mà không cần phải kiểm tra. Sau 3 năm mới cần kiểm tra tổng thể. Tuy nhiên, quá trình sử dụng, chủ phương tiện phải có trách nhiệm trong việc thường xuyên bảo dưỡng để tàu hoạt động ổn định.
Việc kéo giãn chu kỳ kiểm định mỗi năm có thể giúp các doanh nghiệp có quy mô chục phương tiện trở lên tiết kiệm cả tỷ đồng”, ông Đảo nói.
Thực tế, lãnh đạo Chi cục đăng kiểm số 15, Cục Đăng kiểm VN cũng cho biết, quá trình kiểm tra phương tiện hàng năm, đa số các phương tiện không gặp lỗi liên quan đến thân vỏ hay máy móc, động cơ mà chủ yếu là các lỗi liên quan đến trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa bị hỏng, thiếu, phải khắc phục mới được cấp giấy chứng nhận để đủ điều kiện lưu thông.
Cân nhắc giãn với tùy loại phương tiện
Một chuyên gia trong lĩnh vực vận tải thủy cho rằng, đối với phương tiện mới, chưa qua sử dụng, sau lần kiểm định đầu tiên có thể nghiên cứu kéo giãn chu kỳ kiểm định tiếp theo.
Tuy nhiên, với các phương tiện cũ, hiện quy định kiểm tra định kỳ 1 năm là hợp lý, hoặc phải dựa trên điều kiện từng phương tiện để nghiên cứu, đề xuất kéo giãn phù hợp, đảm bảo phương tiện đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật.
Thừa nhận hiện trạng đăng kiểm phương tiện thủy nội địa đang bị ách tắc tại một số khu vực, lãnh đạo Phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT, đơn vị đang nghiên cứu đề xuất kéo giãn chu kỳ kiểm định đối với một số loại phương tiện thủy nội địa, dựa trên sự tham khảo từ thông lệ quốc tế và tình hình thực tế phương tiện, điều kiện sông nước tại Việt Nam.
Trước mắt, sẽ ưu tiên nghiên cứu gia hạn đối với tàu dân sinh, chở hàng, hoạt động trong các vùng hồ kín và giữ chu kỳ kiểm định hiện tại đối với các phương tiện chở khách, vận tải hàng trọng tải lớn ở các khu vực đường sông lớn, nhiều luồng rạch…
Hiện, Phòng Tàu sông đang nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo Cục kéo giãn chu kỳ kiểm định phương tiện thủy nội địa song song với dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 72/2013 về Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa và Quy chuẩn 25/2010 quy định các yêu cầu về giám sát kỹ thuật, thiết kế, đóng mới, sửa chữa, nhập khẩu phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ.
“Thực tế trong dự thảo sửa đổi bổ sung Quy chuẩn 25, Cục Đăng kiểm VN đã đề xuất phương án kéo giãn chu kỳ kiểm định cho tàu nhỏ (dưới 50 sức ngựa và có chiều dài dưới 20m) theo hướng không còn quy định kiểm tra hàng năm mà sẽ quy định trong vòng 5 năm sẽ có 2 lần kiểm tra trên đà”, lãnh đạo Phòng Tàu sông nói và cho biết, vẫn đang tiếp tục nghiên cứu chu kỳ kiểm định đối với các tàu lớn.
Tại cuộc họp về hoạt động vận tải thủy nội địa nói chung và công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa diễn ra ở Tiền Giang mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đã yêu cầu Cục Đăng kiểm VN nghiên cứu điều chỉnh kéo dài thời gian chu kỳ kiểm định phương tiện gắn với tăng cường công tác kiểm tra phương tiện của các Cảng vụ hàng hải, thủy nội địa, Sở GTVT trong khoảng thời gian giữa hai lần kiểm tra. Ngoài ra, chủ phương tiện phải chủ động duy tu, bảo dưỡng nhằm bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện.